Thiếu đơn hàng xuất khẩu, doanh nghiệp tìm đường quay về 'sân nhà'

Xuất khẩu gặp khó do đơn hàng sụt giảm mạnh, nhiều doanh nghiệp đã tìm về thị trường nội địa. Song, đường về 'sân nhà' với gần 100 triệu dân cũng không dễ dàng.

Khó bán tại nội địa

Nửa đầu năm, kim ngạch xuất khẩu cá tra giảm sút nên nhiều doanh nghiệp quay về thị trường nội địa khai thác. Tuy nhiên, theo ông Trương Đình Hòe - Tổng thư ký Hiệp hội Chế biến và Xuất khẩu thủy sản Việt Nam (VASEP), việc tiêu thụ mặt hàng này không tăng trưởng như mong muốn. “Vừa qua, Công ty Cổ phần Nam Việt ký kết hợp đồng tiêu thụ 300 tấn cá tra trong 3 tháng với hệ thống bán lẻ Bách Hóa Xanh và chỉ chiếm 1,7% sản lượng cá tra phi lê của doanh nghiệp này trong 1 quý”, ông Trương Đình Hòe nêu ví dụ.

Tương tự, Giám đốc Công ty TNHH Liên Kết Thương Mại Toàn Cầu, Nguyễn Ngọc Luận cho hay, dù cà phê Meet More đã chinh phục được hơn 15 thị trường có yêu cầu cao về chất lượng như Mỹ, châu Âu… nhưng cũng không thuyết phục được các chủ cửa hàng và chuỗi siêu thị lớn trong nước bày bán vì sản phẩm còn mới với người tiêu dùng trong nước.

Theo ông Luận, một trong những khó khăn của những doanh nghiệp tìm về "sân nhà" là phải tổ chức bộ máy phân phối rộng khắp, phải đối mặt với bài toán chi phí cho việc phân phối hàng hóa, cho quảng bá, hậu mãi, khuyến mại… Và trên thực tế trong bối cảnh khó khăn toàn cầu hiện nay, sức mua trong nước cũng đang bị suy giảm mạnh. “Chúng tôi mong muốn nâng tỷ lệ hàng hóa bán trong nước từ 30% lên 50% nhưng điều này khó thực hiện vì sức mua của thị trường trong nước cũng giảm, chịu ảnh hưởng khó khăn chung của kinh tế thế giới”, ông Luận nói.

Thực tế, không chỉ mặt hàng nông thủy sản mới gặp khó trong quá trình khai thác thị trường nội địa, mà nhiều mặt hàng khác như đồ gỗ, da giày, thời trang cũng trong tình trạng tương tự. Ông Nguyễn Văn Khánh - Phó Chủ tịch Hiệp hội giày da TP. Hồ Chí Minh - thông tin, nhu cầu, thị hiếu giữa thị trường trong nước và xuất khẩu hoàn toàn khác nhau. Với thị trường xuất khẩu, doanh nghiệp chỉ cần có vài hợp đồng là đủ để sản xuất cả năm, lại không phải lo khâu thiết kế, mẫu mã.

Doanh nghiệp cá tra khó bán tại thị trường nội địa

Còn ở thị trường nội địa lại không có quy chuẩn thiết kế, mạng lưới phân phối của doanh nghiệp cũng chưa có nên việc sản xuất, tiêu thụ không dễ. Thêm vào đó, nhiều nguyên phụ liệu sản xuất da giày đều được nhập khẩu từ Trung Quốc, khiến doanh nghiệp Việt mất lợi thế ngay trên sân nhà.

Theo ông Phạm Văn Việt - Chủ tịch HĐQT Công ty TNHH Việt Thắng Jean (VITAJEANS), để mở một cửa hàng quần áo, doanh nghiệp phải mất 3-5 năm mới có thể hoàn vốn mà không phải đơn vị thuần sản xuất nào cũng “đủ lực” đi được đường dài.

Đó là chưa kể nếu doanh nghiệp không nghiên cứu kỹ thị trường, xu hướng tiêu dùng mà chỉ lấy mẫu mã và nguyên liệu sản xuất ở các thị trường xuất khẩu áp vào thị trường nội địa thì rất khó tồn tại. Bởi lẽ văn hóa, thị hiếu tiêu dùng của mỗi quốc gia, khu vực rất khác nhau. Tùy đặc điểm, văn hóa và khí hậu của quốc gia, vùng miền mà nhà sản xuất sử dụng nguyên vật liệu phù hợp.

Hướng đến phân khúc bình dân

Mặc dù khó khăn, song nhiều doanh nghiệp khẳng định rằng thị trường nội địa tiềm năng sẽ là “bệ đỡ” giúp họ phát triển ổn định trong những giai đoạn khó khăn.

Bà Lê Hải Liễu - Chủ tịch Hội đồng quản trị Công ty gỗ Đức Thành - chia sẻ, khi mới bắt đầu kinh doanh tại nội địa, đơn vị cũng gặp rất nhiều khó khăn. Tuy nhiên, nhờ sự linh hoạt, đa dạng về mẫu mã chủng loại, hàng loạt sản phẩm của công ty len lỏi hầu hết hệ thống siêu thị trên toàn quốc, và được người tiêu dùng chấp nhận.

Trong giai đoạn xuất khẩu gặp khó khăn thì thị trường nội địa cũng hỗ trợ doanh nghiệp bù đắp doanh thu. Nếu như những năm trước, tỷ trọng xuất khẩu của Gỗ Đức Thành thường chiếm khoảng 85-86%, thậm chí có lúc 88% so với tổng doanh thu tại công ty, thì bây giờ doanh nghiệp đặt ra mục tiêu là năm tới, tỷ trọng nội địa sẽ tăng lên 20%.

Để tạo điều kiện giúp doanh nghiệp nội tiếp cận thị trường tốt hơn, ông Trần Quốc Mạnh - Chủ tịch HĐQT Công ty Phát triển sản xuất thương mại Sài Gòn (SADACO) cho rằng, về cơ bản thị trường gỗ nội địa vẫn đang phát triển theo hướng tự phát, manh mún, chưa có chuẩn. Do đó phải có đầu tư, nghiên cứu tổ chức lại chuỗi cung ứng ở nội địa theo hướng chuyên nghiệp hơn. Đặc biệt, phải có chương trình xúc tiến thương mại riêng tại nội địa cho doanh nghiệp gỗ, thay vì xúc tiến chung với các ngành khác.

“Việc tạo một sân chơi riêng cho doanh nghiệp gỗ tiếp cận thị trường nội địa thông qua các hoạt động hội chợ, triển lãm chuyên ngành cũng như các chương trình kết nối khác là cần thiết, để từ đó doanh nghiệp thuận lợi hơn trong hành trình chinh phục thị trường nội”, ông Trần Quốc Mạnh nêu quan điểm.

Với lĩnh vực thủy sản, bà Lê Hằng, Giám đốc truyền thông VASEP cho rằng để tận dụng cơ hội tại thị trường nội địa, các doanh nghiệp phải chủ động điều chỉnh cơ cấu sản phẩm phù hợp hơn vì mỗi thị trường đều có đặc thù khác nhau, tìm hiểu kỹ về thói quen tiêu dùng của từng vùng miền để có sản phẩm tương ứng.

Hiến kế giúp doanh nghiệp tiếp cận thị trường nội địa, TS Lê Đăng Doanh - nguyên Viện trưởng Viện Nghiên cứu Quản lý kinh tế trung ương - cho rằng, trong giai đoạn này, doanh nghiệp nên nhắm vào các phân khúc bình dân, giá vừa phải. Đồng thời đưa ra các hình thức khuyến mãi để marketing lại cho sản phẩm từ đó đẩy giá trị hàng Việt lên tâm cao mới.

“Để dành được nhiều hơn nữa thiện cảm cũng như là mối quan tâm của người tiêu dùng trong nước, doanh nghiệp phải cải thiện chất lượng sản phẩm dành cho thị trường nội địa ngang bằng với chất lượng sản phẩm xuất khẩu. Đồng thời đẩy mạnh truyền thông qua đó hướng người tiêu dùng hình thành thói quen tiêu dùng mới”, vị chuyên gia này khuyến nghị.

Hà Linh

Nguồn Công Thương: https://congthuong.vn/thieu-don-hang-xuat-khau-doanh-nghiep-tim-duong-quay-ve-san-nha-266989.html