Thu hút nguồn lực kiều bào phát triển nền kinh tế - xã hội

Sáng 12/11, Hội nghị người Việt Nam ở nước ngoài toàn thế giới với chủ đề “Kiều bào chung sức xây dựng TP.HCM phát triển nhanh, bền vững và hội nhập quốc tế” đã chính thức được khai mạc.

Tham dự Hội nghị có lãnh đạo Đảng, Nhà nước,TP.HCM và 500 đại biểu kiều bào đến từ các quốc gia trên thế giới.

Phát biểu khai mạc hội nghị, Phó thủ tướng Chính phủ Phạm Bình Minh cho biết, trong thời gian qua, Bộ Ngoại giao đã tổ chức nhiều hoạt động phong phú để thu hút bà con kiều bào về tham gia như chương trình Xuân quê hương, Giỗ tổ Hùng Vương...

Phó Thủ tướng Phạm Bình Minh và Bí thư Thành Ủy Đinh La Thăng trò chuyện với đại biểu kiều bào khi kết thúc phiên khai mạc.

Chủ tịch UBND TP.HCM Nguyễn Thành Phong và Phó Chủ tịch UBND TP.HCM Lê Thanh Liêm đang trao đổi với kiều bào bên lề Hội nghị

Bên cạnh đó là các tọa đàm chính sách pháp luật nhằm tạo điều kiện cho kiều bào về giao lưu, tìm hiểu chính sách của Đảng và Nhà nước để gia tăng sự gắn kết của kiều bào đối với quê hương, thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội.

Theo Phó thủ tướng Phạm Bình Minh, tình hình thế giới và khu vực đang chuyển biến rất nhanh và phức tạp. Tuy nhiên, có thể nhận thấy rằng, hòa bình và phát triển, toàn cầu hóa đang là xu thế lớn, không thể đảo ngược.

Những xu thế đó, cùng với các biến động về kinh tế, chính trị của các nước, đặc biệt là các nước láng giềng, đều tác động đến Việt Nam, mở ra cho chúng ta nhiều cơ hội nhưng cũng lắm thách thức.

Trong 30 năm đổi mới, Việt Nam lập được nhiều thành tựu quan trọng, chính trị - xã hội ổn định, kinh tế được phát triển, đời sống nhân dân được nâng cao.

Phó thủ tướng Phạm Bình Minh nhận quà lưu niệm từ một số kiều bào

Tuy nhiên, chúng ta cũng đang đối mặt với nhiều thách thức lớn, mô hình tăng trưởng theo chiều rộng dựa vào nguồn lực tài nguyên và nhân lực rẻ từng mang lại thành công cho Việt Nam, nay cũng đã tới hạn. Năng suất và chất lượng lao động còn thấp, chưa tham gia sâu được vào chuỗi giá trị khu vực và toàn cầu.

Cùng với đó, những vấn đề khác như biến đổi khí hậu, an ninh nguồn nước, ô nhiễm môi trường, cạn kiệt tài nguyên thiên nhiên đang đe dọa kéo lùi những thành quả kinh tế - xã hội và ảnh hưởng đến tương lai phát triển bền vững của đất nước.

Vậy làm thế nào để vượt qua những thách thức đó, sớm đưa Việt Namm cơ bản trở thành nước công nghiệp theo hướng hiện đại?

Theo Phó thủ tướng Phạm Bình Minh, để đạt mục tiêu này, Đảng và Nhà nước ta nhận rõ: cải cách thể chế kinh tế và tiếp tục hội nhập sâu rộng hơn nữa là con đường duy nhất để Việt Nam bứt phá.

Các kiều bào đóng góp ủng hộ đồng bào lũ lụt miền Trung

Vì vậy, Chính phủ đang đẩy mạnh tái cơ cấu kinh tế gắn với chuyển đổi mô hình tăng trưởng, nâng cao năng lực cạnh tranh của quốc gia và doanh nghiệp, nâng cao năng suất lao động và chất lượng nguồn nhân lực.

Trong quá trình tái cơ cấu kinh tế, Chính phủ chú trọng tái cơ cấu các thị trường nhân tố sản xuất quan trọng. Bao gồm thị trường quyền sử dụng đất, thị trường lao động và thị trường khoa học công nghệ, đưa khoa học và công nghệ trở thành động lực của quá trình phát triển kinh tế - xã hội.

Đối với đầu tư nước ngoài, Chính phủ khuyến khích các dự án đầu tư vào các lĩnh vực ưu tiên là kết cấu hạ tầng, phát triển nhân lực chất lượng cao, công nghiệp phụ trợ và nông nghiệp cũng như những lĩnh vực phục vụ thiết thực các nhu cầu cấp bách của người dân hiện nay như nông nghiệp hữu cơ, chế biến thực phẩm sạch và an toàn...

Đảng và Nhà nước luôn xác định,cộng đồng người Việt Nam ở nước ngoài là bộ phận không thể tác rời của dân tộc Việt Nam. Kiều bào ta dù xa tổ quốc nhưng luôn mang trong mình lòng yêu nước, yêu quê hương, hướng vể cội nguồn. Kiều bào là cầu nối tăng cường tình hữu nghị giữa Việt Nam với các nước. Các hoạt động hợp tác về khoa học – công nghệ, đầu tư, kinh doanh, tài chính của kiều bào hiện nay đã trở thành nguồn lực quan trọng, đóng góp hiệu quả vào quá trình phát triển kinh tế của đất nước.

Theo ông Nguyễn Thành Phong, Chủ tịch UBND TP.HCM, trong những năm qua, TP luôn giữ vững vị trí đầu tàu, là trung tâm quy tụ động lực thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội của cả nước.

Phó thủ tướng Phạm Bình Minh trò chuyện với các kiều bào sau lễ khai mạc

Trong giai đoạn 2011 – 2015, TP.HCM đã triển khai thực hiện chương trình chuyển dịch cơ cấu kinh tế, chuyển đổi mô hình tăng trưởng đúng định hướng, phát triển từ chiều rộng sang chiều sâu, tăng cường cải thiện môi trường đầu tư, kinh doanh, hướng đến chất lượng, hiệu quả và tính bền vững.

Giai đoạn 2011 – 2015, GDP của TP tăng bình quân 9,6%, gấp 1,6 lần so với cả nước. Bộ mặt đô thị thay đổi theo hướng văn minh, hiện đại, chất lượng cuộc sống người dân được cải thiện rõ rệt, uy tín quốc tế không ngừng được nâng cao.

Theo ông Phong, TP cũng là địa phương có nhiều chính sách ưu đãi đối với kiều bào. Điều này thể hiện qua việc thu hút số lượng kiều hối rất lớn, chiếm 50% tổng số kiều hối của cả nước. Đồng thời, quy tụ, thu hút số lượng đông đảo kiều bào về sinh cơ, lập nghiệp.

Tuy nhiên, ông Phong cũng cho rằng, việc huy động nguồn lực người Việt Nam ở nước ngoài đối với sự phát triển của TP vẫn còn nhiều vấn đề đặt ra. Ở một số lĩnh vực, vai trò và đóng góp của kiều bào vẫn chưa phát huy tối đa hiệu quả, chưa tương xứng với tiềm năng tri thức, vốn kinh nghiệm quốc tế và nguồn tài chính quan trọng mà cộng đồng người Việt Nam ở nước ngoài đã tích lũy.

Do đó, bài toán đặt ra cho TP trong thời gian tới, là làm thế nào để kiều bào đóng góp tích cực hơn, hiệu quả hơn cho công cuộc xây dựng và phát triển TP.HCM, để thực sự là đầu tàu kinh tế của cả nước, là trung tâm của vùng kinh tế trọng điểm phía Nam và khu vực.

Thiện An

Nguồn Khám Phá: http://khampha.vn/kinh-doanh/thu-hut-nguon-luc-kieu-bao-phat-trien-nen-kinh-te-xa-hoi-c10a467117.html