Thói quen vô tình khiến hôn nhân bất hạnh

Tùy tiện thốt ra hai từ “ly hôn” trong mọi cuộc cãi vã chỉ đẩy vợ chồng bạn ra xa nhau nhanh hơn.

Áp lực cuộc sống ngày càng tăng khiến con người dễ sa vào những lối mòn suy nghĩ và hành động gây tổn thương cho mối quan hệ gia đình, theo chuyên trang tâm lý Xinli.

1. Đem áp lực công việc trở về nhà và trút giận vào người thân

Không ai đi làm mà không có áp lực, những tâm trạng bực bội tủi cực tích tụ lâu dài mà không dám phát tiết ở nơi làm việc thường được đem về nhà.

Trong tâm lý, con người thường cho rằng những người thân sẽ không oán trách và có hành động gì quá khích cho dù bị trút giận. Thói xấu này kiếm bạn đem lại nguồn năng lượng tiêu cực cho cả gia đình.

Mọi vấn đề liên quan đến công việc và các mối quan hệ xã hội khác chỉ nên dừng lại ở bên ngoài, hãy toàn tâm toàn ý dành những điều tích cực, vui vẻ nhất khi đã trở về nhà.

Cho dù nói tạm gác áp lực sang một bên là chuyện không phải dễ làm, nhưng bạn vẫn cần nỗ lực học cách lắng nghe, chia sẻ, nhẫn nại và bao dung với những người thân.

2 .Động tý là so sánh chồng (vợ) với “nửa kia nhà người ta” một cách vô tội vạ

Không ai muốn bị đem ra so sánh với người khác, nhất là khi bị bạn đời “dìm hàng” bởi những khuyết điểm hay lỗi lầm bằng câu nói “Chồng/vợ người ta thế này thế nọ…”. Có thể người nói chỉ buột miệng, nhưng người nghe sẽ cảm thấy cực kỳ phản cảm.

Khi bị so sánh những điều mình không bằng người khác, chẳng hạn như kiếm tiền không nhiều, bản lĩnh chăn gối kém cỏi, ngoại hình không hấp dẫn… đều khiến người bị so sánh sinh ra tâm lý tự ti và cảm thấy lòng tự tôn của mình bị tổn thương nghiêm trọng.

Nếu thói quen này thường xuyên được áp dụng trong hôn nhân, cả hai dần sẽ mất đi nét hấp dẫn và tin cậy lẫn nhau, mâu thuẫn cũng từ đó sinh ra nhiều hơn.

3. Tùy tiện thốt ra hai từ “ly hôn” trong mọi cuộc cãi vã

Không có cặp vợ chồng nào mà không có những lúc mâu thuẫn, nhưng không có nghĩa là bạn có quyền thốt ra hai từ “ly hôn” hoặc “chia tay” một cách tùy tiện.

Khi có mâu thuẫn, con người mất đi tự chủ, dễ có lời nói và hành động thiếu sáng suốt, trong đó, không ít người khi vấn đề còn chưa tường tận và tìm hướng giải quyết đã mau miệng đòi ly hôn, dù trong lòng thật sự không muốn vậy.

Đây có thể là cách mà nhiều người dùng để gây áp lực với đối phương, mong giành phần thắng về phía mình nhưng kết quả lại tạo ra thói quen tiêu cực cho sự bền vững của hôn nhân.

Phải nghe quá nhiều lời đòi chia tay sẽ khiến đối phương hoặc là quá quen nên không thèm quan tâm nữa, hoặc là uất ức đè nén lâu ngày sẽ bùng phát và quyết định ra đi thật sự. Lúc này, tình cảm của cả hai đã bị câu cửa miệng thói quen làm tổn thương và khó vãn hồi.

4. Yêu cầu đối phương sống theo thói quen sinh hoạt của mình

Không những phải cân bằng trách nhiệm của tất cả các thành viên mà giữa hai vợ chồng cũng cần tôn trọng và thích nghi với lối sống của nhau.

Bạn không thể đòi hỏi người kia phải hoàn toàn thay đổi bản thân chỉ để sống theo thói quen vốn có của bạn, điều này sẽ khiến đối phương bị áp lực nặng nề, bầu không khí gia đình luôn căng thẳng và nhất là dễ dẫn đến tâm lý chán nản, không muốn ở nhà, thậm chí đây cũng là một trong những nguyên nhân khiến người ta đi tìm “niềm vui” bên ngoài để được là chính mình.

Theo VnExpress

Nguồn PNNews: http://phununews.vn/tinh-yeu-hon-nhan/thoi-quen-vo-tinh-khien-hon-nhan-bat-hanh-87507/