'Thời tiết cực đoan' là lý do để thay đổi, không phải để giải thích

Từ nhiều năm nay, mỗi khi xảy ra các vụ ngập nước, sạt lở nghiêm trọng thì thủ phạm đầu tiên được nêu ra đều có chung một cái tên là 'thời tiết cực đoan'. Trong bối cảnh biến đổi khí hậu khiến thời tiết ngày càng cực đoan hơn thì nhiều vấn đề cần phải thay đổi để thích ứng. Không thể cứ dùng lý do 'thời tiết cực đoan' như chìa khóa vạn năng để giải thích nguyên nhân gây ra mọi sự cố.

Mới đây nhất, một chuyện tưởng chừng không thể xảy ra nhưng đã xảy ra: một đoạn đường cao tốc Phan Thiết – Dầu Giây trên địa bàn tỉnh Bình Thuận tại vị trí Km 25+419 bị ngập nước sâu gần một mét sau trận mưa lớn đêm 29-7.

Tranh cãi đã nổ ra trong cuộc họp chiều 31-7 do Sở Giao thông Vận tải tỉnh Bình Thuận chủ trì để bàn về lý do cao tốc này bị ngập giữa đại diện các cơ quan chức năng.

Đơn vị tư vấn khẳng định hệ thống thoát nước tại các vị trí cống qua đoạn cao tốc bị ngập được thu thập số liệu từ nhiều nguồn và thiết kế kỹ thuật thoát nước chưa có gì sai. Trong khi đó, đơn vị vận hành cao tốc cho rằng, đường bị ngập ngoài lý do mưa quá lớn thì còn do đập Sông Phan xả nước với lưu lượng 90 m³/giây khiến nước không thoát kịp.

Tuy nhiên, đại diện Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Bình Thuận cho biết, hồ thủy lợi Sông Phan xây dựng để chịu được lũ tần suất là 50 năm xảy ra một lần. Lưu lượng xả tối đa theo thiết kế đến 600 m³/giây. Do đó, lượng mưa và xả tràn đêm 29-7 là rất bình thường(1).

Hồ thủy lợi Sông Phan được thiết kế và xây dựng rất lâu trước khi có cao tốc Phan Thiết – Dầu Giây. Như vậy, không rõ trong bản thiết kế cao tốc này, lưu lượng xả của hồ có bị “bỏ quên” hay không? Chỉ với một lượng mưa và lượng xả tràn chỉ bằng 1/6 mức thiết kế tối đa từ đập Sông Phan mà cao tốc đã ngập nặng đến tê liệt, tình hình sẽ tệ đến đâu khi mưa nhiều hơn kéo theo lượng xả lũ cao hơn nữa?

Các thống kê về khí hậu cho thấy, các hiện tượng thời tiết cực đoan ngày càng tăng cả về mức độ lẫn tần suất. Số liệu khí tượng ghi nhận tại TPHCM cho thấy, trong thập niên 1950 không có trận mưa nào trên 100 mm/giờ. Đến thập niên 1960 mới có một trận mưa 100 mm/giờ, thập niên 1970 có thêm một trận mưa trên 100 mm/giờ. Nhưng từ thập niên 1980, những trận mưa lớn tăng dần và hiện tại thì một năm có tới hơn mười trận mưa lớn trên 100 mm/giờ(2).

Thời tiết cực đoan thì không thể kiểm soát nhưng dự báo và thống kê thì hoàn toàn trong khả năng của con người. Trong bối cảnh thời tiết ngày càng khắc nghiệt hơn, chẳng hạn như với mưa lũ, việc xây dựng hạ tầng giao thông phải thay đổi rất nhiều, đặc biệt là phải đưa thêm hàng loạt số liệu thống kê, số liệu dự báo trong tương lai và số liệu thiết kế các công trình hạ tầng có liên quan vào bản thiết kế giao thông.

Chẳng hạn như vụ ngập cao tốc Phan Thiết – Dầu Giây vừa qua, mưa lớn và xả lũ không phải lý do để giải thích mà là lý do để thay đổi tận gốc, từ việc kiểm tra lại mực nước để xác định lại thiết kế cao độ cống thoát nước của cao tốc đến việc cập nhật lưu lượng xả lũ tối đa từ hồ Sông Phan để tính toán lại mực nước khi xả lũ và có điều chỉnh phù hợp.

Câu chuyện tương tự về mưa lũ gây sạt lở cũng cần có cách tiếp cận mới để thay đổi. Trong mùa mưa năm nay, tỉnh Lâm Đồng là nơi xảy ra hàng loạt vụ sạt lở, trong đó có hai vụ làm chết tổng cộng 6 người. Đêm 29-6, một vụ sạt lở ở đường Hoàng Hoa Thám (Đà Lạt) vùi lấp 7 người, trong số này chỉ 5 người thoát được còn 2 người thiệt mạng. Đúng một tháng sau đó, chiều 30-7 lại xảy ra vụ sạt lở vùi lấp làm chết 4 người trên tuyến đèo Bảo Lộc.

Nguyên nhân sạt lở đất liên tiếp được cho là do mưa lớn kéo dài, đất đá bị ngậm nước bão hòa, liên kết yếu, tăng mực nước ngầm. Với tình hình mưa lớn ngày càng tăng chớ không giảm, đã đến lúc cần thay đổi cách thiết kế trong xây dựng ở những khu vực có địa hình đồi núi. Hiện trường một số vụ sạt lở nghiêm trọng gần đây cho thấy, việc tác động vào sườn đồi, sườn núi khi xây dựng, cộng thêm rừng phòng hộ bị mất, là nguyên nhân chính dẫn đến sạt lở.

Tất nhiên, việc đối phó với thời tiết cực đoan là câu chuyện không có hồi kết. Tuy nhiên, thay vì xem đó là lý do để giải thích thì hãy hành động để thay đổi và thích ứng để giảm thiểu tối đa thiệt hại ở mức có thể.

Có thể lấy ví dụ minh họa ngay các công trình trên đèo Bảo Lộc. Trên cung đường đèo này có hai địa điểm được xây dựng đã khá lâu, có bãi đậu xe rộng rãi được nhiều du khách ghé nghỉ ngơi là đài Đức Mẹ và miếu Ba Cô. Cho đến nay, sau nửa thế kỷ tồn tại, cả hai địa điểm này không bị ảnh hưởng bởi các vụ sạt lở núi.

Điểm chung của hai công trình này là người dân biết nương theo địa thế tự nhiên của khu vực đó khi xây dựng. Các công trình xây dựng tận dụng tối đa địa hình sẵn có, được tính toán phù hợp các độ dốc để “tựa lưng” an toàn vào núi với rửng bao phủ chung quanh.

Trong bối cảnh hàng ngàn cây số đường cao tốc đang được triển khai, đặc biệt là nơi có nền đất yếu như ở Đồng bằng sông Cửu Long và các vụ sạt lở ngày càng nhiều hơn ở các khu vực đồi núi, đây là lúc cần xem lại các tính toán, thiết kế cho các công trình hạ tầng, tránh “bỏ quên” số liệu như trong thiết kế cao tốc Phan Thiết – Dầu Giây vừa qua.

Việc cập nhật số liệu để điều chỉnh thiết kế sẽ giúp thay đổi cách xây dựng an toàn hơn, thuận tự nhiên hơn, thích ứng tốt hơn với biến đổi khí hậu và góp phần hạn chế những thảm họa thiên tai trong tương lai.

——————-

(1) https://nld.com.vn/thoi-su/truy-nguyen-nhan-gay-ngap-tren-cao-toc-dau-giay-phan-thiet-20230731181031398.htm

(2) https://cuoituan.tuoitre.vn/tu-chuyen-ngap-lut-o-da-lat-phu-quoc-bat-cap-tu-quy-hoach-1541530.htm

Song Nghi

Nguồn Saigon Times: https://thesaigontimes.vn/thoi-tiet-cuc-doan-la-ly-do-de-thay-doi-khong-phai-de-giai-thich/