Thông tin cơ bản về Philippines và tình hình quan hệ với Việt Nam

Philippines có tên chính thức là Cộng hòa Philippines, là một đảo quốc có chủ quyền tại Đông Nam Á. Philippine là một hòn đảo gồm 7.107 đảo và tổng diện tích xấp xỉ 300.000 kilômét vuông - quốc gia rộng lớn thứ 64 trên thế giới, có 36.289 kilômét bờ biển, chiều dài bờ biển đứng thứ 5 thế giới. Philippines có nguồn tài nguyên thiên nhiên phong phú và đa dạng sinh học ở mức độ cao.

Quốc kỳ Philippines, https://kinhtexaydung.petrotimes.vn

I. THÔNG TIN CHUNG

Tên nước: Cộng hòa Philippines

Thủ đô: Ma-ni-la (Manila).

Ngày Quốc khánh: 12/6/1898.

Dân số: 117 triệu người (06/2023).

Ngôn ngữ chính thức: Tiếng Philippines (Ta-ga-lốc) và tiếng Anh.

Tôn giáo: Thiên chúa giáo là quốc giáo (91%: Công giáo 80% và Tin lành 11%), Hồi giáo 5,5%, các tôn giáo khác 3%.

Thể chế Nhà nước: Cộng hòa Tổng thống, chế độ lưỡng viện (từ năm 1987), đa đảng.

Lịch sử: Năm 1521, người Tây Ban Nha sau khi khám phá ra quần đảo Philippines đã biến nơi đây thành thuộc địa. Từ năm 1859 – 1898 đã diễn ra cuộc khởi nghĩa của người dân Philippines chống lại ách thống trị của Tây Ban Nha. Ngày 12/6/1898, Tuyên bố Philippines Độc lập được ban hành và Đệ nhất Cộng hòa Philippines được thành lập. Từ năm 1899 - 1902, Philippines tiếp tục trải qua cuộc cách mạng chống Mỹ song không thành công. Cuộc xâm lược bất ngờ của Nhật Bản vào Philippines năm 1941 khiến Mỹ bị tổn thất nặng nề.

Nhật Bản lập ra nước Cộng hòa Philippines bù nhìn song nhanh chóng bị Mỹ giành lại. Năm 1946, nước Cộng hòa Philippines hoàn toàn độc lập ra đời.

II. TÌNH HÌNH

1. Chính trị nội bộ: Kể từ khi nắm quyền điều hành đất nước (30/6/2022), Tổng thống Marcos đã tích cực triển khai các cam kết nêu trong tranh cử và diễn văn nhậm chức, trong đó ưu tiên giải quyết các thách thức trong nước, nhất là vấn đề nợ công tăng cao, lạm phát (có thể vượt mức 6% do chuỗi nguồn cung năng lượng và lượng thực thế giới biến động mạnh), thất nghiệp, chú trọng phát triển nông nghiệp, cơ sở hạ tầng, năng lượng và giáo dục.

2. Kinh tế - Xã hội: Tăng trưởng GDP của Philippines năm 2023 dự báo đạt 5,5%, thuộc nhóm tăng trưởng nhanh nhất khu vực; dự kiến tăng trưởng GDP của Philippines trong năm 2024 đạt 6,2%. Hiện Chính quyền Tổng thống Marcos đang tiếp tục triển khai Chương trình nghị sự 8 điểm về Phát triển kinh tế - xã hội với mục tiêu đưa Philippines trở thành nước phát triển trung bình cao vào năm 2028 và giảm tỷ lệ đói nghèo xuống 8%.

3. Về chính sách đối ngoại: Tổng thống Philippines Marcos duy trì chính sách đối ngoại rộng mở, đa phương hóa, đa dạng hóa quan hệ, coi trọng ASEAN và chú trọng cân bằng quan hệ giữa Mỹ với Trung Quốc. Trong vấn đề Biển Đông, Philippines đề cao vai trò của luật pháp quốc tế, đặc biệt là UNCLOS 1982 và Phán quyết Tòa trọng tài năm 2016 về Biển Đông.

4. Một số nét về phong tục tập quán và văn hóa: Philippines bị ảnh hưởng lớn từ các luồng văn hóa nhập ngoại, đặc biệt là từ Tây Ban Nha (cách thức phong tục và các nghi thức liên quan tới nhà thờ Thiên chúa giáo), Trung Quốc (ẩm thực) và Mỹ (ngôn ngữ tiếng Anh, nhạc, phim ảnh..). Điểm đặc sắc của Philippines là luôn có các lễ hội được tổ chức hàng năm như lễ hội bùn, lễ hội heo quay, các cuộc thi sắc đẹp, lễ hội bắn pháo hoa…Về giao tiếp, người dân Philippines rất coi trọng thể diện và sợ làm người khác mất mặt, rất ít để lộ bất đồng ý kiến với người khác, tránh nhìn chằm chằm vào người đối diện và luôn cười trong mọi tình huống, dù là được khen, bị chế, hay gặp khó khăn trong cuộc sống. Ngoài ra, theo truyền thống, người Philippines thường ăn các loại quả hình tròn để cầu mong thịnh vượng trong năm mới.

III. QUAN HỆ VỚI VIỆT NAM

1. Về chính trị: Hai nước thiết lập quan hệ ngoại giao ngày 12/7/1976; ký Tuyên bố chung thiết lập quan hệ ĐTCL ngày 17/11/2015 và ký Chương trình Hành động triển khai quan hệ ĐTCL giai đoạn 2019 - 2024 vào tháng 3/2019.

Hai nước thường xuyên trao đổi đoàn và tiếp xúc cấp cao. Phía Việt Nam có các chuyến thăm của: (i) Chủ tịch nước Lê Đức Anh (12/1995); Chủ tịch nước Trần Đức Lương (11/2001); Chủ tịch nước Trương Tấn Sang (10/2011); (ii) Chủ tịch Hội đồng Bộ trưởng Phạm Văn Đồng (9/1978); Chủ tịch Hội đồng Bộ trưởng Võ Văn Kiệt (02/1992); Thủ tướng Phan Văn Khải (01/2007 và 8/2007); Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng (5/2014); Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc (4/2017 và 11/2017); (iii) Chủ tịch Quốc hội Nông Đức Mạnh (5/1993); Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Văn An (12/2003 và 9/2006); Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ (11/2022); (iv) Phó Thủ tướng Trần Đức Lương (12/1993); Phó Thủ tướng Nguyễn Công Tạn (6/1998); Phó Thủ tướng, Bộ trưởng Ngoại giao Nguyễn Mạnh Cầm (7/1998); Phó Thủ tướng, Bộ trưởng Ngoại giao Phạm Gia Khiêm (02/2008); Phó Thủ tướng, Bộ trưởng Ngoại giao Phạm Bình Minh (01/2015 và 3/2019). Phía Philippines có các chuyến thăm: (i) Tổng thống Fidel Ramos (1994), Tổng thống Joseph Estrada (1998), Tổng thống Gloria Arroyo (11/2002; 10/2004 và 11/2006), Tổng thống Benigno S. Aquino III (10/2010); Tổng thống Rodrigo Duterte (9/2016 và 11/2017); (ii) Chủ tịch Hạ viện Ramon Mitra (1991); Chủ tịch Hạ viện De Venecia (1999 và 2002); Chủ tịch Thượng viện Drilon (4/2004); (iii) Bộ trưởng Ngoại giao Albert F. Del Rosario (3/2011 và 7/2014); Bộ trưởng Ngoại giao Jose Rene Almendras (4/2016); Bộ trưởng Ngoại giao Teodoro Lopez Locsin (7/2019); Bộ trưởng Ngoại giao Enrique A. Manalo (8/2023).

Thời gian qua, hai bên đã tích cực triển khai các cơ chế hợp tác song phương, gần nhất là tổ chức thành công Kỳ họp lần thứ 10 Ủy ban hỗn hợp cấp Bộ trưởng Ngoại giao về Hợp tác song phương (Hà Nội, 01-02/8/2023). Trong các vấn đề khu vực và quốc tế, hai bên thường xuyên phối hợp và ủng hộ lẫn nhau tại nhiều diễn đàn, tổ chức quốc tế quan trọng như LHQ, ASEAN…. Trong vấn đề Biển Đông, hai nước có nhiều điểm tương đồng về lập trường.

2. Về kinh tế: Kim ngạch thương mại song phương tăng từ 2,9 tỷ USD năm 2012 lên 7,8 tỷ USD năm 2022; đến hết tháng 11/2023, tổng kim ngạch thương mại hai chiều đã đạt 7,1 tỷ USD. Philippines là thị trường xuất khẩu gạo lớn nhất của Việt Nam với lượng xuất khẩu đạt 2,63 triệu tấn trong 11 tháng đầu năm 2023, tương ứng 1,41 tỷ USD. Philippines có 92 dự án đầu tư tại Việt Nam, tổng vốn đăng ký 608 triệu USD, đứng thứ 31/143. Việt Nam có 05 dự án đầu tư sang Philippines với tổng vốn gần 4 triệu USD. Hiện Philippines là đối tác thương mại lớn thứ 16 của Việt Nam trên thế giới và thứ 6 trong ASEAN.

3. Hợp tác trong các lĩnh vực khác:

Về quốc phòng - an ninh, hai bên tích cực triển khai các thỏa thuận, cơ chế đã ký kết; nhất trí sẽ mở rộng hợp tác trên các lĩnh vực công nghiệp quốc phòng, hậu cần, quân y, tìm kiếm cứu nạn, hỗ trợ nhân đạo và cứu trợ thiên tai, phòng chống tội phạm xuyên quốc gia, chống khủng bố… đồng thời đẩy nhanh đàm phán và ký kết Bản ghi nhớ về Hỗ trợ hậu cần song phương, các Hiệp định về dẫn độ và chuyển giao người bị kết án phạt tù.

Hợp tác biển và đại dương: Hai bên có cơ chế Nhóm công tác chung về Biển và Đại dương, họp thường kỳ hàng năm và được nâng cấp thành Ủy ban Hỗn hợp về Biển và Đại dương cấp Thứ trưởng Ngoại giao (02/2012). Về hợp tác hàng hải: Hai bên đang thúc đẩy đàm phán Hiệp định Vận tải thương mại nhằm thay thế Hiệp định Vận tải biển Việt Nam - Philippines ký 02/1992; đồng thời tích cực triển khai Thỏa thuận song phương về Tìm kiếm cứu nạn trên biển (ký 10/2010) và có hiệu lực từ 12/2012.

Về giáo dục đào tạo, ngoài MOU về hợp tác học thuật (10/2010) mà hai bên đang tích cực triển khai, hai bên cũng đang thúc đẩy ký kết MOA về Hợp tác giáo dục. Hiện có gần 40 sinh viên Philippines đang theo học tại Đại học Thái Nguyên. Về văn hóa - du lịch, hai bên đang hoàn tất đàm phán Chương trình hợp tác văn hóa giai đoạn 2024 – 2028 và trao đổi về Chương trình triển khai Thỏa thuận Hợp tác về Du lịch giữa Bộ Du lịch Philippines và Bộ VHTTDL Việt Nam giai đoạn 2024 – 2028. Lượng khách du lịch hai chiều đã phục hồi tốt sau giai đoạn bị ảnh hưởng bởi đại dịch. Năm 2022 ta đã đón 49.266 lượt khách Philippines; Philippines đón 25.907 lượt khách Việt Nam. Trong 09 tháng đầu năm 2023, Việt Nam đón gần 130.000 lượt khách Philippines; Philippines đón gần 52.000 lượt khách từ Việt Nam, đã tương đương như mức cùng kỳ năm 2019.

Về hợp tác lao động, theo Chương trình Hành động triển khai quan hệ ĐTCL giai đoạn 2019 - 2024, hai nước dự kiến “phối hợp để sớm ký kết Thỏa thuận Hợp tác Lao động”. Tuy nhiên, do đại dịch Covid-19 nên các cơ quan quản lý lao động hai nước vẫn chưa thể tổ chức đàm phán, ký kết Thỏa thuận Hợp tác Lao động.

Về hợp tác nông - ngư nghiệp, thủy sản: Từ 1964-2009, Viện Nghiên cứu lúa quốc tế (IRRI) ở Philippines đã đào tạo cho Việt Nam 254 nhà khoa học, trong đó có 55 thạc sỹ, 29 tiến sỹ. Tháng 6/2010, hai bên ký Thỏa thuận về Hợp tác Thủy sản để triển khai các hợp tác cụ thể về thủy sản và thành lập Ủy ban Hợp tác Nghề cá. Hai bên đang nghiên cứu hình thành Hiệp định liên Chính phủ về Hợp tác gạo với thời hạn 5 năm nhằm hỗ trợ nhau bảo đảm an ninh lương thực. Tại Kỳ họp Ủy ban hỗn hợp về Hợp tác song phương vừa qua (8/2023), hai bên đã thống nhất triển khai một Thỏa thuận mới về thiết lập đường dây nóng xử lý vấn đề đánh bắt cá trái phép và hỗ trợ ngư dân.

Về hợp tác giữa các địa phương được coi là lĩnh vực còn nhiều tiềm năng hợp tác. Hiện mới chỉ có tỉnh Hà Giang và tỉnh Benguet đã ký MOU thiết lập quan hệ hữu nghị (11/2018). Nhân chuyến thăm Philippines tháng 11/2022 của Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ, Thống đốc tỉnh Davao Oriental có bày tỏ mong muốn thiết lập quan hệ kết nghĩa với tỉnh Hậu Giang.

4. Về cộng đồng Việt Nam tại Philippines: hiện có khoảng 30.000 người Việt lao động tại Philippines và có khoảng 700 sinh viên đang theo học tại Philippines.

https://kinhtexaydung.petrotimes.vn

Vân Anh

Nguồn PetroTimes: https://kinhtexaydung.petrotimes.vn/thong-tin-co-ban-ve-philippines-va-tinh-hinh-quan-he-voi-viet-nam-704676.html