Thỏa thuận lãi suất: Nguyên lý sòng phẳng của nền kinh tế thị trường

Ông Phạm Xuân Hòe, Phó Viện trưởng Viện Chiến lược ngân hàng (Ngân hàng Nhà nước Việt Nam) đã nhấn mạnh như vậy khi trao đổi với chúng tôi về vấn đề có nên áp trần lãi suất với các tổ chức tín dụng (TCTD) như Bộ luật Dân sự 2015 sẽ (có hiệu lực từ ngày 01/01/2017)

Không thể có trần lãi suất chung cho mọi giao dịch

Theo quy định tại Khoản 1 và 2 Điều 468 Bộ luật Dân sự 2015: Lãi suất vay do các bên thỏa thuận. Trường hợp các bên có thỏa thuận về lãi suất thì lãi suất theo thỏa thuận không được vượt quá 20%/năm của khoản tiền vay, trừ trường hợp luật khác có liên quan quy định khác”.

Theo ông Phạm Xuân Hòe, so với trước, Bộ luật Dân sự 2015 đã có sự điều chỉnh khung về lãi suất cho vay thỏa thuận trong dân sự. Trước hết, về mặt phạm vi điều chỉnh,có thể khẳng địnhlà ý đồ rất tốt của các nhà làm luật, đó là điều chỉnh về việc vay mượn trong dân sự hoặc trong những hợp đồng thương mại có tính đến chuyện chậm trả. Nếu một bên không thực hiện nghĩa vụ của mình sẽ phải chịu lãi suất phạt.

Cho vay tiêu dùng đang trở thành xu hướng được ưa chuộng hiện nay. Ảnh ST

Với cụm từ ở vế thứ hai “trừ luật khác có quy định khác" ông Hòe cho rằng luật thể hiện sự cởi mở cho phép TCTD hoạt động theo luật chuyên ngành tức thị trường tài chính hoạt động theo nguyên tắc thị trường. Hay nói cách khác, nền kinh tế không thể có trần lãi suất chung cho mọi hoạt động giao dịch. Lãi suất của các TCTD (trong đó bao gồm: các công ty tài chính (CTTC) tiêu dùng hoặc các công ty cho thuê tài chính…) đương nhiên họ có luật chuyên ngành điều chỉnh. Bộ luật Dân sự mới mở ra góc cạnh là “trừ luật khác có quy định khác”, điều đó chứng tỏ sự rất tiến bộ của các nhà làm luật để thị trường tài chính của Việt Nam vận hành và hoạt động theo đúng nguyên lý của thị trường” Ông Phạm Xuân Hòe nói.

Cũng theo ông Phạm Xuân Hòe, việc quy định một lãi suất trần cho nền kinh tế sẽ làm méo mó việc phân bổ nguồn lực cho nền kinh tế. Nguyên lý bất di bất dịch trong thị trường tài chính mà chúng ta cần phải nằm lòng, đó là ở đâu lợi nhuận cao thì dòng vốn sẽ chảy vào đó. Hay nói cách khác, ở đâu chịu mức lãi suất cao hơn thì dòng vốn sẽ chảy vào đó và nó sẽ phân bổ một cách có hiệu quả đến từng khu vực ngành kinh tế, dự án kinh tế và thành phần kinh tế.

Thỏa thuận lãi suất theo nguyên tắc thị trường là hướng đi đúng

Một đặc điểm của cho vay tiêu dùng CTTC là hướng đến những khách hàng dưới “chuẩn” cấp vốn của các ngân hàng thương mại (NHTM). Với bộ hồ sơ đơn giản, chỉ cần giấy tờ tùy thân và một hợp đồng lao động, thậm chí chỉ cần khai một công ăn việc làm gì đó, người tiêu dùng cũng đã có thể được vay được một khoản tiền từ phía CTTC. Chính bởi vậy, nguy cơ rủi ro của các CTTC tiêu dùng là rất lớn, cộng với chi phí vốn đầu vào cao do không được trực tiếp huy động vốn từ dân cư mà phải sử dụng vốn tự có, phát hành trái phiếu hoặc đi vay các NHTM. Bên cạnh đó, giá trị của khoản vay thấp, kỳ hạn ngắn (khoảng 6-18 tháng) nên chi phí thu hồi nợ, quản lý, phí phục vụ cũng cao hơn bình thường.

Người tiêu dùng cần tham khảo, tư vấn kỹ khi lựa chọn các dịch vụ tài chính tiêu dùng. Ảnh ST

“Khi các TCTD hoặc các định chế tài chính đầu tư, hoặc cho vay vào những lĩnh vực rủi ro cao, họ phải cộng phần bù trừ rủi ro vào giá và đương nhiên lãi suất sẽ phải cao. Theo đó dựa vào từng mức độ rủi ro của hồ sơ vay mà TCTD xác định mức lãi suất cụ thể. Nếu không cộng phần bù trừ chi phí và rủi ro vào thì không có định chế nào có thể tồn tại được với mức trần lãi suất. Đây là một nguyên lý hết sức sòng phẳng của nền kinh tế thị trường”, ông Phạm Xuân Hòe khẳng định.

Ông Hòe cũng chia sẻ: Chúng ta không nên cho rằng, lãi suất thỏa thuận mà các CTTC tiêu dùng hiện đangáp dụng là ở mức cao bởi nó còn tùy thuộc vào cái mốc để ta so sánh. Nếu so với lãi suất của các NHTM, thì mức lãi suất của các CTTC tiêu dùngở mức cao hơn từ 10-20%. Tuy nhiên, số lượng đáp ứng được các đòi hỏi của vay tín dụng tại các NHTM vốn không nhiều. Nếu không có hoạt động cho vay của các CTTC tiêu dùng, đại bộ phận bị “gạt ra” của các ngân hàng sẽ phải tìm đến vay “tín dụng đen” với lãi suất cắt cổ.Như vậy, so với tín dụng đen, mức lãi suất vay tiêu dùng của các CTTC thấp hơn rất nhiều.

Do vậy, việc áp dụng theo Điều 91 Luật Các tổ chức tín dụngcho phép TCTD và khách hàng được quyền thỏa thuận về lãi suất theo ông Hòe là hướng đi đúng, tuân theo đúng nguyên tắc cung - cầu của thị trường và tạo cơ hội cho người dân khả năng tiếp cận nguồn vốn được dễ dàng, thuận lợi.

Thảo Lê

Nguồn VietQ: http://vietq.vn/thoa-thuan-lai-suat-nguyen-ly-song-phang-cua-nen-kinh-te-thi-truong-d106405.html