Thịt bò một nắng Krông Pa chiếm lĩnh thị trường

Thịt bò một nắng Krông Pa (tỉnh Gia Lai) đang từng bước khẳng định thương hiệu và chiếm được lòng tin của thực khách trong cả nước bởi chất lượng cao, hương vị đặc trưng. Đặc biệt, mỗi dịp Tết đến, xuân về, thịt bò một nắng Krông Pa trở thành món thực phẩm 'hot' trên thị trường.

Nườm nượp đơn hàng Tết

Khoảng 1 tháng nay, tất cả các cơ sở chế biến thịt bò một nắng ở huyện Krông Pa đều tất bật chuẩn bị hàng phục vụ người tiêu dùng dịp Tết Nguyên đán 2024.

Từ những cơ sở chế biến lâu năm, có đăng ký bảo hộ thương hiệu và giấy phép kinh doanh như: Mười Đức, Tuấn Hậu, Nguyệt Viên Food, Tý Vân, Quỳnh Ngân… đến những cơ sở nhỏ lẻ khác, không khí tất bật của ngày Tết đến sớm bởi những đơn hàng từ khắp nơi gửi về.

Sản phẩm Bò một nắng Tý Vân đã có mặt trên kệ hàng OCOP tại Siêu thị Co.op Mart Pleiku. Ảnh: Quang Tấn

Năm nay là năm thứ 28 bà Hồ Thị Mười (82 Nguyễn Văn Trỗi, thị trấn Phú Túc) gắn bó với nghề và từng bước đưa nhãn hiệu bò một nắng Mười Đức nổi danh khắp cả nước.

Trò chuyện với chúng tôi, bà Mười kể: Lúc mới bén duyên với nghề chế biến thịt bò một nắng, bà chủ yếu làm để gia đình sử dụng và bán cho người thân, bạn bè trong huyện mỗi dịp lễ, Tết. Dần dần, món ăn đặc trưng của địa phương này được nhiều người trong và ngoài tỉnh yêu thích, tìm đến đặt hàng. Mỗi năm, cơ sở cung cấp cho thị trường khoảng 12 tấn sản phẩm từ thịt bò.

“Mỗi ngày, cơ sở sản xuất cả tạ sản phẩm, số lượng đơn hàng cũng tăng đột biến so với tháng trước. Cũng nhờ bán thịt bò một nắng mà gia đình tôi có thêm nguồn thu nhập khá”-bà Mười chia sẻ.

Cơ sở sản xuất thịt bò một nắng của ông Trần Quang Tuấn (122 Hùng Vương, thị trấn Phú Túc) cũng là một trong những địa chỉ nổi tiếng làm nên thương hiệu bò một nắng Krông Pa.

Theo ông Tuấn, tiền thân của món bò một nắng chính là công thức làm món thịt nai một nắng của các thợ săn người Jrai. Ban đầu, việc phơi thịt chỉ để không bị hư hỏng khi đi săn nhiều ngày. Do vậy, gia vị làm ra món ăn này cũng đơn giản, chỉ ướp thịt với muối, bột ngọt và ít ớt. Sau này, thịt nai ít dần nên người dân đã thay thế bằng thịt bò.

Để có đặc sản bò một nắng thơm ngon thì chỉ lấy phần đùi, bắp của bò tơ, thái miếng thịt lớn như bàn tay ướp với các gia vị gồm: muối, ớt, tỏi, sả, vừng… rồi phơi dưới nắng lớn. Giờ đây, món bò một nắng đã dần quen thuộc và không thể thiếu vào mỗi dịp lễ, Tết.

Những phần thịt ngon nhất của con bò như đùi, bắp được sử dụng để làm ra sản phẩm bò một nắng. Ảnh: Ngọc Sang

“Để ổn định nguồn nguyên liệu chất lượng phục vụ chế biến, chúng tôi đã ký liên kết với hộ chăn nuôi và lò giết mổ trên địa bàn huyện. Cùng với đó, gia đình thuê thêm nhân công thời vụ để đảm bảo sản xuất vụ Tết.

Bên cạnh đảm bảo chất lượng sản phẩm, cơ sở cũng làm túi giấy, hộp giấy để tăng thêm sự bắt mắt cho khách hàng mua làm quà tặng dịp Tết. Nhờ đó, từ cuối tháng 11 đến nay, sản lượng tiêu thụ bò một nắng của cơ sở tăng gấp 3-5 lần so với tháng bình thường”-ông Tuấn cho hay.

Cũng như nhiều cơ sở chế biến thịt bò một nắng trên địa bàn huyện Krông Pa, lượng đơn hàng của hộ kinh doanh Hoàng Thị Minh Châu (1B Võ Thị Sáu, thị trấn Phú Túc) khoảng 10 ngày trở lại đây tăng mạnh so với ngày thường.

Chị Châu cho hay: Những năm trước, gia đình sản xuất khoảng 2 tạ thịt bò một nắng, nhưng chỉ tập trung vào dịp Tết. Riêng năm 2023, chị làm bán quanh năm với sản lượng gần 5 tạ.

“Dịp Tết này, khách hàng đã đặt gần 4 tạ sản phẩm. Năm 2024, tôi sẽ đầu tư mở rộng quy mô cũng như đăng ký tham gia Chương trình OCOP để sản phẩm thịt bò một nắng của gia đình vươn xa trên thị trường”-chị Châu chia sẻ.

Khẳng định thương hiệu

Huyện Krông Pa có đàn bò lớn nhất tỉnh với khoảng 70.000 con, chủ yếu là giống bò cỏ địa phương. Với điều kiện khí hậu nắng nóng cùng nguồn nguyên liệu chất lượng, Krông Pa là nơi sản sinh đặc sản thịt bò một nắng mang đặc trưng riêng.

Đặc biệt, nhờ được chính quyền địa phương đẩy mạnh tuyên truyền, vận động, hướng dẫn và hỗ trợ các chủ thể tham gia Chương trình OCOP, thương hiệu bò một nắng Krông Pa đã được “tiếp sức” để vươn xa. Đến nay, toàn huyện có 29 sản phẩm OCOP đạt 3-4 sao cấp tỉnh, trong đó, 20 sản phẩm được làm từ thịt bò.

Năm 2020, sản phẩm bò một nắng Tuấn Hậu được công nhận OCOP 3 sao cấp tỉnh. Đến năm 2023, sản phẩm này được thăng hạng 4 sao. Theo ông Tuấn: Việc có sản phẩm đạt OCOP 4 sao là điều kiện thuận lợi để cơ sở xây dựng thương hiệu và mở rộng thị trường tiêu thụ. Khi tham gia Chương trình OCOP, cơ sở được hướng dẫn, hỗ trợ cải tiến mẫu mã, bao bì; đồng thời, nâng cao chất lượng sản phẩm để đáp ứng yêu cầu ngày càng cao của thị trường.

“Dù món thịt bò một nắng ra đời từ rất lâu nhưng khoảng 10 năm trở lại đây mới thực sự được nhiều người biết đến. Hiện nay, chúng tôi đã có lượng khách hàng đông đảo ở khắp các tỉnh, thành trong cả nước.

Chúng tôi cảm thấy rất vui và tự hào khi đã góp phần quảng bá một đặc sản độc đáo, khiến nhiều người biết và nhớ đến địa phương của mình”-ông Tuấn chia sẻ.

Sản phẩm thịt bò một nắng Tuấn Hậu được công nhận OCOP 4 sao cấp tỉnh. Ảnh: Q.T

Tương tự, cơ sở bò một nắng Mười Đức cũng có 3 sản phẩm đạt OCOP 3 sao cấp tỉnh là bò một nắng, gầu bò một nắng, ba chỉ heo một nắng. Bà Mười cho biết: “Từ khi đạt chứng nhận OCOP 3 sao cấp tỉnh, cơ sở có thêm nhiều cơ hội để phát triển thị trường.

Bên cạnh đó, chúng tôi chú trọng nâng cao chất lượng sản phẩm ngay từ khâu chọn nguyên liệu đầu vào (thịt bò, các loại gia vị, muối kiến vàng…) cho đến việc đầu tư máy móc, giàn phơi, kho đông lạnh để đảm bảo sản phẩm đến tay người tiêu dùng giữ nguyên hương vị đặc trưng.

Ngoài cơ sở chính ở thị trấn Phú Túc, gia đình còn mở 1 cơ sở tại TP. Pleiku và đã có mặt trên kệ hàng OCOP của nhiều tỉnh, thành trong cả nước như: TP. Hồ Chí Minh, Đak Lak, Hà Nội, Đà Nẵng”.

Để thương hiệu bò một nắng Krông Pa lan tỏa sâu rộng trên cả nước không thể không nói đến những đóng góp của Sở Khoa học và Công nghệ (KH-CN). Theo đó, Sở đã hỗ trợ địa phương triển khai các nhiệm vụ KH-CN như: Dự án “Phát triển giống bò thịt chất lượng cao tại huyện Krông Pa, tỉnh Gia Lai”, đề tài “Thiết kế chế tạo hệ thống máy chế biến thịt bò một nắng tại huyện Krông Pa”, triển khai thành công Dự án ứng dụng tiến bộ KH-CN nhằm nâng cao chất lượng sản phẩm hàng hóa, tăng sức cạnh tranh trên thị trường.

Ông Ngô Xuân Hòa-Giám đốc Trung tâm Kỹ thuật tiêu chuẩn đo lường chất lượng (Sở KH-CN) cho biết: Năm 2023, Trung tâm đã hỗ trợ, tư vấn cho 2 cơ sở sản xuất thịt bò một nắng Tuấn Hậu và Nguyệt Viên Food nâng cấp sản phẩm OCOP 3 sao lên 4 sao. Từ đó, tạo điều kiện giúp các cơ sở này nâng tầm sản phẩm, đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm.

Trao đổi với P.V, ông Võ Ngọc Châu-Trưởng phòng Nông nghiệp và PTNT huyện-cho biết: Hiện trên địa bàn huyện có 34 cơ sở kinh doanh, chế biến các dòng sản phẩm thịt bò được cấp giấy chứng nhận đủ điều kiện an toàn thực phẩm.

Hàng năm, các cơ sở này cung cấp hàng chục tấn sản phẩm từ thịt bò cho thị trường trong cả nước. Cục Sở hữu trí tuệ (Bộ KH-CN) đã cấp nhãn hiệu chứng nhận “Bò Krông Pa-Gia Lai” và UBND huyện làm chủ sở hữu nhãn hiệu này. Các sản phẩm “Bò Krông Pa-Gia Lai” bước đầu đã khẳng định danh tiếng trên thị trường bằng chất lượng.

“Thời gian tới, chúng tôi tiếp tục phối hợp với các ngành và chính quyền các xã, thị trấn đẩy mạnh tuyên truyền, quảng bá thương hiệu thịt bò Krông Pa. Đây là đặc sản có tiềm năng, được huyện định hướng mở rộng sản xuất trong tương lai cùng với việc quy hoạch vùng chăn nuôi và quản lý các khâu sản xuất, chế biến chặt chẽ, đảm bảo tiêu chuẩn về chất lượng, an toàn thực phẩm.

Qua đó, góp phần nâng cao chất lượng sản phẩm, bảo vệ quyền sở hữu trí tuệ, sử dụng, quảng bá nhãn hiệu chứng nhận “Bò Krông Pa-Gia Lai” ngày một vươn xa”-ông Châu khẳng định.

QUANG TẤN

NGỌC SANG

Nguồn Gia Lai: https://baogialai.com.vn/thit-bo-mot-nang-krong-pa-chiem-linh-thi-truong-post263511.html