Thủ lĩnh áo xanh trên mảnh đất biên cương A Ngo

Từ lâu, cái tên Hồ Văn Tèo, Bí thư Đoàn xã A Ngo (huyện Đakrông, tỉnh Quảng Trị) vẫn được nhắc đến như một tấm gương điển hình 'Đâu cần thanh niên có, đâu khó có thanh niên' khi luôn chủ động, tiên phong trong các hoạt động xung kích tuổi trẻ nơi biên giới. Với tâm thuyết và khát vọng tuổi trẻ, chàng thanh niên Pa Cô này đã tạo dấu ấn riêng trong mỗi hoạt động, phong trào Đoàn, tất cả vì mục tiêu giúp đoàn viên, thanh thiếu niên có sân chơi bổ ích và cơ hội khởi nghiệp thành công.

Đồn Biên phòng cửa khẩu quốc tế La Lay tặng quà tri ân anh Hồ Văn Tèo (thứ 2, từ trái sang) và các gia đình đã hiến, cho mượn đất để làm chốt quản lý, bảo vệ biên giới và phòng, chống dịch Covid-19 nhân dịp kỷ niệm 65 năm Ngày Truyền thống BĐBP (3/3/1959-3/3/2024) và 35 năm Ngày Biên phòng toàn dân (3/3/1989-3/3/2024). Ảnh: Trúc Hà

Thanh niên tiêu biểu

Khi biết được “xuất phát điểm” của Bí thư Đoàn xã A Ngo, chúng tôi rất nể trọng vì sự nỗ lực, tự lực của chàng trai người Pa Cô này. Sinh ra và lớn lên giữa núi rừng biên cương A Ngo, nhà nghèo nhưng Hồ Văn Tèo vẫn nỗ lực tốt nghiệp trung học phổ thông. Tháng 2/2011, chàng thanh niên Hồ Văn Tèo nhập ngũ vào Sư đoàn 968, Quân khu 4. Tháng 8/2012, anh xuất ngũ, có người khuyên nên đi xuất khẩu lao động, thế nhưng Hồ Văn Tèo lại muốn... đi học. Hồ Văn Tèo dành 3 năm ở nhà làm kinh tế, chắt bóp từng đồng để theo đuổi giấc mơ làm thầy giáo. Từ năm 2014 đến 2017, Hồ Văn Tèo là sinh viên Trường Cao đẳng Sư phạm Quảng Trị. Một năm sau khi tốt nghiệp, Hồ Văn Tèo lấy vợ rồi nhận phần ở nhà đi rẫy, làm nương để vợ có điều kiện đi học tại Trường Cao đẳng Kỹ thuật Quảng Trị. Cho đến khi vợ nhận công tác tại Trường Mầm non A Vao (xã A Vao, huyện Đakrông) thì Hồ Văn Tèo tiếp tục học liên thông Đại học Sư phạm Huế.

Trong suốt quãng thời gian sinh viên, Hồ Văn Tèo luôn là sinh viên tiêu biểu, không chỉ có thành tích học tập tốt, mà còn luôn nhiệt tình tham gia các hoạt động, phong trào sinh viên. Thấy các bạn sinh viên Lào gặp khó khăn trong việc tiếp thu bài giảng do rào cản ngôn ngữ, Hồ Văn Tèo đã đề xuất với nhà trường mượn phòng học để bổ túc tiếng Việt cho các bạn. Thế là, suốt 3 năm liền, chỉ khi nào về nhà, hay tham gia hoạt động của trường, kí túc xá thì lớp học tiếng Việt của Hồ Văn Tèo mới nghỉ, còn không vẫn luôn sáng đèn và nhất định không nhận tiền công dù chỉ 1 kíp Lào. Cũng bởi vậy mà Hồ Văn Tèo có rất nhiều người bạn ở khắp các tỉnh, thành trên đất nước Triệu Voi.

Thực ra, để có tiền ăn học, hai vợ chồng Hồ Văn Tèo phải vay Ngân hàng Chính sách xã hội, cho đến giờ vẫn phải trả gốc và lãi 5 triệu đồng mỗi tháng. Thế nên, khi biết anh hiến đất để Đồn Biên phòng cửa khẩu quốc tế La Lay (BĐBP Quảng Trị) dựng Chốt quản lý, bảo vệ biên giới và phòng, chống dịch Covid-19, mọi người đã rất ngạc nhiên. Không ngạc nhiên sao được vì đất là tư liệu sản xuất đem lại nguồn thu nhập chính nuôi sống mỗi gia đình. Nếu không canh tác thì anh có thể bán để trả nợ cho ngân hàng. Trả lời cho thắc mắc của mọi người, Hồ Văn Tèo chỉ nói: “Tôi muốn làm gương trong việc chung tay cùng với BĐBP bảo vệ biên giới, cũng là bảo vệ cuộc sống cho bà con”. Thượng tá Nguyễn Xuân Linh, Chính trị viên Đồn Biên phòng cửa khẩu quốc tế La Lay cho biết: “Trong thời gian thực hiện nhiệm vụ kép trên biên giới, chúng tôi đã nhận được rất nhiều sự ủng hộ của bà con, đặc biệt có anh Hồ Văn Tèo và Hồ Văn Tắp hiến đất để dựng chốt, bộ đội có chỗ ăn ở khi xuống địa bàn. Hiện nay, chốt vẫn được giữ lại và trở thành nhà công tác địa bàn. Có sự xuất hiện của BĐBP ở thôn, bản giúp bà con yên tâm hơn và những đối tượng xấu cũng e dè”.

Tạo dấu ấn cho phong trào Đoàn

Nhận tấm bằng cử nhân loại khá, Hồ Văn Tèo trở về phục vụ quê hương, làm thầy giáo Trường Tiểu học-Trung học cơ sở A Ngo. Trong các hoạt động chung của trường và đặc biệt là phong trào Đoàn, thanh thiếu niên ở địa phương, thầy giáo Hồ Văn Tèo luôn nhiệt tình tham gia. Với sự tích cực ấy, anh được bầu làm Phó Bí thư Đoàn xã A Ngo năm 2021. Công việc bận rộn, thế nhưng anh vẫn luôn để ý đến những người xung quanh mình. Thương những bậc cha mẹ dành tất cả để cho con em đi học với mong muốn có cái chữ, Hồ Văn Tèo đã mượn phòng trong căn nhà của trưởng thôn A Ngo Hồ Hải Thương để mở lớp dạy kèm cho những học sinh yếu. Sau Đại hội đại biểu Đoàn Thanh niên Cộng sản Hồ Chí Minh, nhiệm kỳ 2022-2027, Hồ Văn Tèo được bầu làm Bí thư Đoàn xã A Ngo với số phiếu 98%.

Đoàn Thanh niên Đồn Biên phòng cửa khẩu quốc tế La Lay và Đoàn xã A Ngo phối hợp tổ chức mô hình “Dê giống khởi nghiệp”. Ảnh: Trúc Hà

Thực ra, ngay từ khi còn là chiến sĩ Sư đoàn 968, rồi thời gian là sinh viên, Hồ Văn Tèo đã luôn tích cực tham gia phong trào Đoàn. Là Bí thư Đoàn xã biên giới, vậy nên những hoạt động, phong trào Đoàn của Đoàn xã A Ngo luôn gắn với những người lính Biên phòng. Những năm qua, Đoàn Thanh niên Đồn Biên phòng cửa khẩu quốc tế La Lay và Đoàn xã A Ngo đã phối hợp thực hiện nhiều mô hình ý nghĩa, như: “Ổ bánh mì biên giới”, “Tay kéo Biên phòng”, “Dê giống khởi nghiệp”... “Trên biên giới qua xã A Ngo có nhiều đường mòn qua lại, đối tượng xấu có thể lợi dụng người dân đi thăm thân để vận chuyển hàng cấm, thế nên chúng tôi thường xuyên tổ chức các đợt tuyên truyền, vận động người dân tham gia bảo vệ chủ quyền, an ninh biên giới quốc gia” - Hồ Văn Tèo cho biết.

“Giúp thanh niên khởi nghiệp” luôn là mối quan tâm của Bí thư Đoàn xã A Ngo. Với sự hỗ trợ, tư vấn của Đoàn xã, đã có nhiều thanh niên ở A Ngo tìm được lối đi để vươn lên thoát nghèo. Năm 2022, trên địa bàn xã A Ngo có 4 đoàn viên, thanh niên đi xuất khẩu lao động tại Nhật. Gần đây là trường hợp chị Hồ Thị Diễm (sinh năm 2001), ở thôn A Rồng được xuất cảnh đi Nhật làm việc theo hợp đồng. Những lao động này đã gửi tiền về giúp gia đình có thêm điều kiện để phát triển kinh tế, nâng cao mức sống. Anh Hồ Văn Tèo mong muốn ngày càng có nhiều đoàn viên, thanh niên của xã được đi xuất khẩu lao động, góp phần ổn định cuộc sống gia đình và phát triển kinh tế, xã hội địa phương.

Bí thư Đoàn xã Hồ Văn Tèo luôn suy nghĩ, thoát ly không phải là cách duy nhất hay hiệu quả nhất mà cần tạo điều kiện để những thanh niên khởi nghiệp ngay trên quê hương. Mô hình “Dê giống khởi nghiệp” của Đoàn xã A Ngo và Đoàn Thanh niên Đồn Biên phòng cửa khẩu quốc tế La Lay luôn được đánh giá cao về tính hiệu quả. Từ 2 cặp dê giống ban đầu, đến nay đã thành 28 con dê con và 6 gia đình trẻ được hưởng lợi. Anh Hồ Bày (thôn La Lay, xã A Ngo) cho biết: “Gia đình tôi được nhận cặp dê giống. Sau 1,5 năm, chúng tôi đã có đàn dê cho riêng mình, vợ chồng tôi rất vui. Tiền bán dê, chúng tôi để cải thiện bữa ăn, mua sắm vật dụng và cho con đi học”. Cứ như thế, bằng những việc làm cụ thể và mang lại hiệu quả cao, Bí thư Đoàn xã A Ngo Hồ Văn Tèo luôn tạo được màu sắc, dấu ấn riêng cho phong trào Đoàn ở A Ngo.

Trúc Hà

Nguồn Biên Phòng: https://bienphong.com.vn/thu-linh-ao-xanh-tren-manh-dat-bien-cuong-a-ngo-post473938.html