Thu hút FDI hoán đổi ngôi vị ngoạn mục

Thu hút đầu tư nước ngoài (FDI) của Việt Nam trong những tháng đầu năm 2017 tiếp tục xu hướng tăng trưởng so với cùng kỳ năm trước. Theo đánh giá của các chuyên gia, dù có một số trở ngại song nhờ quá trình hội nhập kinh tế quốc tế và việc cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh, Việt Nam vẫn đang là thị trường hấp dẫn đối với các nhà đầu tư nước ngoài.

Cần phải có bộ lọc để chỉ thu nạp những nguồn vốn FDI sạch, có công nghệ cao, mang tính lâu bền. Ảnh: H.Anh.

Tăng trưởng bứt phá

“Sau một thời gian phát triển kinh tế, lượng dự trữ ngoại hối của Trung Quốc rất lớn, họ có nhu cầu đẩy lượng ngoại tệ đó ra thị trường quốc tế để kiếm lời. Nhờ đó, lượng ngoại tệ của Trung Quốc trong thời gian vừa qua đã giảm một cách rất nhanh chóng từ 4.000 tỷ USD xuống còn 3.000 tỷ USD. Đầu tư ra nước ngoài của Trung Quốc rất phát triển và Việt Nam không phải là ngoại lệ. Tuy nhiên, vì Việt Nam có đường biên giới chung với Trung Quốc và cũng đang ký kết hàng loạt hiệp định thương mại song phương, đa phương với các chủ thể lớn trên thế giới nên lại càng được các nhà đầu tư Trung Quốc quan tâm”.

PGS.TS Đinh Trọng Thịnh:

Số liệu của Cục Đầu tư nước ngoài (Bộ Kế hoạch và Đầu tư) cho thấy, chỉ trong 2 tháng đầu năm 2017, số vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài vào Việt Nam đã đạt mức kỷ lục so với cùng kỳ các năm trước cả về số dự án cấp mới, số vốn đăng ký và vốn giải ngân. Theo đó, Việt Nam đã thu hút được 313 dự án mới với tổng vốn đăng ký là 2,028 tỷ USD. Cùng với 137 lượt dự án đăng ký tăng vốn đầu tư với tổng vốn đăng ký tăng thêm là 759,51 triệu USD và 654 lượt góp vốn, mua cổ phần của nhà đầu tư nước ngoài với tổng giá trị góp vốn là 619 triệu USD, Việt Nam đã thu hút được 3,4 tỷ USD, tăng 21,5% so với cùng kỳ năm trước. Cùng với nguồn vốn đăng ký tăng, vốn giải ngân cũng ước đạt 1,55 tỷ USD, tăng 3,3% so với cùng kỳ năm 2016.

Không có gì thay đổi khi lĩnh vực công nghiệp chế biến, chế tạo vẫn thu hút được nhiều sự quan tâm của nhà đầu tư nước ngoài nhất trong số 18 ngành, lĩnh vực đầu tư với tổng số vốn lên tới 2,5 tỷ USD, chiếm đến 73,4% tổng vốn đầu tư đăng ký.

Đánh giá về thu hút FDI, ông Nguyễn Văn Toàn, Phó chủ tịch Hiệp hội các nhà đầu tư nước ngoài cho rằng, 2 tháng thì chưa thể đánh giá được nhiều, nhưng có thể nói dù không có Hiệp định đối tác kinh tế xuyên Thái Bình Dương (TPP) thì xu thế chính của Việt Nam vẫn là xu thế hội nhập và điểm nhấn của FDI trong thời gian qua đó là thu hút FDI không bị sụt giảm, cụ thể là không bị tác động của việc Tổng thống Mỹ mới đắc cử, ông Donal Trump tuyên bố Mỹ sẽ không tham gia vào TPP. Chuyên gia này cũng cho rằng, khi không có TPP thì những cái chúng ta kỳ vọng sẽ giảm xuống, nhưng những cái có sẵn không bị mất đi, do đó tăng trưởng của FDI vào Việt Nam trong năm 2017 sẽ không giảm sút mà sẽ được bù vào bằng các nguồn đầu tư từ các thị trường khác như EU, Nhật Bản, Hàn Quốc… thời gian gần đây các nhà đầu tư Trung Quốc tìm đến thị trường Việt Nam không chỉ tập trung vào thương mại nữa mà sau thương mại, họ đầu tư vào Việt Nam rất mạnh mẽ.

Số liệu thống kê cũng cho thấy, thời gian gần đây đã có sự hoán đổi ngoạn mục trong ngôi vị của các nhà đầu tư nước ngoài đầu tư vào Việt Nam. Nếu như trong năm 2016, Hàn Quốc gần như dẫn đầu các quốc gia và vùng lãnh thổ có dự án đầu tư tại Việt Nam thì ngay trong 2 tháng đầu năm, vị trí đó đã liên tục thuộc về quốc đảo Singapore khi quốc gia này đã “bơm” 881,6 triệu USD vào Việt Nam. Với Hàn Quốc, nếu như tháng 1/2017 quốc gia này vẫn đứng thứ 2 sau Singapore thì sang tháng 2, họ bất ngờ tụt xuống hàng thứ 3 và sự trỗi dậy của các nhà đầu tư Trung Quốc là nguyên nhân của thay đổi này. Theo Cục Đầu tư nước ngoài, Trung Quốc đã vươn lên đứng thứ hai khi các nhà đầu tư đến từ Trung Quốc đã rót tới 721,7 triệu USD, chiếm 21,1% tổng vốn đầu tư vào Việt Nam.

Trong số 5 dự án lớn nhất được cấp phép trong 2 tháng đầu năm 2017, ngoài Dự án Khu công nghiệp Việt Nam Singapore III (có tổng vốn đầu tư 284,75 triệu USD) do Singapore đầu tư tại Bình Dương, dễ dàng nhận thấy sự có mặt của 2 dự án đến từ Trung Quốc gồm dự án nhà máy sản xuất Polyester và sợi tổng hợp Billion Việt Nam (có tổng vốn đầu tư 220 triệu USD) do nhà đầu tư Trung Quốc đầu tư tại Tây Ninh và Dự án đầu tư cơ sở hạ tầng cụm công nghiệp Lan Sơn và nhà máy nhựa Khải Hồng Việt (tổng vốn đầu tư 150 triệu USD) do Công ty Wenzhou Hendy Mechanism and Plastics Co., Ltd (Trung Quốc) đầu tư tại Bắc Giang.

Tuy nhiên, theo ông Nguyễn Văn Toàn, trong tháng 3/2017, Hàn Quốc sẽ trở lại ngôi vị dẫn đầu khi mới đây, tập đoàn Samsung đã tăng thêm 2,5 tỷ USD cho dự án của họ tại tỉnh Bắc Ninh.

Cần có “bộ lọc” để chỉ thu nạp những nguồn vốn sạch

Sự tăng trưởng của nguồn vốn FDI, đặc biệt là sự trỗi dậy của các nhà đầu tư Trung Quốc trong đầu tư vào Việt Nam nhận được sự quan tâm của các chuyên gia cũng như người dân nói chung. Hiện, vốn đầu tư FDI của Trung Quốc đổ vào Việt Nam tập trung phần lớn vào các ngành như dệt may, bất động sản, da giày, xây dựng, nhiệt điện và khai khoáng. Theo PGS.TS Đinh Trọng Thịnh, Trưởng bộ môn Kinh tế, Học viện Tài chính, tăng trưởng đầu tư FDI vào Việt Nam là tốt, nhưng nguồn vốn đến từ Trung Quốc đổ vào Việt Nam tăng lên có tốt hay không thì đây là điều Việt Nam cần cẩn trọng.

Lý giải cho điều này, PGS.TS Đinh Trọng Thịnh cho rằng, trong thời gian qua Trung Quốc đang tái cấu trúc nền kinh tế, thay mô hình sản xuất tăng trưởng theo chiều rộng với các DN có công nghệ thấp sang tăng trưởng theo chiều sâu với DN có công nghệ cao hơn, kiên quyết chấm dứt các DN gây ô nhiễm môi trường lớn, di chuyển các DN, nhà máy có công nghệ thấp, gây ô nhiễm môi trường sang các quốc gia xung quanh gồm những quốc gia chưa phát triển và đang phát triển. “Về lịch sử đầu tư, nhiều dự án đầu tư của Trung Quốc vào Việt Nam gây ô nhiễm môi trường, đây là bài học đắt giá đối với hầu hết các dự án của Trung Quốc, do đó chúng ta cần cẩn trọng trong việc tiếp nhận các dự án đầu tư từ quốc gia này”, PGS.TS Đinh Trọng Thịnh khuyến cáo.

Theo ông Nguyễn Văn Toàn, xu hướng Trung Quốc đầu tư vào Việt Nam sẽ tăng lên do hiện nay Trung Quốc đang thừa vốn và sẽ thúc đẩy đầu tư ở các nước trong đó có Việt Nam. Bên cạnh đó, quan hệ của Việt Nam với các nước như Mỹ, Nhật Bản về địa chính trị, kinh tế, xã hội… cũng làm cho Trung Quốc phải suy nghĩ, tính toán do đó chính sách về kinh tế sẽ có những động thái thay đổi.

Các chuyên gia cũng cho rằng, các nhà đầu tư Trung Quốc sẵn sàng bỏ tiền vào đầu tư ở Việt Nam để có được các hàng hóa mang mác “Made in Vietnam” xuất ra các quốc gia khác để hưởng lợi ích. Mặt khác, một số hàng hóa của Trung Quốc cũng tạo ra sự cạnh tranh không bình đẳng, hoặc là có khiếm khuyết bị cộng đồng người tiêu dùng có cái nhìn không thiện cảm, vì thế thông qua hình thức đầu tư nước ngoài này các nhà đầu tư Trung Quốc muốn “thay hình đổi dạng” hàng hóa của họ, đây cũng là cái mình cần phải để ý đến. “Trong xu thế tiếp nhận đầu tư FDI từ Trung Quốc, chúng ta phải thực sự rất cẩn trọng để tránh được điểm yếu của nguồn đầu tư này nhưng đồng thời vẫn tiếp thu được những tinh hoa, những cái tốt và đáp ứng được nhu cầu tăng trưởng và phát triển của nền kinh tế”, PGS.TS Đinh Trọng Thịnh nhấn mạnh.

Về xu hướng trong thu hút FDI năm 2017, ông Nguyễn Văn Toàn cho rằng, đột biến tăng chưa có nhiều, nhưng đột biến giảm thì không đáng ngại, vì mặc dù không có TPP chúng ta vẫn tận dụng nhiều cơ hội từ AEC, Hiệp định Việt Nam - EU, Hàn Quốc, Nhật Bản.. Bên cạnh đó, thêm một thuận lợi nữa là hiện nay các công ty đa quốc gia vào Việt Nam đã nhiều hơn, một số tập đoàn như Samsung đăng ký mở rộng đầu tư tại Việt Nam. Trong điều kiện nội bộ Tập đoàn Samsung tại Hàn Quốc có vấn đề nhưng họ vẫn tiếp tục mở rộng dự án tại Việt Nam thì đây là xu hướng tốt.

Theo các chuyên gia, hiện nay nhiều tổ chức quốc tế đánh giá Việt Nam là một trong những điểm sáng phát triển kinh tế 2017 và đây là điều kiện, cơ sở để dự báo 2017 chúng ta có thể thu hút nguồn vốn FDI lớn hơn. “Vấn đề quan trọng nhất là chúng ta đang cần FDI và đang nỗ lực cải thiện môi trường kinh doanh để thu hút FDI tốt hơn, nhưng chúng ta cần phải có bộ lọc để chỉ thu nạp những nguồn vốn FDI sạch, những vốn có công nghệ cao, mang tính lâu bền chứ không chạy theo FDI bằng mọi giá. Đã đến lúc cần làm việc một cách nghiêm túc, đầy đủ để gắn vốn FDI với tăng trưởng và phát triển chung của nền kinh tế Việt Nam, gắn lợi ích của nhà đầu tư nước ngoài với lợi ích của kinh tế Việt Nam chứ không thể cứ tiếp tục chỉ ưu tiên các nhà đầu tư nước ngoài như trước nữa. Lợi ích của kinh tế Việt Nam phải được đặt ra một cách tương xứng”, PGS.TS Đinh Trọng Thịnh khuyến nghị.

Hoài ANH

Nguồn Hải Quan: http://www.baohaiquan.vn/pages/thu-hut-fdi-hoan-doi-ngoi-vi-ngoan-muc.aspx