Thông tư tưởng, tăng sức 'đề kháng, miễn dịch'

'Sĩ quan trẻ trung hiếu, tiên phong, khát vọng' là chủ đề của tọa đàm sĩ quan trẻ (SQT) do Lữ đoàn Công binh 414 và Trung đoàn 335, Sư đoàn 324 (Quân khu 4) tổ chức. Đây là diễn đàn để các SQT hai đơn vị bày tỏ tâm tư, khát vọng cống hiến, đồng thời được truyền thụ kinh nghiệm, tiếp thêm động lực và niềm tin để vững vàng trên con đường binh nghiệp.

Tiểu phẩm “Tâm tình sĩ quan trẻ” được cán bộ, SQT cùng đơn vị kết nghĩa thực hiện bằng hình thức sân khấu hóa trong buổi tọa đàm SQT ở Lữ đoàn Công binh 414 đem lại nhiều cung bậc cảm xúc. Tiểu phẩm kể về một SQT có bố mất sớm, con còn nhỏ, vợ ốm, con đau không thể về thăm, bởi đơn vị anh đang chuẩn bị cho cuộc diễn tập quan trọng. Mẹ và vợ khuyên anh xin ra quân để làm việc gần nhà, lương cao hơn, có thời gian chăm lo gia đình...

Nắm được tâm tư, nguyện vọng của hậu phương, chỉ huy đơn vị kịp thời gặp gỡ, phân tích, động viên SQT và hậu phương gia đình... Trung úy Lê Phạm Tùng, Trung đội trưởng Trung đội 2 (Đại đội 13, Tiểu đoàn 4) chia sẻ: “Tiểu phẩm rất xúc động và có ý nghĩa thiết thực, cung cấp cho chúng tôi những kiến thức bổ ích, nhất là xây dựng ý chí quyết tâm, tinh thần trách nhiệm đối với đơn vị và gia đình”.

Sau khi xem tiểu phẩm, cán bộ, SQT Lữ đoàn Công binh 414 mạnh dạn nêu những khó khăn, vướng mắc, áp lực trong công việc; các chế độ, chính sách, thực tế hoàn cảnh gia đình mà bản thân đang phải đối mặt... Cùng với đó, các ý kiến cũng thẳng thắn nêu lên những hạn chế, thực trạng của đội ngũ SQT hiện nay. Trung úy Trần Ngọc Thạch, Phó đại đội trưởng Đại đội 4 (Tiểu đoàn 2) cho rằng, SQT hiện nay được đào tạo cơ bản, có trình độ, sẵn sàng nhận và hoàn thành tốt mọi nhiệm vụ.

Tọa đàm sĩ quan trẻ tại Trung đoàn 335, Sư đoàn 324 (Quân khu 4) được lồng ghép với hình thức sân khấu hóa.

Song, vẫn có những đồng chí tiếp cận, thích nghi với môi trường công tác mới tương đối chậm; vận dụng kiến thức được đào tạo vào thực tế còn hạn chế, nặng về lý thuyết, thiếu sáng tạo, linh hoạt... Do vậy, mong muốn đội ngũ cán bộ các cấp thấu hiểu, động viên, giúp đỡ, truyền thụ kinh nghiệm thực tiễn, tạo điều kiện thuận lợi về mọi mặt, phân công cán bộ kèm cặp và giao nhiệm vụ rèn luyện, thử thách để SQT trưởng thành hơn.

Các ý kiến tại tọa đàm thẳng thắn nêu: Một số đồng chí còn so sánh thu nhập của bản thân với môi trường bên ngoài và chế độ chính sách về nhà ở còn ít, đặc thù công việc trực tại đơn vị 24/24 giờ; chế độ phép, tranh thủ còn có những khó khăn, tác động đến tư tưởng của SQT; có đồng chí có lối sống hưởng thụ, không chịu khó, chịu khổ, tư tưởng không ổn định. Theo Trung úy Nguyễn Sĩ Học, Trợ lý Hậu cần, Tiểu đoàn 4, khi thấy SQT có biểu hiện không yên tâm công tác, cán bộ các cấp cần quan tâm giúp đỡ, tiến hành đồng bộ các biện pháp “đả thông” tư tưởng. Mỗi đồng chí cán bộ trẻ cần xác định tốt mục tiêu, lý tưởng, không dao động trước mọi khó khăn thử thách, đồng thời làm tốt công tác tư tưởng cho gia đình, người thân...

Tại tọa đàm SQT do Trung đoàn 335, Sư đoàn 324 tổ chức, không khí trao đổi cũng rất cởi mở, nhất là nêu lên tinh thần tự giác, khát vọng của tuổi trẻ. Trung úy Lô Kim Trọng, Chính trị viên Đại đội 1 (Tiểu đoàn 4) khẳng định, sự quan tâm, giúp đỡ của chỉ huy đơn vị và cán bộ đi trước là vô cùng quan trọng, song yếu tố quyết định sự trưởng thành của SQT là bản lĩnh, quyết tâm vượt qua khó khăn để khẳng định mình. Mỗi SQT phải không ngừng tu dưỡng, rèn luyện tác phong công tác, luôn gương mẫu trong lời nói và việc làm; tích cực tìm tòi học hỏi, tích lũy kinh nghiệm, xây dựng bản lĩnh vững vàng mọi lúc, mọi nơi, phấn đấu hoàn thành tốt nhiệm vụ được giao.

Theo Thượng tá Hoàng Nghĩa Phú, Chính ủy Trung đoàn 335, ở từng cương vị công tác khác nhau, hầu hết SQT đều tỏ rõ khả năng, bản lĩnh, trí tuệ cùng tinh thần xung kích, sáng tạo và cống hiến. Để đội ngũ cán bộ, SQT phát huy hơn nữa vai trò, trách nhiệm, cấp ủy, chỉ huy các cấp cần bố trí, sắp xếp, sử dụng cán bộ phù hợp với khả năng, sở trường của họ. Đặc biệt, đơn vị có nhiều hình thức, biện pháp phù hợp để cán bộ, SQT bày tỏ quan điểm, tâm tư, nguyện vọng; kịp thời nắm bắt, quản lý, định hướng tư tưởng; bảo đảm các chế độ, chính sách phù hợp, nâng cao đời sống vật chất, tinh thần cho SQT...

Tại buổi tọa đàm, cán bộ, SQT còn được nghe lời chia sẻ thân tình của hậu phương gia đình. Chị Trần Thị Hoài Trang, giáo viên Trường Tiểu học Xuân Viên (Nghi Xuân, Hà Tĩnh)-vợ của Trung úy Bùi Tuấn Anh, Chính trị viên Đại đội 10 (Tiểu đoàn 4, Lữ đoàn Công binh 414), thổ lộ: “Do đặc thù nhiệm vụ nên chồng thường xuyên xa gia đình, công việc nội, ngoại cơ bản một mình vợ đảm nhiệm. Những lúc mệt mỏi, ốm đau, tôi cần sự chia sẻ, giúp đỡ của anh. Tuy nhiên, tôi cũng rất tự hào là vợ bộ đội, luôn cảm thông, chia sẻ với công việc của chồng, chấp nhận hy sinh những nguyện vọng đời thường, động viên anh an tâm công tác, phấn đấu hoàn thành tốt nhiệm vụ”.

Cùng với thẳng thắn bày tỏ quan điểm, chính kiến của bản thân, đội ngũ cán bộ, SQT được lãnh đạo, chỉ huy các cấp giải đáp những khúc mắc, định hướng tư tưởng để thêm yên tâm, tự tin trên con đường binh nghiệp. Việc thông tư tưởng cho cán bộ, SQT qua tọa đàm còn góp phần quan trọng nâng cao sức “đề kháng, miễn dịch” trước tác động của mặt trái cơ chế thị trường, tạo không khí vui tươi, phấn khởi để họ phấn đấu hoàn thành tốt nhiệm vụ trong thời gian tới.

Bài và ảnh: HOÀNG TRUNG

Nguồn QĐND: https://www.qdnd.vn/quoc-phong-an-ninh/xay-dung-quan-doi/thong-tu-tuong-tang-suc-de-khang-mien-dich-725157