Thích ứng và thay đổi để phát triển bền vững

Mặc dù, Đồng Nai không thuộc các tỉnh chịu ảnh hưởng nặng nề bởi biến đổi khí hậu, song theo đánh giá của các cơ quan chuyên môn, dưới tác động của biến đổi khí hậu đã làm ảnh hưởng đến quá trình phát triển kinh tế - xã hội, trong đó có nền nông nghiệp. Điều này đặt ra yêu cầu cho ngành nông nghiệp phải thích ứng và thay đổi để có thể phát triển bền vững trước thách thức từ biến đổi khí hậu ngày càng khắc nghiệt và cực đoan.

Chuyển đổi cơ cấu cây trồng thích ứng biến đổi khí hậu
Sử dụng chế phẩm sinh học an toàn phục vụ phát triển nông nghiệp

Sự thay đổi lượng mưa ảnh hưởng trực tiếp đến sản xuất nông nghiệp

Thực tế cho thấy, tổng lượng mưa hàng năm của tỉnh có xu hướng tăng. Khu vực phía bắc của tỉnh bao gồm phần lớn các huyện Tân Phú, Định Quán và Vĩnh Cửu thường có cường độ mưa hàng năm cao nhất tỉnh. Khu vực phía nam và đông nam (chủ yếu là huyện Cẩm Mỹ) thường ghi nhận có tổng lượng mưa hàng năm thấp nhất. Sự tăng, giảm của nhiệt độ và lượng mưa ở các khu vực đã gây ra các hiện tượng như sạt lở đất, hạn hán, xâm nhập mặn, ảnh hưởng đến nguồn nước ngầm…

Mưa lớn khiến cho nhiều diện tích lúa của nông dân bị ngã đổ. Nguồn: ITN

Trưởng phòng Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn (NN-PTNT) huyện Tân Phú Nguyễn Nhật Hồng nhận định, biến đổi khí hậu đang tác động trực tiếp đến sản xuất nông nghiệp và đời sống của người dân. Sự gia tăng lượng mưa hằng năm là nguyên nhân dẫn đến tình trạng sạt lở bờ sông, xói mòn đất đồi, làm ảnh hưởng đến đời sống, việc đi lại của người dân. Ngoài ra, chu kỳ mùa mưa đến sớm và kết thúc muộn cũng ảnh hưởng đến sản xuất nông nghiệp, đặc biệt là các loại cây trồng theo mùa vụ.

Ngược lại, tại huyện Cẩm Mỹ, sự thay đổi giảm lượng mưa khiến nhiều khu vực bị suy giảm nguồn nước ngầm nghiêm trọng. Trưởng phòng Kinh tế - Hạ tầng huyện Chế Văn Thành cho biết, một số khu vực thuộc thị trấn Long Giao, các xã Xuân Đông, Xuân Tây không thể khai thác nước phục vụ cho sản xuất nông nghiệp và sinh hoạt. Một số khu vực khác người dân phải chuyển đổi cơ cấu cây trồng để thích ứng với nguồn nước. Lượng mưa ít khiến nhiều hồ chứa thủy lợi bị cạn vào mùa khô, ảnh hưởng đến hoạt động khai thác nước mặt phục vụ mục đích sinh hoạt về lâu dài.

Đồng bộ giải pháp về sử dụng nước tưới, che phủ đất

Nhằm ứng phó với biến đổi khí hậu, năm 2017, UBND tỉnh đã ban hành Quyết định số 1257/QĐ-UBND về việc phê duyệt Kế hoạch hành động ứng phó với biến đổi khí hậu trên địa bàn tỉnh Đồng Nai đến năm 2020. Kế hoạch ưu tiên 64 dự án liên quan đến công tác chống ngập, thoát nước, xây dựng và gia cố hồ đập thủy lợi, xây dựng ngăn mặn với tổng vốn đầu tư hơn 2,9 nghìn tỷ đồng. Phần lớn các dự án đã đưa vào sử dụng góp phần làm giảm tác động của mưa, nắng, xâm nhập mặn đến phát triển kinh tế - xã hội và môi trường sinh thái của tỉnh.

Được biết, Đồng Nai là một trong những tỉnh đầu tiên trong cả nước đã lập quy hoạch tài nguyên nước đến năm 2020 với đầy đủ các nội dung quy hoạch phân bổ, bảo vệ và phòng chống tác hại theo quy định. Kết quả lập quy hoạch đã phân bổ tài nguyên nước mặt, nước dưới đất phục vụ 100% nhu cầu nước sinh hoạt, nước sản xuất và bảo đảm dòng chảy môi trường, phòng chống ô nhiễm, xâm ngập mặn và khả năng khai thác bền vững nước dưới đất tại 12 tiểu lưu vực với trữ lượng 5,04 triệu m3/ngày. Việc lập quy hoạch tài nguyên nước, đã góp phần quản lý chặt chẽ nguồn tài nguyên nước mặt cũng như nước dưới đất, sử dụng tiết kiệm hiệu quả.

Năm 2021, UBND tỉnh ban hành Quyết định số 2728/QĐ-UBND về Kế hoạch hành động ứng phó với biến đổi khí hậu tỉnh Đồng Nai, giai đoạn 2021 - 2030, tầm nhìn 2050. Để tiếp tục phát huy các kết quả đạt được của Kế hoạch hành động ứng phó với biến đổi khí hậu của tỉnh ở giai đoạn trước, xây dựng và cập nhật kế hoạch hành động thích ứng, ứng phó biến đổi khí hậu phù hợp với điều kiện của tỉnh trong tình hình hiện nay, việc xây dựng và ban hành kế hoạch hành động ứng phó với biến đổi khí hậu giai đoạn 2021 - 2030, tầm nhìn đến 2050 là rất cần thiết.

Sở NN-PTNT tỉnh cho biết, sản xuất nông nghiệp phải thực hiện đồng bộ các giải pháp về sử dụng nước tưới, phân bón, che phủ đất, hạn chế dòng chảy, quản lý dịch hại và ứng dụng công nghệ cao. Trong đó, công tác tuyên truyền nhằm nâng cao nhận thức, trách nhiệm bảo vệ môi trường nông thôn, sử dụng tiết kiệm tài nguyên cần được chú trọng.

Xuất phát từ thực tế trên, tỉnh đã triển khai hàng loạt dự án điều tra, khảo sát, nghiên cứu đánh giá cơ bản về tiềm năng nguồn nước, hiện trạng và khả năng khai thác sử dụng tài nguyên nước phục vụ các mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội như dự án điều tra, đánh giá sơ bộ tài nguyên nước dưới đất trên địa bàn tỉnh. Điều tra, đánh giá tài nguyên nước mặt. Điều tra, đánh giá xác định vùng cấm, vùng hạn chế khai thác nước dưới đất, khu vực phải đăng ký khai thác nước dưới đất, lập danh mục khu vực phải đăng ký khai thác nước dưới đất…

Có thể thấy, phần lớn các dự án trên đã được triển khai và hoàn thành. Căn cứ vào các kết quả này, tỉnh Đồng Nai đã đưa ra các định hướng trong việc hạn chế cấp phép khai thác nước dưới đất, bố trí và quy hoạch mạng lưới cấp nước nhằm đảm bảo cung cấp đủ nước sạch nhưng vẫn không làm cạn kiệt nguồn nước ngầm.

Thảo Anh

Nguồn Đại Biểu Nhân Dân: https://daibieunhandan.vn/tren-duong-phat-trien-1/thich-ung-va-thay-doi-de-phat-trien-ben-vung-i300490/