Thống đốc Nguyễn Thị Hồng chia sẻ kinh nghiệm phát triển của Việt Nam tại Hội thảo cấp cao ASEAN

Ngày 3/4, tại Luang Prabang, Lào, Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Việt Nam Nguyễn Thị Hồng tham dự Hội thảo cấp cao về 'Tận dụng cơ hội phát triển trong bối cảnh thế giới nhiều biến động' với vai trò diễn giả chính.

Các diễn giả chính tại Hội thảo. Ảnh: Trịnh Dũng

Hội thảo là hoạt động nằm trong khuôn khổ Hội nghị Thống đốc Ngân hàng Trung ương và Bộ trưởng Tài chính ASEAN năm 2024.

Cùng tham gia thảo luận tại Hội thảo có Thống đốc Ngân hàng Trung ương các nước Lào, Malaysia, Thái Lan, đại diện Quỹ tiền tệ quốc tế (IMF) tại khu vực châu Á-Thái Bình Dương, Trưởng đại diện văn phòng IFC tại Lào. Tham dự Hội thảo có đông đảo đại diện Ngân hàng Trung ương và Bộ Tài chính các nước thành viên ASEAN, các tổ chức quốc tế, các định chế tài chính trong khu vực.

Đây là sự kiện cấp cao bên lề chuỗi Hội nghị Thống đốc Ngân hàng Trung ương và Bộ trưởng Tài chính ASEAN năm 2024, nhằm thảo luận về các xu hướng phát triển dài hạn trên thế giới và cách thức tận dụng cơ hội từ các xu hướng dịch chuyển này để thúc đẩy tăng trưởng kinh tế. Hội thảo được đồng tổ chức bởi IMF và Ngân hàng Trung ương Lào trong bối cảnh kinh tế toàn cầu và khu vực tiếp tục đối mặt với nhiều khó khăn, thách thức và bất định đòi hỏi sự chung tay tìm ra giải pháp để vượt qua những “cơn gió ngược” của nền kinh tế.

Chia sẻ kinh nghiệm chuyển dịch cơ cấu kinh tế của Việt Nam, Thống đốc Nguyễn Thị Hồng cho biết, từ một nền kinh tế nông nghiệp với khoảng 90% lao động làm nông nghiệp, sau 38 năm đổi mới và đặc biệt từ sau khi gia nhập WTO, kinh tế Việt Nam đã có sự chuyển dịch tích cực theo hướng công nghiệp hóa, hiện đại hóa và đạt được những thành tựu ấn tượng. Cụ thể, cơ cấu GDP theo nhóm ngành từ năm 1986 đến 2023 ghi nhận nông nghiệp giảm mạnh từ 38% xuống 12%; công nghiệp tăng từ 29% lên 37%; dịch vụ tăng từ 33% lên 43%.

Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Việt Nam Nguyễn Thị Hồng tham gia Hội thảo với vai trò diễn giả chính. Ảnh: Trịnh Dũng

Theo bà Hồng, một trong những đặc điểm của quá trình chuyển đổi cơ cấu kinh tế của Việt Nam là sự phát triển song hành trên cả hai lĩnh vực là công nghiệp và dịch vụ. Trong quá trình chuyển dịch này, công tác điều hành chính sách tiền tệ, tín dụng của Ngân hàng Nhà nước Việt Nam đã góp phần tích cực vào ổn định kinh tế vĩ mô, tạo nền tảng vững chắc để phát triển bền vững và thúc đẩy công nghiệp hóa.

Bên cạnh việc đã và đang chủ động triển khai nhiều giải pháp, chính sách để đẩy mạnh tín dụng đáp ứng nhu cầu vốn cho nền kinh tế, hướng dòng vốn tín dụng vào các lĩnh vực sản xuất kinh doanh, các lĩnh vực ưu tiên và các động lực tăng trưởng, Ngân hàng Nhà nước Việt Nam cũng chú trọng triển khai công tác chuyển đổi số, chuyển đổi xanh để hỗ trợ, thúc đẩy quá trình chuyển đổi chung của nền kinh tế.

Thời gian qua, công cuộc chuyển đổi số trong ngành ngân hàng tại Việt Nam đã diễn ra mạnh mẽ, toàn diện trên các mặt như: chuyển đổi nhận thức, kiến tạo thể chế, xây dựng hạ tầng công nghệ, phát triển dịch vụ và bảo đảm an ninh, an toàn. Điều này được thể hiện qua những con số tăng trưởng đáng ghi nhận về giao dịch, người dùng và những dịch vụ thanh toán, ngân hàng số đã trở thành một phần quen thuộc trong cuộc sống của người dân, doanh nghiệp.

Quang cảnh Hội thảo. Ảnh: Trịnh Dũng

Bà Hồng cho biết, là một trong số những quốc gia dễ bị tổn thương nhất bởi biến đổi khí hậu, Việt Nam luôn chủ động và tích cực triển khai nhiều hoạt động nhằm vừa ứng phó với biến đổi khí hậu, vừa hướng tới tăng trưởng xanh và phát triển bền vững. Theo đó, giai đoạn 2017-2023, dư nợ cấp tín dụng của hệ thống đối với các lĩnh vực xanh tăng trưởng bình quân hơn 22%/năm. Việt Nam là một trong 38 thị trường đang phát triển có tiến bộ đáng kể trong nỗ lực thúc đẩy ngành tài chính ngân hàng hướng tới phát triển bền vững, được xếp thứ hạng cao so với các nước châu Á trong việc triển khai một số nội dung quan trọng của Thỏa thuận Paris.

Tại Hội thảo, đại diện IMF nhận định, trái ngược với viễn cảnh nền kinh tế toàn cầu giảm tốc và nguy cơ suy thoái, khu vực châu Á-Thái Bình Dương tiếp tục duy trì triển vọng vững chắc, dự báo đóng góp khoảng 2/3 tăng trưởng toàn cầu trong năm 2024. Trong đó, ASEAN, một hình mẫu điển hình về hội nhập và hợp tác kinh tế, đang ngày càng trở thành một khu vực kinh tế năng động, dự báo sẽ đóng góp khoảng 10% GDP toàn cầu trong năm nay. Hội thảo cũng đánh giá cao những thành tựu kinh tế vĩ mô của Việt Nam trong thời gian qua, góp phần đưa ASEAN trở thành điểm sáng của tăng trưởng khu vực và toàn cầu.

Đại diện IMF phát biểu tại Hội thảo. Ảnh: Trịnh Dũng

Các đại biểu đã dành thời gian thảo luận các xu hướng phát triển dài hạn trên thế giới, bao gồm chuyển dịch cơ cấu kinh tế, thay đổi nhân khẩu học, thích ứng với biến đổi khí hậu, phát triển công nghệ, trí tuệ nhân tạo và quá trình chuyển đổi xanh đến sự vận hành của nền kinh tế ASEAN nói chung, thị trường tài chính và công tác điều hành chính sách tiền tệ của các Ngân hàng Trung ương nói riêng. IMF cho rằng các xu hướng này mang lại cả cơ hội phát triển và thách thức mới cho các nền kinh tế, đây là xu thế vận động tất yếu và các quốc gia ASEAN chỉ có thể duy trì sự phát triển bền vững khi có chiến lược ứng phó phù hợp, huy động sự vào cuộc của tất cả các ngành, lĩnh vực.

Hội thảo khẳng định sự đồng lòng, đoàn kết của các quốc gia ASEAN trong việc hợp tác đối phó với các thách thức do xu hướng vận động phát triển toàn cầu; tin tưởng rằng, với sự hợp tác chặt chẽ, các Ngân hàng Trung ương ASEAN sẽ cùng nhau tận dụng cơ hội và vượt qua các thách thức để ngành ngân hàng khu vực có đóng góp chung tích cực cho quá trình phát triển kinh tế của quốc gia cũng như cả khu vực ASEAN.

Nguồn Nhân Dân: https://nhandan.vn/thong-doc-nguyen-thi-hong-chia-se-kinh-nghiem-phat-trien-cua-viet-nam-tai-hoi-thao-cap-cao-asean-post802976.html