Thoát nghèo nhờ phát triển mô hình kinh tế tổng hợp tại quê nhà

Đứng trước sự đeo bám của cái đói, cái nghèo, chị Sầm Thị Lăng (sinh năm 1968) - người dân tộc Cao Lan ở xã Ngọc Quan, huyện Đoan Hùng, tỉnh Phú Thọ luôn trăn trở làm cách nào để vượt qua được hoàn cảnh khó khăn, làm kinh tế trên chính mảnh đất quê hương của mình để nuôi các con ăn học.

Chị Sầm Thị Lăng ở xã Ngọc Quan, huyện Đoan Hùng, tỉnh Phú Thọ

Cho đến nay, chị không những thoát nghèo mà còn có thể làm giàu nhờ biết cách phát triển mô hình kinh tế tổng hợp tại quê nhà.

Sinh ra và lớn lên trong một gia đình thuần nông, chị Sầm Thị Lăng luôn thấu hiểu cuộc sống khó khăn, thiếu thốn của người nông dân, quanh năm bán mặt cho đất, bán lưng cho trời mà cũng không đủ ăn. Năm 1987, chị xây dựng gia đình. Hai vợ chồng trẻ với 2 bàn tay trắng và 12 thước đất cha mẹ để lại, lo toan, chi tiêu tiết kiệm cũng chẳng đủ ăn.

Hai vợ chồng chị Sầm Thị Lăng đang chăm sóc vườn gấc của mình

Đứng trước sự đeo bám của cái đói cái nghèo, vợ chồng chị đã mày mò, tìm nhiều giải pháp. Lúc đầu chị mạnh dạn vay 10 triệu đồng của Ngân hàng chính sách xã hội do Hội LHPN xã nhận ủy thác, đồng thời vay mượn thêm bà con làng xóm để đầu tư phát triển mô hình kinh tế tổng hợp VACR.

Để có kỹ năng phát triển mô hình kinh tế, chị Lăng tích cực tham gia các lớp tập huấn kiến thức chuyển giao khoa học kỹ thuật áp dụng trong chăn nuôi, trồng trọt, sản xuất do Trung tâm dạy nghề Hội LHPN tỉnh, huyện đào tạo. Trải qua bao khó khăn, thậm chí có lúc thất bại, nhưng chị không nản lòng, chịu thương chịu khó, tìm nhiều giải pháp tháo gỡ, cuối cùng cũng đi đến ngày hái quả ngọt.

Với nguồn thu nhập ổn định, gia đình chị Lăng không những thoát được cảnh nghèo đói mà cuộc sống gia đình ngày càng khá giả hơn

Năm 2007, gia đình chị đã được tiếp nhận những dự án lớn của xã như: Dự án trồng rừng, dự án trồng cây ăn quả, dự án trồng chè AFD. Cơ hội đến, chị đã bàn với chồng phải chuyển dịch cây trồng vật nuôi, cải tiến khoa học kỹ thuật trong chăn nuôi cũng như trồng rừng để mang lại thu nhập cao cho gia đình.

Gia đình chị đã đầu tư trồng 3 ha cây keo lai, 1 ha cây chè, 145m2 ao cá, còn lại trồng lúa, nuôi ong, trồng vải, bưởi… Đến nay, tổng thu nhập bình quân đã trừ chi phí mỗi năm gia đình chị từ 150 đến 200 triệu đồng. Với nguồn thu nhập ổn định, gia đình chị Lăng không những thoát được cảnh nghèo đói mà cuộc sống gia đình ngày càng khá giả hơn, nhà cửa khang trang, tiện nghi sinh hoạt đầy đủ. Hai con của chị được học hành tử tế và đã trưởng thành.

Không chỉ làm kinh tế giỏi, chị Lăng luôn tích cực tham gia các phong trào thi đua của địa phương, của tổ chức Hội phụ nữ

Không chỉ làm kinh tế giỏi, chị Lăng luôn tích cực tham gia các phong trào thi đua của địa phương, của tổ chức Hội phụ nữ. Thường xuyên giúp đỡ các hội viên nghèo, có hoàn cảnh khó khăn về kiến thức, cách làm, giống, vốn để chị em cùng vươn lên phát triển kinh tế, chung sức xây dựng nông thôn mới của địa phương, tích cực xây dựng tổ chức Hội vũng mạnh. Bản thân chị và gia đình luôn chấp hành tốt chủ trương đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước, tích cực ủng hộ các phong trào quyên góp ở địa phương và tự nguyện đóng góp kinh phí cùng với thôn xây dựng các công trình phúc lợi, được ghi nhận và đánh giá cao. Nhiều năm liền gia đình chị đạt gia đình văn hóa.

Năm 2015 chị Lăng đã được Hội LHPN tỉnh Phú Thọ tặng bằng khen "Tấm gương điển hình làm kinh tế giỏi" có thành tích trong việc phát triển kinh tế hộ gia đình, góp phần đảm bảo an sinh xã hội tại Hội nghị biểu dương điển hình phụ nữ tiên tiến giai đoạn 2010 - 2015. Chị được Hội LHPN tỉnh Phú Thọ đề nghị Trung ương Hội LHPN Việt Nam biểu dương phụ nữ các dân tộc làm kinh tế giỏi vùng Tây Bắc.

Nhờ đi trước, đón đầu trong chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vươn lên thoát nghèo, chị Sầm Thị Lăng đã trở thành một cá nhân điển hình trong làm kinh tế giỏi ở địa phương

Chị Lăng chia sẻ: "Tôi mong muốn, trong thời gian tới nhân rộng mô hình kinh tế, vận động chị em cùng nhau học tập có thêm nhiều kiến thức về kỹ thuật chăn nuôi, kỹ thuật trồng cây lâm nghiệp, để giúp gia đình cũng như nhiều chị em khác muốn vươn lên thoát nghèo".

Năm 2022, gia đình chị đã thêm mô hìn trồng gấc, đến nay gấc đã leo giàn đang trong thời gian phát triển.

Là một trong những xã có đông đồng bào dân tộc Cao Lan sinh sống, thời gian qua, xã Ngọc Quan đã có nhiều biện pháp thiết thực giúp người dân vươn lên thoát nghèo. Xã đã chỉ đạo quyết liệt việc đẩy mạnh thâm canh tăng năng suất, đưa tiến bộ khoa học kỹ thuật vào sản xuất, đưa các giống cây trồng, vật nuôi có năng suất, chất lượng cao vào nuôi, trồng; khuyến khích phát triển các ngành nghề có lợi thế, các dịch vụ thương mại, tạo điều kiện cho các hộ nghèo và hộ thuộc diện chính sách tiếp cận với các chương trình vay vốn phát triển sản xuất, kinh doanh.

Nhờ đi trước, đón đầu trong chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vươn lên thoát nghèo, chị Sầm Thị Lăng đã trở thành một cá nhân điển hình trong làm kinh tế giỏi ở địa phương.

Linh An

Nguồn Phụ Nữ VN: https://phunuvietnam.vn/thoat-ngheo-nho-phat-trien-mo-hinh-kinh-te-tong-hop-tai-que-nha-20230616233336043.htm