Thông điểm nghẽn, giảm ùn tắc giao thông

Với giải pháp xây cầu vượt bằng thép tại các nút giao thông trọng điểm, TP. HCM kỳ vọng sẽ giảm được ùn tắc giao thông khu vực nội thành. Những điểm nghẽn nhức nhối mà người dân kêu ca từ năm này qua năm khác kỳ vọng sớm được tháo gỡ.

Các công trình cầu vượt đã giúp thành phố đông dân nhất nước giảm đáng kể tình trạng ùn tắc giao thông

Ảnh: Hồng Phúc

Dự án xây dựng cầu vượt tại nút giao thông Ngã 6 Gò Vấp (Q.Gò Vấp, TP. HCM) vừa được Sở GTVT TP đề xuất là dự án cầu vượt thứ 7 được chính quyền thành phố thuận chủ trương xây dựng, đồng thời là cầu "chữ Y” thứ 2 được đầu tư, sau cầu chữ Y đầu tiên (kết nối Q.1 và Q.8). Dự án ngay lập tức đã được chính quyền thành phố chấp thuận sau các kết quả giảm ùn tắc giao thông đáng khả quan tại 6 công trình cầu vượt thép được bàn giao trong các năm 2012 và 2013.

Dự án cầu vượt thép tại Ngã 6 Gò Vấp có hình chữ Y với nhánh chính nằm theo hướng đường Nguyễn Oanh - Nguyễn Kiệm và nhánh rẽ theo hướng đường Phạm Ngũ Lão - Nguyễn Oanh. Cầu vượt có chiều rộng gần 12m với quy mô 4 làn xe, với tổng vốn đầu tư khoảng 354 tỷ đồng. Công trình này dự kiến sẽ hoàn thành trong năm 2014 nhằm giải quyết nhanh chóng tình trạng ùn tắc giao thông tại khu vực này trong thời gian qua. Theo tính toán của Sở GTVT, khi nghiệm thu và bàn giao dự án, cây cầu vượt thép Ngã 6 Gò Vấp có năng lực kéo giảm từ 75 - 80% tình trạng ùn tắc giao thông tại khu vực này.

Tính từ năm 2012 đến nay, TP. HCM đã nghiệm thu và đưa vào sử dụng 6 cây cầu vượt thép, gồm: Cầu vượt nút giao thông Nguyễn Tri Phương - Lý Thái Tổ - Đường 3/2 (Q.10); Cầu vượt Ngã 4 Thủ Đức (Q.Thủ Đức, Q.9) ; Ngã 4 Hàng Xanh (Q.Bình Thạnh); Vòng xoay Lăng Cha Cả (Q.Tân Bình); Cầu vượt giao lộ Cộng Hòa - Hoàng Hoa Thám (Q.Tân Bình) và Cầu vượt Vòng xoay Cây Gõ (Q.6). Sáng kiến kéo giảm ùn tắc giao thông bằng việc xây dựng các cầu vượt thép tại các nút giao thông trọng điểm đến nay bước đầu đem lại các hiệu quả bước đầu khả quan. Ngoài ra, gần đây trong quy hoạch phát triển, TP. HCM cũng đã chấp thuận phương án cải tạo, nâng cấp, mở rộng và làm mới một loạt công trình giao thông trọng điểm. Đây là các nỗ lực được giới nghiên cứu đánh giá cao và cho rằng TP. HCM hoàn toàn có thể giải quyết triệt để được tình trạng ùn tắc giao thông, đặc biệt là vào dịp lễ, tết như thời gian qua.

Theo Kiến trúc sư Hoàng Minh Trí - Phó Viện trưởng Viện Nghiên cứu Phát triển TP. HCM, hiện trạng của hệ thống giao thông đô thị thành phố chỉ đáp ứng cho nhu cầu của khoảng 500.000 dân, nhưng hiện nay quy mô đã lớn hơn rất nhiều, gây áp lực lên toàn bộ hệ thống hạ tầng kỹ thuật. Theo ông Trí, việc tiến hành quy hoạch một loạt các tuyến đường ở nội thành, cầu nối, hầm nối Thủ Thiêm qua sông Sài Gòn và một loạt cầu vượt tại những nút giao thông thường gây ách tắc cho thấy thành phố đã nghiên cứu chiều sâu trong điều kiện quy mô phát triển đã vượt mức dự báo của quy hoạch.

Kiến Trúc sư Hoàng Minh Trí đưa ra một ví dụ đơn giản để chứng minh vai trò của các công trình cầu vượt thép giảm ùn tắc giao thông mà TP. HCM đang triển khai. "Chẳng hạn thay vì đi lại trong khu vực nội thành mất khoảng 1 tiếng từ điểm A sang điểm B, nhưng nay nhờ các cây cầu vượt mà thời gian rút ngắn lại chỉ còn khoảng 15 phút, chắc chắn về lâu về dài sẽ đem lại chuyển biến kinh tế tích cực” - ông Trí nhận định. Tại cầu vượt nút giao thông Vòng xoay Cây Gõ (Q.6), ngay khi công trình được đưa vào sử dụng, giao thông từ đường 3/2 ra đường Minh Phụng về Biến xe Miền Tây được thông thoáng, giảm hẳn tình trạng kẹt xe kéo dài tại khu vực này. Theo ông Ngô Thành Luông - Chủ tịch UBND Q.6, Vòng xoay Cây Gõ là trục giao thông huyết mạch nối Q.6 và các quận trung tâm, trong đó kết nối các trung tâm thương mại lớn của quận và thành phố. Việc giao thông thông suốt qua cầu vượt Vòng xoay Q.6 đã góp phần tạo thuận lợi cho phát triển kinh tế - xã hội của quận nói riêng và thành phố nói chung.

Hiện nay TP. HCM đang đẩy nhanh tiến độ đầu tư xây dựng 26 tuyến vành đai, trục đường hướng tâm đối ngoại, đường cao tốc, cầu vượt trên cao và hoàn thành các trục chính xuyên tâm đô thị. Dự kiến nguồn vốn được thành phố huy động từ nhiều nguồn để hoàn thành các công trình này là vào khoảng 360.000 tỷ đồng. Sở GTVT TP đánh giá đây là một gánh nặng rất lớn đối với ngân sách, do đó việc kêu gọi các nhà đầu tư theo hình thức xã hội hóa (BOT, BT) được TP. HCM ưu tiên hàng đầu.

LÊ ANH

Nguồn Đại Đoàn Kết: http://daidoanket.vn/index.aspx?chitiet=76145&menu=1366&style=1