Thử sức với phong cách nội thất chiết trung, vị lai mới lạ

Tín Dương mong muốn đưa không gian vũ trụ vào nhà ở của mình với phong cách vị lai. Trong khi đó, Hòa Nguyễn lựa chọn đồ nội thất sặc sỡ cho căn hộ chiết trung độc đáo, lạ mắt.

Căn hộ 85 m2 của Tín Dương được thiết kế theo phong cách Futurism (vị lai).

Những xu hướng nội thất khá lạ lẫm, có nguồn gốc từ châu Âu như Eclectic (chiết trung), Futurism (vị lai) hay Contemporary (đương đại) đã du nhập vào Việt Nam trong nhiều năm qua.

Tuy nhiên, trong các công trình nhà ở thông dụng, loạt phong cách này vẫn chưa mấy phổ biến nếu so sánh cùng Scandinavian (Bắc Âu), Minimalism (tối giản) hoặc Japandi (kết hợp giữa Bắc Âu và Nhật Bản).

Phong cách nội thất được xem có sự thay đổi tương đồng với phong cách thời trang. Vài năm qua, khi các sàn diễn và đường phố tràn ngập áo quần màu sắc nổi bật, chúng ta cũng bắt đầu chứng kiến nhiều hơn những ngôi nhà rực rỡ, mang phong cách hiếm, ít "đụng hàng".

Dưới đây, Zing chia sẻ câu chuyện thiết kế căn hộ của 4 người trẻ theo phong cách nội thất lạ lẫm và những điểm khiến họ tâm đắc về không gian sống của mình.

Phong cách vị laiTín Dương (TP Thủ Đức, TP.HCM)

Từ năm 2019, tôi đã ấp ủ ý tưởng về một căn hộ lấy cảm hứng từ mặt trăng và vũ trụ. Khi tham khảo các phong cách nội thất, tôi thấy Futurism (vị lai) thể hiện đúng tinh thần, mong muốn của bản thân nhất.

Phong cách này vốn có nguồn gốc từ Italy, tạo cảm giác về một thế giới tương lai như trong phim khoa học viễn tưởng. Đặc trưng của nó là những món nội thất có đường nét dài, lượn sóng hoặc các vật liệu như kim loại, nhựa và thủy tinh được kết hợp với nhau. Đôi khi, cửa ra vào và cửa sổ được làm bằng các lỗ tròn.

Căn hộ có gam màu trắng, xám và đen chủ đạo, sử dụng nhiều vật liệu kim loại, nhựa.

Khi ứng dụng vị lai cho không gian sống của mình, tôi lựa chọn xám, trắng và đen là những màu chủ đạo. Bạc sáng bóng cũng là một màu khá phổ biến khác. Ngoài ra, các sắc thái nhẹ khác như đỏ, xanh lục nhạt và vàng được dùng làm màu điểm nhấn. Đồ nội thất mang tinh thần năng động, có hình dạng khác biệt, cong hoặc góc cạnh.

Vì phong cách vị lai còn khá mới tại Việt Nam nên tôi phải trao đổi thật kỹ với đội ngũ thiết kế và thi công, chỉ cần "sai một ly là đi một dặm".

Trong nhà, các đường nét đều có ý đồ riêng. Ví dụ, với độ bo góc của các chi tiết, chỉ cần cong hoặc thẳng quá độ lệch cho phép sẽ ảnh hưởng đến toàn bộ tổng thể, thậm chí khiến căn nhà lạc sang một phong cách khác.

Trần nhà được giật cấp 3 lần bằng 3 đường lượn sóng. Đây là quyết định khiến tôi đắn đo rất nhiều bởi nếu làm không khéo sẽ tạo cảm giác chật chội, bí bách. Ngoài ra, những đường tam giác với góc mở liên tục về phía trước cũng thành công vượt ngoài mong đợi. Nó tạo được hiệu ứng khiến nhà trông cao hơn, ban đêm lại rất lung linh, huyền ảo.

Ánh sáng vàng giúp cân bằng những yếu tố màu lạnh, khiến không gian ấm áp hơn.

Tôi cũng phải tính toán tỉ mỉ về vật liệu để thể hiện đúng ý tưởng. Sàn nhà được làm từ đá Terrazo có ba màu đen, trắng, nâu nhằm gắn kết mọi vật dụng, mảng màu và mô phỏng bề mặt mặt trăng.

Bên cạnh đó, chất liệu chủ đạo của phong cách này là kim loại nên nhà rất dễ bị lạnh. Để tạo cảm giác ấm áp, tôi sử dụng đèn có ánh sáng vàng dịu và ghế, bàn trà màu kem.

Một chi tiết khác tôi khá tâm đắc là bức tranh phi hành gia lớn có tông màu ấm được đặt làm riêng. Tác phẩm này tạo cảm giác vui vẻ, hài hước nên có thể cân bằng lại với sự nghiêm túc của phong cách Futurism.

Cả hai phòng ngủ đều có những chiếc đèn hình mặt trăng. Phòng ngủ chính treo một mặt trăng lớn, còn phòng ngủ nhỏ dùng năm chiếc đèn tròn thể hiện chu kỳ của mặt trăng.

Căn bếp có màu hồng cam nhẹ không hề nữ tính, lại khiến không gian thêm mềm mại. Để phá vỡ tính truyền thống và cứng nhắc của các gian bếp thông thường, tôi đã thiết kế một mảng tường với những viên gạch có kích thước khác nhau được lắp ngẫu hứng. Nhờ vậy, mặt bếp khi nhìn vào có hồn hơn rất nhiều.

Tôi tính toán tổng chi phí thiết kế và hoàn thiện nội thất cho căn hộ khoảng 650 triệu đồng (chưa bao gồm đồ điện tử).

Phòng ngủ có điểm nhấn ở bàn và những hộc tủ.

Phong cách chiết trung (Hòa Nguyễn, Hà Nội)

Khi lên ý tưởng thiết kế cho căn hộ duplex 180 m2, tôi hình dung đây sẽ là một ngôi nhà mang năng lượng tích cực, tạo cảm giác tự do sáng tạo và mang cảm hứng tương lai. Bởi vậy, căn hộ là sự kết hợp giữa phong cách Eclectic (chiết trung), pha một chút Futuristic (vị lai) nhằm thoát khỏi những quy luật gò bó và hướng đến sự phóng khoáng.

Đặc điểm chính của phong cách chiết trung là sự pha trộn giữa cái cũ, cái mới và giữa nhiều phong cách với nhau. Nhờ vậy, tôi có thể sử dụng những yếu tố mà mình yêu thích và không bị bó hẹp trong những màu sắc, vật liệu cụ thể. Tuy nhiên, không gian vẫn cần có một nhịp điệu xuyên suốt, thể hiện qua sự lặp lại của màu sắc, tranh ảnh, họa tiết...

Căn hộ mang phong cách chiết trung với nhiều màu sắc rực rỡ.

Ban đầu, căn hộ của tôi có 3 phòng ngủ. Tôi đã đập bỏ bớt một phòng và dành không gian cho góc làm việc.

Tinh thần của căn hộ là sự trẻ trung, vui tươi nên tôi ưu tiên những màu sắc tươi sáng nhất. Nhưng khi đi vào thực tế, tôi phải tiết chế sự "màu mè" của bản thân để đảm bảo sự hài hòa, cân đối, không biến ngôi nhà thành một mớ hỗn độn.

Tường nhà màu trắng để làm nổi bật những món nội thất rực rỡ. Một điểm thú vị là tôi chọn màu điểm nhấn dựa vào màu sắc của những bức tranh tường, cụ thể là hồng, xanh, vàng.

Hệ cửa kính lớn giúp căn hộ lấy được nhiều ánh sáng.

Một trong những góc nổi bật nhất là mảng tường được vẽ hàng nghìn con bướm. Bức tranh này tốn rất nhiều công sức chỉnh sửa, nên thời gian vẽ xong cũng ngang với lúc ngôi nhà hoàn thiện.

Góc làm việc của tôi được đặt ở nơi có nhiều ánh sáng, tâm điểm là chiếc bàn đá mài có màu hồng fuchsia. Những đồ nội thất, trang trí khác đều có những cong mềm mại cùng hình dáng ngộ nghĩnh.

Khoảng thông tầng nổi bật với chiếc đèn hình chùm bóng bay.

Phong cách công nghiệp kết hợp đương đại Mã Hoàng Sơn (quận 4, TP.HCM)

Sau khi mua căn hộ 82 m2 có 2 phòng ngủ, tôi đã dành ra 3 tháng "đập phá" để cải tạo thành căn studio mang phong cách Industrial (công nghiệp) kết hợp với Contemporary (đương đại).

Ngoài tường và một nhà vệ sinh, trần nhà cũng được phá bỏ và mài lại bê tông cho nhẵn. Không gian phòng khách - ngủ liền kề nên rất thoáng đãng, chỉ có khu nhà tắm có vách ngăn bao quanh.

Phong cách công nghiệp trong nhà ở phổ biến ở nước ngoài, nhưng trong nước vẫn còn khá mới mẻ nên tôi gặp khá nhiều khó khăn trong việc thiết kế và thi công. Khi làm sàn xi măng, tôi đã đục hết gạch lên và đổ lại sàn mới, thậm chí làm lại nhiều lần mới được thành quả như ý.

Những mảng tường bê tông là đặc trưng của phong cách công nghiệp.

Màu sắc chủ đạo của căn hộ là trắng, xám và đen, đồng thời tạo điểm nhấn bằng màu gỗ, da.

Đồ nội thất đơn giản nhưng có đường nét rõ ràng. Trong số đó, có nhiều món được tôi đặt làm riêng để thể hiện đúng chất của phong cách đang hướng đến.

Phòng khách và bếp được ngăn cách bằng một miếng kim loại lớn giống như vầng trăng khuyết. Bức tường ở khu vực phòng ngủ được sơn hiệu ứng giả bê tông. Cây trồng trên tường làm tăng mảng xanh và khiến căn hộ thô ráp trở nên mềm mại hơn. Tổng chi phí tôi đã đầu tư cho căn hộ là khoảng một tỷ đồng.

Căn hộ mềm mại hơn nhờ sắc xanh từ cây cối.

Phong cách công nghiệp kết hợp tối đa Phương Nguyễn (quận 7, TP.HCM)

Tôi từng có hơn 12 năm sinh sống và làm việc ở London (Anh). Trong khoảng thời gian này, tôi gắn bó khá lâu với khu Soho, trung tâm sầm uất nhất của thành phố. Khu vực này có những nét đặc trưng của phong cách Industrial (công nghiệp) như vách tường gạch đỏ, những chiếc bàn gỗ cộc, ghế sắt và ánh đèn bảng hiệu neon.

Những năm tháng sống ở Anh đã truyền cảm hứng cho tôi khi thiết kế căn hộ rộng 120 m2 của mình. Khi được bàn giao, hiện trạng căn nhà đã có tường gạch, sàn gỗ, vách kính, khá phù hợp với phong cách tôi chọn lựa.

Ban đầu, tôi tự mày mò thiết kế nhưng gặp khá nhiều trở ngại. Tôi không biết nơi mua đồ trang trí, khó hình dung chất liệu và màu sắc của đồ nội thất.

Sau lần thử thất bại ấy, tôi quyết định giao căn hộ cho stylist nội thất. Với sự đồng hành của những người có chuyên môn, căn hộ đã hoàn thiện với tiêu chí "đẹp – chất – đúng".

Không gian bàn ăn và phòng khách liền kề.

Phòng khách được thay đổi từ đèn chùm đến bàn cà phê kim loại viền da nâu phối đinh tán. Bộ sofa và kệ tivi cũng được đổi chỗ với nhau. Điểm nhấn trong không gian này là bức tranh sắt được đặt làm riêng, nhìn rất gai góc và cá tính.

Phòng ngủ toát lên cảm giác ấm áp với bộ ga giường màu đậm và đèn ánh sáng vàng. Tủ đầu giường cũng không phải là tủ gỗ thường thấy mà có kiểu dáng giống như một chiếc rương.

Những đồ trang trí tạo cảm giác hoài cổ được đặt ở nhiều góc.

Thêm vào đó, tôi cũng theo chủ nghĩa Maximalism (tối đa, càng nhiều càng tốt) nên căn nhà được lấp đầy bởi rất nhiều đồ trang trí, lưu niệm. Để sưu tầm được những món đồ chất lượng, có nét cổ điển, tôi và stylist phải săn lùng ở cả trong nước lẫn nước ngoài.

Với tổng chi phí 300 triệu đồng, căn hộ không chỉ lột xác toàn bộ mà còn khiến cho tôi có cảm giác được là chính mình mỗi khi về nhà.

Bích Ngọc

Nguồn Znews: https://zingnews.vn/thu-suc-voi-phong-cach-noi-that-chiet-trung-vi-lai-moi-la-post1389485.html