Thú chơi hoa thủy tiên ngày Tết của người Hà thành

Mỗi dịp Tết đến xuân về, thú chơi hoa thủy tiên đã trở thành nét văn hóa đặc sắc của người Hà thành. Thời xưa, những gia đình quyền quý ở Hà Nội không thể thiếu bát hoa thủy tiên được nuôi dưỡng cẩn thận để tỏ lòng hiếu kính, dâng lên tổ tiên hay để trang trí trong nhà. Và người xưa quan niệm rằng, nhà nào có hoa nở đúng thời khắc giao thừa sẽ may mắn cả năm. Hoa thủy tiên là một cái Tết tinh thần đúng nghĩa mà người Hà Nội xưa đã duy trì như một nét văn hóa đẹp đẽ.

Thủy tiên là một loài hoa mang vẻ đẹp kiêu sa. Một vẻ đẹp mà bất cứ ai nhìn thấy cũng bị thu hút từ cái nhìn đầu tiên. Những cành hoa mảnh mai vươn lên, cùng chiếc lá thanh thoát nhưng dày dặn, xanh mướt nâng đỡ để cho những bông hoa bung nở rực rỡ. Hình dáng ấy, khiến thủy tiên ẩn chứa một nguồn năng lượng mạnh mẽ, lan tỏa sự nhiệt huyết, đầy hứng khởi cho không gian mà loài hoa này hiện diện.

Mang đẹp yêu kiều, ngọt ngào như nắng sớm mai, thủy tiên còn biểu trưng cho tình yêu trong sáng, thanh thuần. Sắc hoa trắng còn thể hiện sự an yên trong cuộc sống nhiều bộn bề, lo toan.

Thủy tiên cũng là những loài hoa linh hoạt. Dáng vẻ của hoa thay đổi từng giờ, khiến cho người chơi hoa, thưởng hoa luôn được khám phá, luôn có những cảm xúc khác nhau khi thưởng, ngắm hoa.

Cái hay cái đẹp của thủy tiên còn ở chỗ, đây là loại hoa duy nhất chơi được năm thứ (rễ, lá, hoa, hương và dáng). Một bát thủy tiên đẹp thì rễ phải trắng, dài, lá có đường cong, nét uốn, hoa phải giống như “đĩa bạc, chén vàng” Hương hoa thơm ngọt, thơm dịu, đượm và vương lâu. Và dáng thì đa dạng tùy cách người chăm tỉ mỉ và cạo, đảo, xén.

Với người Hà Nội xưa đây là thú chơi mà cả năm chỉ có một lần, như một nốt trầm tĩnh lặng sau cả năm bận rộn. Hoa chỉ nở vào dịp Tết nên người chơi chỉ có khoảng một tháng để cắt củ, đẽo, gọt cho hoa nở đúng vào giao thừa.

Trong cách chơi thủy tiên của người Hà Nội xưa không chỉ có ngắm hoa, thưởng hoa mà gọt tỉa hoa mới khiến người chơi hoa thấy cuốn hút và đam mê. Đây cũng là khâu tỉ mỉ và phức tạp nhất. Gọt sao cho đúng mặt chính của củ, không phạm vào chỗ mầm để khỏi bị thui chột. Sao cho các mầm vươn lên theo dáng mong muốn mới là khó.

Để có một chậu hoa thủy tiên đẹp, người chơi cần phải vận dụng cả kĩ thuật, lẫn kinh nghiệm, sự bài bản lẫn sự khéo léo, tinh xảo qua tất cả các khâu. Chính vì vậy, đa phần những nghệ nhân gọt thủy tiên đều là những người có vốn hiểu biết văn hóa sâu rộng, tinh tế. Nhìn vào bát hoa thủy tiên, người sành chơi sẽ nhận ra vẻ đẹp của từng dáng và tính cách của người tạo tác lên nó.

Khi chăm sóc hoa thủy tiên, người chơi hoa phải là người có tính kiên trì, tỉ mỉ và phải biết nương theo thời tiết. . “Bao giờ mới cho hoa hàm tiếu, bao giờ mới cho nở; lá này muốn duỗi, giò kia muốn nghiêng, hay là bẹ nọ muốn cao hay thấp..." Vì vậy, chơi hoa thủy tiên người ta được rèn tâm tính, sự nhẫn nại, kiên trì, và cả sự nỗ lực, chinh phục thử thách . Cái đẹp của thủy tiên, chính là cái đẹp khi người ta chăm hoa, để rồi rèn tâm tính của chính mình.

Thú chơi hoa thủy tiên có từ bao giờ, chỉ biết rằng với người Hà Nội đây là một thú chơi đã được hình thành từ xa xưa. Theo thời gian, thú chơi này dần bị mai một, thế nhưng sau những thăng trầm của lịch sử cho đến tận bây giờ vẫn có những con người yêu Hà Nội âm thầm cất giữ và lưu truyền nét văn hóa này.

Nói về thú chơi hoa thủy tiên ở Hà Nội thuở xưa, khó có thể tìm được ai hiểu biết và gọt thủy tiên thuộc bậc “kỳ nhân” như cụ Nguyễn Phú Cường. Đã ở tuổi “nhân sinh thất thập” nhưng hàng ngày cụ vẫn dành hầu hết quỹ thời gian trong ngày để “tắm táp”, chăm sóc những củ thủy tiên chỉ để thỏa nỗi đam mê được ngắm, gọt, tỉa.

Mỗi khi nói đến loài hoa này, cụ Nguyễn Phú Cường - một nghệ nhân hoa thủy tiên như được sống lại cả một thời xưa cũ. Trong ký ức của cụ Cường, mỗi dịp gần Tết, ông ngoại của cụ vốn là người làng Chèm lại mang những củ thủy tiên khô ra, rồi ngâm nước cho căng mọng và nhú mầm. Thế rồi, mặc trời giá rét, ngày ngày lại thấy ông gọt gọt, tỉa tỉa bên giếng nước những “củ hành tây”. Và đúng mùng Một Tết, căn phòng khách trở nên thanh tao khi những bông hoa trắng tinh khôi nở ra.

Ông ngoại bảo với cậu đó là hoa thủy tiên. Những bông hoa thủy tiên là chiếc “chén vàng trên đĩa bạch ngọc. Còn mùi hương thanh nhã, bất phàm chẳng khác nào địa lan."

Và theo lời cụ kể, khoảng những năm 1920 của thế kỷ trước, Hà Nội từng tổ chức thi hoa thủy tiên ở đền Bạch Mã - Hàng Buồm mỗi dịp Tết. Cụm hoa nào đoạt giải được cả sắc hương lẫn dáng thế sẽ được đưa lên kiệu rước trên phố Hà Nội cho bàn dân chiêm ngưỡng, tôn vinh. Những người chơi hoa này đa phần là người già bởi lẽ đòi hỏi sự công phu, tỉ mỉ, cầu kỳ và khá là tốn kém.

Ngày ấy cậu bé Cường chưa biết yêu hoa mà chỉ thấy tò mò thôi rồi những bát hoa thủy tiên đã ăn vào tiềm thức lúc nào không hay. Đến lúc bắt đầu cảm nhận được cái đẹp của hoa thủy tiên thì cũng là lúc thú chơi này dần mai một

Ông chia sẻ “Lần cuối được nhìn thấy người Hà Nội chơi hoa thủy tiên là Tết năm 1962. Sau đó có lẽ vì chiến tranh ngày càng ác liệt nên chẳng ai còn thời giờ gọt thủy tiên nữa. Cũng không ai nhập thủy tiên về”.

Suốt những năm tháng ấy, cứ gần đến dịp Tết Dương lịch ông Cường lại ngóng xem có ai bán củ thủy tiên không, đến giáp Tết Nguyên đán vẫn rong ruổi đạp xe đi các chợ hoa. Hy vọng cứ tắt dần, nhưng không đi thì chẳng yên tâm. Năm 1996, lần đầu tiên sau hơn ba thập niên ông Cường lại nhìn thấy bát hoa thủy tiên bày bán ở chợ hoa gần Văn Miếu - Quốc Tử Giám. Ngỡ như gặp lại bạn tri âm thất lạc mấy chục năm trời. Vậy là đã có người nhập giống thủy tiên về. Sang đến năm sau ông bắt đầu mua củ thủy tiên về gọt.

Không chỉ có ông Cường mà những người yêu hoa thủy tiên Hà Nội đã tìm về với thú chơi tao nhã ấy. Những người con, người cháu luôn giữ hình ảnh về thú chơi hoa tao nhã mà thanh cảnh ấy của cha ông mình.

Thú chơi hoa thủy tiên của người Hà Nội xưa đã “sống lại”. dần trở thành một thú chơi bình dân với chi phí không quá đắt đỏ. Những bình hoa thủy tiên nhỏ xinh được bày bán ở khắp các chợ hoa xuân, góp hương sắc làm nên không khí Tết cho Hà Nội. Nhiều người chọn mua hoa thủy tiên, chỉ đơn giản là thích mùi hương đặc biệt, say lòng trong khí se lạnh của đất trời. Và đặc biệt là có sự tham gia của giới trẻ thay vì chỉ có người trung niên, cao tuổi như ngày xưa. Trên các trang mạng xã hội hiện nay, không khó để bắt gặp những bức ảnh bát hoa thủy tiên là sản phẩm của người trẻ, những hội nhóm dành cho người theo đuổi thú vui này cũng rất nhiều và hoạt động sôi nổi.Những bậc thầy về thủy tiên như nghệ nhân Nguyễn Phú Cường được các bạn trẻ không chỉ ở Hà Nội mà khắp cả nước vẫn hàng ngày tìm đến thăm hỏi, tìm hiểu và nhờ dạy cho cách chọn củ, gọt, tỉa, xén.

Lối chơi thủy tiên ngày nay cũng rất phong phú. Ngoài cách chơi bày trong ly như kiểu truyền thống ngày xưa thì người trẻ bây giờ rất sáng tạo trong việc tạo hình, bài trí, sắp xếp. Việc tìm kiếm nguồn giống cũng dễ dàng và đa dạng nên đã tạo ra nhiều tác phẩm phong phú, sáng tạo.

Nét đẹp văn hóa, thú chơi tao nhã của người Hà Nội đã được sống lại và lưu truyền theo một cách rất tự nhiện. Bởi những nét đẹp văn hóa, những thú chơi mang lại những năng lượng tích cực sẽ luôn trường tồn.

Bài viết: Vi Hoa
Đồ họa: Thanh Nga

Nguồn Hà Nội TV: https://hanoionline.vn/thu-choi-hoa-thuy-tien-ngay-tet-cua-nguoi-ha-thanh-217281.htm