Thiếu nhi hát nhạc người lớn, lỗi do ai?

Hiện nay, có khá nhiều chương trình thi ca hát giành cho các em nhỏ, trong đó phải kể đến Giọng hát Việt nhí, Thần tượng âm nhạc nhí...

Hiện nay, có khá nhiều chương trình thi ca hát giành cho các em nhỏ, trong đó phải kể đến Giọng hát Việt nhí, Thần tượng âm nhạc nhí... thu hút sự quan tâm của cộng đồng. Bên cạnh mục đích tìm ra những tài năng nhí để tôn vinh, đào tạo..., dễ dàng nhận thấy nhiều thí sinh nhí thường thể hiện ca khúc dành cho người lớn. Vậy khi các em nhỏ hát nhạc của người lớn sẽ ra sao?

Có lẽ rất nhiều khán giả từng chứng kiến các em thiếu nhi đứng trên sân khấu chương trình Giọng hát Việt nhí, Thần tượng âm nhạc nhí... thể hiện ca khúc của người lớn về tình yêu, tình bạn. Tham gia các chương trình ca hát trên sóng truyền hình kể trên, độ tuổi các em thường dao động từ 6 - 15 và các thí sinh thường có huấn luyện viên tư vấn, dạy chuyên môn âm nhạc. Vì thế, bản thân các em nhỏ ở những chương trình này phải thuận theo sự sắp đặt của các huấn luyện viên. Những người dìu dắt, chọn các em về đội để làm “chiến binh” có trách nhiệm lựa chọn ca khúc để các em khoe được chất giọng cũng như tài năng diễn xuất. Như vậy, bản thân các em nếu phải hát một ca khúc không phù hợp với độ tuổi, có chủ đề về tình yêu... thì lỗi hoàn toàn không do các em.

Nhiều em nhỏ trong các cuộc thi ca hát trên truyền hình hát nhạc người lớn không đúng với độ tuổi.

Trong nhiều chương trình ca hát cho các em nhỏ trên truyền hình, chúng ta thấy một số em nhỏ mới học lớp 2, lớp 3 nhưng lại hát mấy bài hát của người lớn khá điệu nghệ như Tàu anh qua núi của Phan Lạc Hoa, Ngẫu hứng lý ngựa ô của Trần Tiến, Bóng cây K’nia, Và tôi cũng yêu em, Đêm Trường Sơn nhớ Bác, Nobody... hay những nhạc phẩm tình ca của nhạc sĩ Trịnh Công Sơn. Thậm chí có những tiết mục các em nhỏ mới 6 tuổi nhưng hát nhạc trẻ, thể hiện câu chuyện tình yêu trai gái. Gần đây nhất, trong một đêm chung kết Giọng hát Việt nhí 2016, các thí sinh nhí cũng thể hiện những Mái đình làng biển của nhạc sĩ Nguyễn Cường, Tình ca (Phạm Duy), Mặt trời dịu êm (Dương Thụ)... Điều đáng nói khi nghe các em nhỏ hát xong, những nghệ sĩ được khán giả mến mộ trong vai trò giám khảo, huấn luyện viên của chương trình lại tung hô, khen ngợi các em lên tận mây xanh?!

Việc các chương trình, huấn luyện viên cho các em nhỏ hát ca khúc người lớn, ca từ không phù hợp với độ tuổi đôi khi sẽ có “tác dụng ngược” thay vì muốn khoe chất giọng, tài năng, tính cách... của các em. Bởi khi các em không hiểu hết được nội dung ca khúc mà các em đang thể hiện thì vô tình các em trở thành con rối trên sân khấu. Các em diễn, cất tiếng hát song không thể truyền tải được tinh thần, nội dung mà ca khúc muốn hướng tới. Chưa kể hát những bài của người lớn, lại có cả những ca khúc nước ngoài nên nhiều em nhỏ phải “lên gân” mướt mồ hôi, mất đi nét hồn nhiên của trẻ thơ. Dù thực tế cho thấy một số em nhỏ hát bài người lớn khá tốt, thể hiện được biểu cảm qua các động tác nhưng nếu các em có thành công thì đó cũng chỉ là những “ca sĩ chín ép”.

Cũng từ thực trạng các em nhỏ hát ca khúc người lớn trong các chương trình trên sóng truyền hình, chúng ta còn thấy được vấn đề khác - đó là nền âm nhạc thời đại mới của chúng ta đang thiếu hụt các sáng tác cho thiếu nhi. Nếu thi Giọng hát Việt nhí, Thần tượng âm nhạc nhí mà các em hát những nhạc phẩm vốn gần gũi, thân thuộc, ca từ mộc mạc như: Cháu lên ba, Em yêu trường em, Em là búp măng non, Đi học về, Cháu yêu bà, Cả nhà thương nhau... thì chắc chắn sẽ bị mọi người cười chê vì “lựa chọn an toàn” và quá cũ kỹ, bị loại ngay từ vòng sơ tuyển. Nhạc sĩ Đỗ Hồng Quân - Chủ tịch Hội Nhạc sĩ Việt Nam từng chia sẻ, ca khúc dành cho trẻ em hiện nay là trăn trở của hội nghề nghiệp, rất nhiều lần giải thưởng định kỳ hằng năm của hội thiếu vắng giải dành cho ca khúc thiếu nhi. Trong khi đó, một nhạc sĩ tham gia hướng dẫn cho thí sinh nhí của Giọng hát Việt nhí từng cho biết, vì nhạc Việt hiện nay có quá ít bài hát cho tuổi nhỏ nên khi hướng dẫn các em đành phải chọn bài hát về tình yêu quê hương đất nước, tình yêu đôi lứa dù các bài hát ấy xưa nay vốn được người lớn hát.

Ở góc độ khác, theo phân tích của nhạc sĩ Ca Lê Thuần, nếu thiếu nhi hát những bài hát của người lớn mà không phù hợp với lứa tuổi của mình thì gây những tác động không tốt đến thị hiếu và ý thức thẩm mỹ. Tuổi trẻ hiểu xã hội thông qua nhận thức, vì vậy, hát những bài hát người lớn thì nhận thức xã hội của thiếu nhi thông qua nghệ thuật âm nhạc sẽ bị méo mó, bởi nội dung, tình cảm không phù hợp với lứa tuổi. Bên cạnh đó, một chuyên gia về giáo dục nhận định khi các em nhỏ hát nhạc người lớn, bản thân các em chưa thể hiểu được những ca từ, lại phải “hóa thân” theo dòng cảm xúc của người lớn thì đó là việc làm quá sức. Điều này làm thui chột sự phát triển của đời sống cảm xúc của trẻ em, gây ảnh hưởng lớn đến đời sống tinh thần cũng như sự sáng tạo của các em về sau.

Quỳnh Phạm

Nguồn SK&ĐS: http://suckhoedoisong.vn/thieu-nhi-hat-nhac-nguoi-lon-loi-do-ai-n124245.html