Thơ sinh cùng Mùa thu Cách mạng

Cách mạng Tháng Tám là mốc son chói lọi trong lịch sử dựng nước và giữ nước của dân tộc ta, sinh ra Nhà nước dân chủ nhân dân đầu tiên ở Đông-Nam Á, làm thay đổi cuộc đời biết bao người. Với sức mạnh chuyển đổi to lớn, cuộc Tổng khởi nghĩa mùa thu năm 1945 còn là nguồn cảm hứng thi ca dào dạt.

Cách mạng Tháng Tám mở ra bình minh cho nước Việt Nam mới sau 80 năm trong đêm trường nô lệ dưới ách thống trị của thực dân Pháp; viết nên trang sử vẻ vang vào mùa thu Ất Dậu, với khí thế cuộn trào Bắc Trung Nam khắp ba miền / Đứng lên khởi nghĩa chính quyền về tay (Tố Hữu). Và cũng mở ra một nguồn mạch mới cho văn học nước nhà. Nhà thơ Xuân Diệu đã nói về một “suối thơ” được khởi nguồn từ Mùa thu Cách mạng: Có một suối thơ chảy từ gần gũi / Ra xa xôi và lại đến gần quanh / Một suối thơ lá ngọt với hoa lành / Nói trong xóm và giỡn cười dưới phố. Cảm xúc thơ được cất cánh từ nhân dân, những con người vốn lam lũ đã Rũ bùn đứng dậy sáng lòa (Nguyễn Đình Thi).

Trước đó, nhân dân ta phải gánh chịu một nạn đói kinh hoàng trong lịch sử: Lúa mùa mất sạch mọi nơi / Giặc còn vơ vét hết nồi đến thăng ! / Đói xo khắp xóm khắp làng / Rau dưa chết giá, ngô lang xạc xờ / Buồn trông đồng trắng bãi khô / Lúa chiêm thôi hết ước mơ đầy nồi / Một quan gạo sáu lon thôi / Không tiền mua cám mà nuôi mẹ già / Cháu thơ đói lả ôm bà / Con đeo chân bố khóc la đêm ngày !... (Đói - Tố Hữu, tháng 4-1945). Từ nỗi nhục mất nước, sự bần cùng hóa đến tột đỉnh, nhân dân ta đứng lên làm Cách mạng dưới sự lãnh đạo của Đảng. Trong mùa xuân Ất Dậu, nhà thơ cộng sản Tố Hữu từng dự báo: Hỡi người bạn ! Vui lên đi ! Ất Dậu / Sẽ là năm khởi nghĩa, năm thành công ! Trời hôm nay dầu xám ngắt màu đông / Ai cản được mùa xuân xanh tươi sáng / Ai cản được những đoàn chim quyết thắng / Sắp về đây thắm nắng xuân hồng ? Và, chúng ta không lấy làm lạ, khi Tổng khởi nghĩa Tháng Tám thành công thì niềm vui của dân tộc vỡ òa, chói lói: Ngực lép bốn nghìn năm, trưa nay cơn gió mạnh / Thổi phồng lên. Tim bỗng hóa mặt trời (Huế tháng Tám - Tố Hữu, tháng 8-1945).

Những hình ảnh hết sức lộng lẫy, ấn tượng cho chúng ta hình dung về cuộc đổi thay thần kỳ của dân tộc trong những tháng ngày lịch sử tuyệt vời ấy. Ngày 26-8-1945, lần đầu tiên Tố Hữu phác họa hình ảnh Chủ tịch Hồ Chí Minh bằng thơ. Hình ảnh lãnh tụ gắn liền hào khí ngút trời của cuộc ra quân giành chính quyền về tay nhân dân của đội ngũ những người khốn khổ:

Hồ Chí Minh / Hỡi ngọn đuốc thiêng liêng / Trên đầu ta, ngọn cờ dân tộc / Trăm thế kỷ trong tên Người: Ái Quốc / Bạn muôn đời của thế giới đau thương ! Chúng tôi đây / Lớp con cháu trên đường / Gươm tuốt vỏ, súng cầm tay, xốc tới / Ngọn cờ đỏ sao vàng phấp phới / Nước non Hồng vang dội Tiến quân ca... (Hồ Chí Minh). Không khí Mùa thu Cách mạng còn trở lại trong thơ Tố Hữu nhiều lần. Chất men say thi sĩ nhận được từ những năm tháng không quên đó dường như không hề phai nhạt trong ông: Tổng khởi nghĩa ! Lệnh truyền đêm trước / Sáng quân ra giải phóng Thái Nguyên / Hà Nội, Huế, Sài Gòn, cả nước / Đứng lên ta giành hết chính quyền; và: Hôm nay sáng mùng hai tháng chín / Thủ đô hoa, vàng nắng Ba Đình / Muôn triệu tim chờ... chim cũng nín / Bỗng vang lên tiếng hát ân tình. Hồ Chí Minh! Hồ Chí Minh! (Theo chân Bác).

Nhắc đến những bài thơ sinh cùng Mùa thu Cách mạng, chúng ta không thể quên Ngọn quốc kỳ dài 203 câu đầy khí chất hào sảng của Xuân Diệu. Khí chất ấy là do cuộc Cách mạng Tháng Tám mang lại, truyền vào tác giả những cảm xúc hết sức mới mẻ và mãnh liệt. Lá cờ đỏ sao vàng chính là hình ảnh nước Việt Nam mới, là ánh sáng của non sông trong kỷ nguyên độc lập tự do, là khát vọng ấm no hạnh phúc của dân nghèo. Vì thế mới phấp phới, tưng bừng, lồng lộng làm sao: Gió bay đi, mà nhạc cũng bay theo, / Đưa tin mới khắp trên trời nước Việt. / Hoa cỏ đón, mà núi sông cũng biết, / Cờ Việt Nam oanh liệt gió mừng bay!

Hôm nay đọc lại, Ngọn quốc kỳ vẫn có những câu thơ làm ta yêu thích bởi tính khái quát cao và sự so sánh độc đáo: Nước cũ bốn nghìn năm / Theo cờ mới, trẻ như hai mươi tuổi. Nhà thơ Xuân Diệu đã nhìn nhận rất đúng tính chất của cuộc Cách mạng Tháng Tám, đó là sự vùng lên của những người cần lao đã được Đảng giác ngộ: Cuộc khởi nghĩa phá tan đời nô bộc / Lần đầu tiên theo cờ đỏ sao vàng... Niềm hân hoan khi đất nước được độc lập, nhân dân được tự do tràn ngập bài thơ dài; ghi dấu bước chuyển biến tích cực trong ý thức sáng tạo văn học của một nhà thơ lãng mạn. Cái riêng hòa vào cái chung rộng lớn, cái tôi đã quyện nhập cùng cái ta.

Ngoài Tố Hữu, Xuân Diệu, chúng ta còn thấy hình ảnh Cách mạng Tháng Tám qua thơ Trần Huyền Trân, Nguyễn Đình Thi, Thâm Tâm... Nhà thơ Trần Huyền Trân cho thấy một cận cảnh xúc động: Một sáng tung cờ đỏ / Bố về với súng gươm / Mừng lau hàng lệ rỏ / Mắt mẹ tan mù sương / Tám mươi năm bụi phủ / Mưa rào phút sạch trơn... Sau chín năm gian khổ trường kỳ kháng chiến chống thực dân Pháp, Nguyễn Đình Thi đã viết nên bài thơ Đất nước với những câu thơ khái quát đầy tính sử thi: Súng nổ rung trời giận dữ / Người lên như nước vỡ bờ / Nước Việt Nam từ máu lửa / Rũ bùn đứng dậy sáng lòa; đã có những câu thơ tả thực sinh động về không khí Hà Nội trong Mùa thu Cách mạng: Mùa thu về bỡ ngỡ sáng nay / Gặp những chàng trai bên hồ hò reo say / Reo reo hò cờ rực đỏ ánh cây / Thoáng sao vàng nghiêng nghiêng vẫy... Thâm Tâm cũng kịp ghi lại cảnh mùa thu yên lành ở làng quê như khát vọng hòa bình muôn đời của dân tộc Việt: Trái hồng trĩu xuống cây rơm / Sáng nay mùa cốm dậy thơm khắp làng / Lúa vươn thân hút ánh vàng / Nguồn tươi vồng nở thu sang tốt lành...

Điều cần nhấn mạnh, là từ Cách mạng Tháng Tám, một đội ngũ nhà thơ đi theo Đảng, trong đó có nhiều thi sĩ lãng mạn, thay đổi nhận thức tư tưởng và cả bút pháp, gắn bó mật thiết với đất nước, nhân dân trong các cuộc kháng chiến, xây dựng và bảo vệ Tổ quốc. Ta bắt gặp điều này trong thơ Chế Lan Viên: Con gặp lại nhân dân như nai về suối cũ / Cỏ đón giêng hai, chim én gặp mùa / Như đứa trẻ thơ đói lòng gặp sữa / Chiếc nôi ngừng bỗng gặp cánh tay đưa. Đất nước của nhân dân là hình ảnh luôn xuất hiện trong thơ Việt Nam sau năm 1945 với vẻ tươi mới, sáng trong: Mùa thu nay khác rồi / Tôi đứng vui nghe giữa núi đồi / Gió thổi rừng tre phấp phới / Trời thu thay áo mới / Trong biếc nói cười thiết tha... (Nguyễn Đình Thi); Sông được lúc dềnh dàng / Chim bắt đầu vội vã / Có đám mây mùa hạ / Vắt nửa mình sang thu (Hữu Thỉnh)...

Cách mạng cũng đã đào luyện một đội ngũ nhà thơ chiến sĩ đầy trách nhiệm công dân. Từ Cách mạng Tháng Tám, trải qua hai cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp và đế quốc Mỹ xâm lược, đã có các thế hệ tiếp nối: từ Tố Hữu, Xuân Diệu, Huy Cận, Chế Lan Viên, Thâm Tâm, Nguyễn Xuân Sanh, Trần Huyền Trân, Lưu Trọng Lư, Anh Thơ...; đến Nguyễn Đình Thi, Hoàng Cầm, Quang Dũng, Chính Hữu, Hồng Nguyên, Trần Mai Ninh, Trần Hữu Thung, Minh Huệ...; rồi Phạm Ngọc Cảnh, Phạm Tiến Duật, Nguyễn Khoa Điềm, Nguyễn Đức Mậu, Anh Ngọc, Hoàng Nhuận Cầm, Lâm Thị Mỹ Dạ, Xuân Quỳnh...

Không ít bài thơ viết về đất nước, nhân dân, về Đảng và Bác Hồ được công chúng yêu thích như Bên kia sông Đuống của Hoàng Cầm; Tây Tiến của Quang Dũng, Đồng chí của Chính Hữu; Nhớ của Hồng Nguyên, Tình sông núi của Trần Mai Ninh, Thăm lúa của Trần Hữu Thung, Đêm nay Bác không ngủ của Minh Huệ, Việt Bắc và Sáng tháng Năm của Tố Hữu; Đất nước của Nguyễn Đình Thi, Người đi tìm hình của nước của Chế Lan Viên; Những vị La Hán chùa Tây Phương của Huy Cận; Đất nước của Nguyễn Khoa Điềm…

Từ Cách mạng Tháng Tám, chúng ta nhìn nhận sâu thêm khát vọng, tâm hồn và bản lĩnh dân tộc Việt Nam; thấy được nghĩa vụ, trách nhiệm của mình trước vận mệnh đất nước. Mùa thu Cách mạng - một dấu ấn lịch sử sáng tỏa được các nhà thơ tiếp tục khai thác khá nhiều sau này; làm nên những tác phẩm đậm chất văn học - sử thi có sức sống lâu bền trong lòng công chúng.

THANH KHÊ

Nguồn Nhân Dân: http://nhandan.com.vn/vanhoa/item/33962002-tho-sinh-cung-mua-thu-cach-mang.html