Thông tin mới vụ Giang Kim Đạt tham ô 255 tỷ đồng

Viện kiểm sát nhân dân Tối cao đã quyết định truy tố Giang Kim Đạt cùng đồng phạm về tội tham ô tài sản.

Ngày 24/10, Viện kiểm sát nhân dân Tối Cao (KSND) đã tống đạt cáo trạng truy tố các bị can gồm: Trần Văn Liêm, (61 tuổi, trú tại phường Hàng Bông, quận Hoàn Kiếm, Hà Nội), nguyên tổng giám đốc Tổng công ty TNHH một thành viên Vận tải viễn dương Vinashin (Vinashinlines); Trần Văn Khương, (66 tuổi), nguyên kế toán trưởng Vinashinlines; Giang Kim Đạt, (39 tuổi), nguyên quyền trưởng phòng kinh doanh Vinashinlines về tội truy tố về tội tham ô tài sản.

Đặc biệt , trong vụ án này, cơ quan tố tụng đã truy tố bị can Giang Văn Hiển (66 tuổi), bố đẻ của Giang Kim Đạt, về tội Rửa tiền.

Theo cáo trạng, từ tháng 7/2006 đến tháng 3/2007, Trần Văn Liêm ký hợp đồng mua 3 chiếc tàu Vinashin Summer, Vinashin Island và Vinashin Phoenix. Đạt được Liêm tin tưởng giao cho đàm phán thực hiện đàm phán mua tàu.

Theo thông tin trên An ninh thủ đô, Đạt đã thỏa thuận với đối tác để ăn tiền “hoa hồng” với tổng số tiền gần 11,5 tỷ đồng, đều được gửi vào tài khoản mang tên Giang Văn Hiển.

Ngoài ra, cơ quan tố tụng cũng đã xác định trong thời gian từ tháng 5/2006 đến tháng 6/2008, 3 bị can Liêm, Đạt, Khương đã thực hiện hành vi chiếm đoạt tiền gửi giá cho thuê 9 con tàu. Thông qua các công ty môi giới, bộ các đối tượng đã thỏa thuận, đàm phán với các chủ tàu để gửi giá cước cho thuê 9 con tàu, từ đó chiếm đoạt hơn 249 tỷ đồng của Vinashinlines.

Trong cáo trạng, Viện KSND Tối cao kết luận, quá trình thực hiện dự án mua tàu và khai thác, kinh doanh cho thuê tàu biển, 3 bị can Liêm, Đạt và Khương đã chiếm đoạt của Vinashinlines hơn 260 tỷ đồng. Trong đó bị can Trần Văn Liêm chiếm đoạt 3,1 tỷ đồng; Giang Kim Đạt chiếm đoạt hơn 255 tỷ đồng; Trần Văn Khương chiếm đoạt 110.000 USD.

Đối với hành vi của Giang Văn Hiển, cơ quan tố tụng xác định bị can này sau khi nhận được tiền chuyển vào tài khoản của mình thì đã rút tiền mặt ra đưa cho Giang Kim Đạt, đồng thời mua 40 bất động sản và mua đi bán lại 13 xe ô tô đứng tên mình và người thân trong gia đình.

Đây là 1 trong 6 vụ án tham nhũng, kinh tế nghiêm trọng, phức tạp sẽ được xét xử sơ thẩm từ nay đến Quý I/2017 theo kế hoạch của Ban chỉ đạo Trung ương về phòng, chống tham nhũng.

Giang Kim Đạt tham ô gần 255 tỷ đồng. Ảnh: Cơ quan công an cung cấp.

Trước đó, cuối tháng 6/2016, Cơ quan Cảnh sát điều tra, Bộ Công an đã hoàn tất kết luận điều tra và chuyển hồ sơ đề nghị Viện KSND tối cao truy tố 4 bị can gồm: Trần Văn Liêm (nguyên Tổng giám đốc); Giang Kim Đạt (nguyên quyền Trưởng phòng kinh doanh); Trần Văn Khương (nguyên Kế toán trưởng) cùng bị đề nghị truy tố về tội tham ô tài sản. Riêng Giang Văn Hiển, bố của Giang Kim Đạt, bị đề nghị truy tố về tội rửa tiền.

Nhiều câu hỏi lớn

Liên quan đến vụ việc này, chia sẻ với báo chí, ông Phạm Trọng Đạt - Cục trưởng Cục Chống tham nhũng (Thanh tra Chính phủ) thừa nhận, kê khai tài sản hiện nay có cơ chế nhưng thiếu chế tài. Chưa nói tới khối tài sản lớn bất thường của Giang Kim Đạt, ngay cả việc Đạt có thể mang tiền ra nước ngoài mua nhà, mua bất động sản một cách dễ dàng là không thể chấp nhận được.

Vì sao Giang Kim Đạt có thể làm được như vậy, Cục trưởng Cục chống tham nhũng chỉ thẳng là do “lỗ hổng pháp lý cùng với việc thực thi pháp luật không nghiêm chính là kẽ hở tạo tham nhũng”.

Theo ông Đạt, nếu kê khai tài sản chỉ dựa vào tính tự giác là hoàn toàn không khả thi. Đã có rất nhiều trường hợp cán bộ, lãnh đạo không kê khai hoặc kê khai không trung thực nhằm đối phó của những quan chức có hành vi tham nhũng.

Trên thực tế không quan chức, lãnh đạo nào lại đứng tên những khối tài sản khổng lồ. Hầu hết tài sản tham nhũng bị phát hiện đều đứng tên người khác là bố mẹ, vợ hoặc chồng, anh chị em thậm chí cả bồ nhí. Đây là bất cập lớn.

Theo Cục trưởng Cục chống tham nhũng: "Tài sản của Giang Kim Đạt bằng mọi giá phải thu hồi được. Tài sản tham nhũng, không được làm bằng mồ hôi, nước mắt, xương máu của mình thì phải thu hồi”.

Còn ông Trần Quốc Thuận - Nguyên Phó chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội cho rằng, có rất nhiều câu hỏi sau vụ việc này.

Phải nhìn nhận rằng, trường hợp Giang Kim Đạt chỉ là một góc khuất rất nhỏ. Đối với một doanh nghiệp nhà nước, ngay từ khâu xây dựng ý tưởng tới phê duyệt kế hoạch mua bán… tiền ngân sách dù chi ra một đồng cũng phải thông qua nhiều cấp có thẩm quyền phê duyệt.

“Dư luận hoàn toàn có quyền đặt câu hỏi: Làm sao Đạt có thể thực hiện trót lọt một hành vi tham nhũng tới 18,6 triệu đô (tương đương gần 400 tỷ VNĐ)? Tài sản thất thoát còn lớn tới mức nào? Đây là vấn đề sẽ cần được làm rõ, để dư luận chắc chắn chắc chắn không còn những Giang Kim Đạt khác nữa”, ông Thuận nêu câu hỏi.

Hà Nam

Nguồn Đất Việt: http://baodatviet.vn/phap-luat/tin-tuc-phap-luat/thong-tin-moi-vu-giang-kim-dat-tham-o-255-ty-dong-3321541/