Thống nhất quan điểm đăng ký khám, chữa bệnh ban đầu

QĐND Online - Trường hợp người dân đăng ký khám chữa bệnh ban đầu ở huyện mà khám ở xã thì coi đó là trái tuyến và người dân sẽ phải chi trả 30% chi phí khám chữa bệnh, quỹ BHYT sẽ thanh toán 70% còn lại. Trường hợp đăng ký khám chữa bệnh ban đầu ở xã này nhưng khám ở xã khác thì BHYT sẽ thanh toán 100%. Bộ Y tế và Bảo hiểm xã hội Việt Nam (BHXH) đã thống nhất quan điểm này tại hội nghị giao ban quý I-2013 giữa 2 đơn vị này, được tổ chức ngày 17-4.

Tại Hội nghị, ông Lê Bạch Hồng, Tổng Giám đốc BHXH Việt Nam cho biết, để tận dụng được nhiều cơ sở khám bệnh, chữa bệnh nhằm giảm tải cho các tuyến Trung ương, đồng thời không làm mất thời gian của người dân, ông đồng ý quan điểm để các bệnh viện chức năng có các phòng khám đa khoa được khám chữa bệnh ban đầu nhưng đề nghị các bệnh viện này phải thực hiện thanh toán theo phương thức định suất. Nghĩa là thanh toán theo định mức chi phí khám bệnh, chữa bệnh bình quân tính trên mỗi thẻ BHYT theo các nhóm đối tượng trong thời gian đăng ký tại cơ sở y tế đó.

Theo báo cáo của BHXH Việt Nam tại Hội nghị, đến nay, cả nước vẫn còn 30% dân số chưa tham gia BHYT, tập trung ở các nhóm đối tượng như: lao động khu vực doanh nghiệp (54,7%), người cận nghèo (25%), tự nguyện (28,3%). Trong năm 2012 có 59,4 triệu người tham gia BHYT, tăng 10% so với năm 2011, bao phủ 67,5% dân số. Tỷ lệ bao phủ BHYT cao tập trung tại các tỉnh vùng Trung du và miền núi phía Bắc, đạt tới 77% dân số, trong đó các tỉnh như: Sơn La, Lai Châu, Hà Giang, Bắc Kạn, Cao Bằng, Điện Biên có tỷ lệ bao phủ BHYT trên 90% dân số. Nhóm đối tượng có tỷ lệ tham gia BHYT cao (đạt gần 100%) như: nhóm làm công ăn lương (khối hành chính sự nghiệp), đối tượng được ngân sách Nhà nước hoặc Quỹ BHXH đóng toàn bộ kinh phí mua BHYT như người nghèo, trẻ em dưới 6 tuổi, người nghỉ hưởng chế độ hưu trí, mất sức và các đối tượng bảo trợ xã hội khác. Đối tượng lao động ở khu vực ngoài nhà nước, đối tượng tự nguyện tham gia BHYT và người cận nghèo có tỷ lệ tham gia thấp.

Đối với khu vực doanh nghiệp chủ yếu là doanh nghiệp nhỏ, doanh nghiệp tư nhân thường xảy ra tình trạng không đóng, trốn đóng hoặc đóng BHYT không đầy đủ cho người lao động. Theo bà Tống Thị Song Hương, Vụ trưởng Vụ Bảo hiểm y tế, nguyên nhân chính của tình trạng này là do nhận thức của chủ sử dụng lao động về chính sách BHYT chưa đầy đủ; trách nhiệm với người lao động chưa cao; tổ chức công đoàn, người lao động chưa dám đấu tranh, bảo vệ quyền lợi chính đáng của mình.

HÀ VŨ

Nguồn QĐND: http://www.qdnd.vn/qdndsite/vi-VN/61/43/7/21/21/238191/Default.aspx