Thiếu hóa đơn, chứng từ, người bị oan sai vẫn được bồi thường

Với 92,46% ý kiến đại biểu tán thành, sáng 20/6, Quốc hội đã thông qua Luật Trách nhiệm bồi thường Nhà nước (sửa đổi) với nhiều quy định mới quan trọng.

ĐBQH bấm nút biểu quyết thông qua luật

Luật có 9 chương, 78 điều, có hiệu lực thi hành từ ngày 1/7/2018, quy định trách nhiệm bồi thường của Nhà nước đối với cá nhân, tổ chức bị thiệt hại do người thi hành công vụ gây ra trong hoạt động quản lý hành chính, tố tụng và thi hành án; thiệt hại được bồi thường; quyền, nghĩa vụ của cá nhân, tổ chức bị thiệt hại; cơ quan giải quyết bồi thường; thủ tục giải quyết yêu cầu bồi thường; phục hồi danh dự; kinh phí bồi thường; trách nhiệm hoàn trả; trách nhiệm của các cơ quan Nhà nước trong công tác bồi thường Nhà nước.

Được tạm ứng kinh phí bồi thường

Trường hợp người yêu cầu bồi thường không xuất trình được hóa đơn, chứng từ hợp pháp đối với một số chi phí được bồi thường để tạo thuận lợi cho người yêu cầu bồi thường, giải quyết những vướng mắc phát sinh từ thực tiễn công tác giải quyết bồi thường.

Cụ thể, như chi phí thuê phòng nghỉ, chi phí đi lại, in ấn tài liệu, gửi đơn thư trong quá trình khiếu nại, tố cáo; chi phí thuê người bào chữa, người bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của đương sự trong quá trình tố tụng.

Trường hợp người yêu cầu bồi thường không xuất trình được hóa đơn, chứng từ hợp pháp đối với các chi phí quy định thì chi phí được bồi thường không quá 6 tháng lương cơ sở tại thời điểm quy định tại khoản 2 Điều 22 của Luật này cho 1 năm tính từ thời điểm bắt đầu khiếu nại hoặc tố cáo hoặc tham gia tố tụng cho đến ngày có văn bản làm căn cứ yêu cầu bồi thường.

Chi phí gửi đơn thư đến cơ quan Nhà nước, người có thẩm quyền giải quyết được tính theo biên lai cước phí bưu chính.

Trường hợp người yêu cầu bồi thường không xuất trình được biên lai cước phí thì chi phí được bồi thường không quá 1 tháng lương cơ sở tại thời điểm quy định tại khoản 2 Điều 22 của Luật này cho 1 năm tính từ thời điểm bắt đầu khiếu nại hoặc tố cáo hoặc tham gia tố tụng cho đến ngày có văn bản làm căn cứ yêu cầu bồi thường.

Một điểm mới nữa là quy định tạm ứng kinh phí bồi thường. Ngay sau khi thụ lý hồ sơ yêu cầu bồi thường, người giải quyết bồi thường có trách nhiệm xác định giá trị các thiệt hại theo quy định và đề xuất thủ trưởng cơ quan giải quyết bồi thường việc tạm ứng kinh phí bồi thường và mức tạm ứng cho người yêu cầu bồi thường.

Trong thời hạn 5 ngày làm việc kể từ ngày nhận được đề xuất, nếu còn dự toán quản lý hành chính được cấp có thẩm quyền giao, cơ quan giải quyết bồi thường phải hoàn thành việc tạm ứng kinh phí và chi trả cho người yêu cầu bồi thường. Trên cơ sở kinh phí đã tạm ứng để chi trả cho người yêu cầu bồi thường, cơ quan giải quyết bồi thường đề nghị cơ quan tài chính có thẩm quyền cấp bổ sung kinh phí đã tạm ứng cho người yêu cầu bồi thường.

Người bị oan chết, người thân mới được bồi thường

Trước khi các ĐBQH bấm nút thông qua Dự thảo Luật này, Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật của Quốc hội Nguyễn Khắc Định, cho biết, tại kỳ họp thứ 3, khi tham gia ý kiến xây dựng Luật, có ý kiến ĐBQH đề nghị, đối với thiệt hại về tinh thần, thì Nhà nước bồi thường, đồng thời tiến hành cải chính, xin lỗi công khai người bị oan mà không cần có yêu cầu của họ.

Tiếp thu ý kiến ĐBQH, để thể hiện trách nhiệm của Nhà nước đối với hành vi trái pháp luật của người thi hành công vụ ảnh hưởng trực tiếp đến danh dự, uy tín, nhân phẩm của người bị oan, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã chỉ đạo các cơ quan bổ sung quy định: Khi thụ lý hồ sơ, trường hợp trong văn bản yêu cầu bồi thường không có yêu cầu phục hồi danh dự thì cơ quan giải quyết bồi thường có trách nhiệm làm rõ người bị thiệt hại có yêu cầu phục hồi danh dự hay không tại điểm a khoản 2 Điều 42 của Dự thảo Luật.

Về bồi thường thiệt hại về tinh thần đối với người thân thích của người bị oan trong hoạt động tố tụng hình sự, Luật đã thông qua quy định việc bồi thường thiệt hại về tinh thần chỉ trong trường hợp người bị thiệt hại đã chết.

Theo Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật của Quốc hội Nguyễn Khắc Định, quy định như vậy là kế thừa quy định của Luật hiện hành, đồng thời phù hợp với quy định tại Điều 591 Bộ luật Dân sự, bảo đảm tính khả thi, phù hợp với điều kiện kinh tế - xã hội và khả năng chi trả của ngân sách Nhà nước. Hơn nữa, bồi thường thiệt hại về bản chất là bồi thường trực tiếp cho người bị thiệt hại, nhưng trong trường hợp người đó đã chết thì người thừa kế được hưởng.

“Nếu quy định bồi thường thiệt hại về tinh thần đối với người thân thích của người bị thiệt hại trong trường hợp người đó còn sống thì không hợp lý và dễ phát sinh phức tạp trong quá trình thực hiện. Mặt khác, vấn đề này chưa được tổng kết, đánh giá tác động và nghiên cứu kỹ các nội dung liên quan”, Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật của Quốc hội Nguyễn Khắc Định nhấn mạnh.

Thảo Nguyên

Nguồn Thanh Tra: http://thanhtra.com.vn/chinh-tri/doi-noi/thieu-hoa-don-chung-tu-nguoi-bi-oan-sai-van-duoc-boi-thuong_t114c67n120566