Thu nhập so kè lạm phát

Mức tăng CPI chung và CPI nhóm I từ năm 2009-2012

Theo đề xuất mới đây của Bộ Tài chính về một số mốc tính thuế thu nhập cá nhân, mức giảm trừ cho người thu nhập chính là 6 triệu đồng/tháng và người phụ thuộc là 2,4 triệu/tháng. Mức này bắt đầu được áp dụng từ năm 2014. Theo Bộ, mức giảm trừ nói trên là hợp lý. Tuy nhiên, nếu xem xét lạm phát từ năm 2009 trở lại đây, khó có thể xem mức này là phù hợp.

Soi vào lạm phát

Trước tiên, hãy nhìn vào chỉ số giá tiêu dùng (CPI) từ năm 2009-2012. Theo Tổng Cục thống kê, CPI chung năm 2009 tăng 6,88%, năm 2010 tăng 9,19%, năm 2011 tăng 18,13%, còn năm 2012 mục tiêu Chính phủ đặt ra là tăng khoảng 9%. Như vậy, CPI năm 2012 so với năm 2009 đã tăng trên 50%.

Mức tăng này còn cao hơn nếu tính theo CPI nhóm hàng ăn và dịch vụ ăn uống, gọi chung là Nhóm I. Năm 2009, CPI Nhóm I tăng 26,13%, năm 2010 tăng 10,71%, 2009 tăng 8,71%.Giả sử CPI Nhóm I năm nay tăng bằng mức CPI chung là 9% thì với cách tính trên, CPI Nhóm I năm 2012 so với năm 2009 tăng tới trên 65%.

Những con số này cho thấy, CPI chung và CPI Nhóm I năm 2012 so với năm 2009 đều tăng vượt 50%. Trong khi đó, mức giảm trừ 6 triệu và 2,4 triệu đồng mà Bộ Tài chính dự định áp dụng từ năm 2014 chỉ tăng 50% so với năm 2009. Có nghĩa, nếu so với mức tăng CPI thì mức tăng giảm trừ gia cảnh là thấp hơn, ngay cả khi chỉ tính tới năm 2012. Hay nói cách khác, cùng một loại hàng hóa dịch vụ, 6 triệu và 2,4 triệu của năm 2014 sẽ mua được ít hơn so với 4 triệu và 1,6 triệu năm 2009. Đó là lý do Tiến sĩ Phạm Thanh Bình, chuyên gia kinh tế, cho rằng việc điều chỉnh các mức giảm trừ để tính thuế thu nhập cá nhân phải dựa vào lạm phát.

Người thu nhập trung bình và khá chịu thiệt

Theo ông Bình, đối tượng bị thiệt khi lạm phát tăng cao là người có thu nhập trung bình và khá. Có thể thấy điều này khi nhìn vào cơ cấu chi tiêu của các hộ gia đình có thu nhập trên dưới 10-12 triệu đồng/tháng. Đây là nhóm hộ có tỉ lệ chi cho lương thực, thực phẩm và hàng thiết yếu (ăn, mặc, ở) chiếm đa số, thậm chí đến 80% tổng thu nhập. Do vậy, họ sẽ chịu tác động mạnh nhất từ việc tăng giá cả hàng hóa, dịch vụ. Như vừa phân tích, CPI Nhóm I năm 2012 tăng hơn 65% so với năm 2009. Nghĩa là họ đã chịu thiệt khi so với mức CPI chung và còn thiệt hơn nữa khi mua lương thực, thực phẩm.

Ví dụ, giá nhà đất năm 2011 không tăng, thậm chí giảm, giúp kéo chỉ số CPI chung xuống, nhưng giá lương thực, thực phẩm vẫn tăng cao. Nhiều hộ có thu nhập trung bình không được hưởng mức giá nhà đất giảm, vì họ không có đủ tiền mua. Trong khi đó, họ buộc phải chi cho ăn, mặc, sinh hoạt với giá tăng chóng mặt. Một tô phở năm 2009 chỉ 12.000 đồng, nhưng nay đã lên tới 25.000 đồng. Hay như giá gas vào tháng 3.2009 là 205.000 đồng/bình, nay đã tăng hơn gấp đôi.

Nếu dựa trên mức thu nhập bình quân đầu người hiện nay, mức giảm trừ 6 triệu đồng và 2,4 triệu đồng mà Bộ Tài chính đề xuất là có cơ sở. Theo Vụ Lao động - Tiền lương, thuộc Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội, đến năm 2013, mức thu nhập bình quân của người lao động cả nước khoảng 5,5 triệu đồng/tháng.

Nhưng nếu soi vào lạm phát thì lại là chuyện khác. Dựa vào cách tính lạm phát nói trên, các mức giảm trừ 6 triệu đồng và 2,4 triệu đồng chỉ có thể tương đối phù hợp nếu áp dụng ngay từ đầu năm 2012. Còn đến năm 2014 mới áp dụng thì có nghĩa người dân có thu nhập thấp hơn so với năm 2009 cũng phải nộp thuế thu nhập cá nhân.

Nguồn NCĐT: http://nhipcaudautu.vn/article.aspx?id=11956