Thỏa thuận mong manh

Sau khi Mỹ lên tiếng đề nghị xem xét lại thỏa thuận hạt nhân mà I-ran ký với các cường quốc nhóm P5+1 (Mỹ, Anh, Pháp, Nga, Trung Quốc và Ðức), các nước châu Âu và I-ran đều bày tỏ quan ngại về “số phận mong manh” của thỏa thuận lịch sử này. Nỗ lực quốc tế nhằm “cứu” thỏa thuận hạt nhân I-ran đang được xúc tiến.

Thỏa thuận hạt nhân mà các cường quốc ký với I-ran hay còn gọi là Kế hoạch hành động chung toàn diện (JCPOA), bị chính quyền Mỹ cho là phải xem xét lại. Oa-sinh-tơn tuyên bố, thỏa thuận này cần phải thay đổi với những điều khoản cứng rắn hơn nhằm bảo đảm Tê-hê-ran thật sự từ bỏ tham vọng về vũ khí hạt nhân, nếu không Mỹ sẽ rút khỏi JCPOA. Tổng thống Mỹ Ð.Trăm sẽ phải đưa ra quyết định về việc Oa-sinh-tơn có xác nhận Tê-hê-ran tuân thủ thỏa thuận hay không vào ngày 16-10 tới, song người đứng đầu Nhà trắng mới đây cho biết, ông đã có quyết định về vấn đề này. Nếu quyết định của Tổng thống là “không”, Quốc hội Mỹ sẽ có 60 ngày để xem xét việc “kích hoạt” lại các biện pháp trừng phạt Tê-hê-ran, vốn đã được nới lỏng theo thỏa thuận.

Cho dù Tổng thống Mỹ Ð.Trăm chưa tiết lộ quyết định đối với JCPOA, song ông đã nhiều lần ám chỉ khả năng chính quyền của ông sẵn sàng từ bỏ thỏa thuận. Bộ trưởng Ngoại giao Mỹ R.Ti-lơ-xơn thì cho rằng, cái gọi là các điều khoản "Hoàng hôn", trong đó một số điều khoản kiềm chế chương trình hạt nhân của I-ran sẽ hết hạn theo thời gian, đang làm Mỹ quan ngại. Những động thái “đánh động” của Mỹ về khả năng không theo đuổi thỏa thuận hạt nhân với I-ran gây lo ngại cho “số phận” của một thỏa thuận vốn đã quá long đong. I-ran kiên quyết bác bỏ việc đàm phán lại thỏa thuận. Quốc gia Hồi giáo cáo buộc Mỹ tìm cách phá hoại thỏa thuận, cho rằng chính quyền Oa-sinh-tơn có thái độ thù địch công khai đối với Tê-hê-ran. Phát biểu ý kiến trước các nhà lãnh đạo thế giới tại Khóa họp 72 Ðại hội đồng Liên hợp quốc diễn ra tại Niu Oóc (Mỹ), Tổng thống I-ran H.Ru-ha-ni cho rằng, số phận của thỏa thuận hạt nhân không phải do một hoặc hai nước quyết định, đồng thời cảnh báo Tê-hê-ran có nhiều "sự lựa chọn" nếu Oa-sinh-tơn rút khỏi thỏa thuận này. Quốc gia Hồi giáo nhiều lần úp mở việc đã chuẩn bị mọi kịch bản nếu Mỹ đơn phương từ bỏ thỏa thuận.

JCPOA được coi là một cách giúp thoát khỏi thế bế tắc đối đầu hạt nhân đe dọa an ninh khu vực Trung Ðông và ngăn chặn những nguy cơ gây hậu quả vượt ra ngoài khu vực. Bởi thế, những động thái “ông chẳng bà chuộc” của các bên tham gia thỏa thuận gây lo ngại kéo lùi “hồ sơ hạt nhân I-ran” trở lại vạch xuất phát. Các nước châu Âu khẳng định sẽ làm hết sức để thuyết phục Mỹ không từ bỏ thỏa thuận. Ðức cho rằng bất kỳ động thái nào của Oa-sinh-tơn hủy bỏ thỏa thuận và áp đặt các biện pháp trừng phạt mới với Tê-hê-ran sẽ khiến những nước như Triều Tiên không muốn đàm phán việc chấm dứt chương trình hạt nhân. Là quốc gia đầu tàu châu Âu, Ðức cho biết sẽ tham gia trong mọi khuôn khổ đàm phán và can dự để bảo đảm thỏa thuận được thực thi nghiêm túc. Ðại diện cấp cao phụ trách chính sách đối ngoại của Liên hiệp châu Âu (EU) Ph.Mô-ghê-rê-ni khẳng định không cần thương lượng lại thỏa thuận hạt nhân giữa I-ran và nhóm P5+1 khi mọi thứ vẫn đang đi đúng hướng.

Mặc dù đề xuất sửa đổi một số điều khoản trong JCPOA, song Tổng thống Pháp E.Ma-crông cũng cảnh báo việc chấm dứt thỏa thuận hạt nhân I-ran sẽ là một "sai lầm nghiêm trọng". Nga bày tỏ quan ngại trước những phát biểu mang tính hoài nghi của Tổng thống Mỹ về thỏa thuận hạt nhân I-ran. Hơn 80 chuyên gia hàng đầu thế giới về không phổ biến vũ khí hạt nhân gần đây cũng đã ra tuyên bố ủng hộ JCPOA. Trong số đó có cả các nhà đàm phán hạt nhân của Mỹ, cựu quan chức tình báo và không phổ biến vũ khí hạt nhân Mỹ, cựu Giám đốc Cơ quan Năng lượng nguyên tử quốc tế (IAEA), cựu thành viên của Nhóm các chuyên gia Liên hợp quốc về I-ran và các chuyên gia hạt nhân hàng đầu của Mỹ.

Những tranh cãi kéo dài một thời giữa phương Tây và I-ran về chương trình hạt nhân của Tê-hê-ran dường như được hóa giải nhờ thỏa thuận hạt nhân JCPOA ký hồi tháng 7-2015. Theo đó, I-ran nhất trí hạn chế các hoạt động làm giàu u-ra-ni để đối lấy việc dỡ bỏ các lệnh trừng phạt quốc tế nhằm vào mình. Thỏa thuận hạt nhân lịch sử này đã chứng minh rằng các vấn đề quốc tế phức tạp có thể giải quyết thông qua đàm phán. Tuy nhiên, thỏa thuận vốn được cho là một trong những di sản ngoại giao nổi bật của chính quyền tiền nhiệm ở Mỹ đang đứng trước nguy cơ đổ vỡ do những căng thẳng mới đây giữa Oa-sinh-tơn và Tê-hê-ran. Việc chính quyền Ð.Trăm không ít lần nói bóng gió về khả năng rút khỏi JCPOA khiến các bên liên quan lo ngại về số phận mong manh của thỏa thuận. Những nỗ lực của các cường quốc châu Âu nhằm thuyết phục Mỹ tiếp tục thực thi mọi điều khoản trong thỏa thuận hạt nhân với I-ran được cho là không dễ dàng khi chính quyền hiện nay ở Oa-sinh-tơn chưa lúc nào hết hoài nghi về thỏa thuận lịch sử này.

THÁI AN

Nguồn Nhân Dân: http://nhandan.com.vn/thegioi/binh-luan-quoc-te/item/34183802-thoa-thuan-mong-manh.html