Thích ứng an toàn, linh hoạt, kiểm soát hiệu quả dịch Covid-19 là phù hợp với xu hướng

Tại tọa đàm 'Nhìn lại 2021 - Những chuyển hướng chiến lược' do Cổng thông tin điện tử Chính phủ tổ chức chiều 4-1-2022, các khách mời là nhà quản lý, chuyên gia trong các lĩnh vực y tế, kinh tế, ngoại giao, quốc phòng, an ninh đã phân tích, đánh giá về những chính sách mang tính chuyển hướng chiến lược trong phòng, chống dịch Covid-19, các dấu ấn trong chỉ đạo, điều hành của Chính phủ trong năm qua.

Tọa đàm "Nhìn lại năm 2021: Những chuyển hướng chiến lược". Ảnh VGP/Nhật Bắc

Tọa đàm "Nhìn lại năm 2021: Những chuyển hướng chiến lược". Ảnh VGP/Nhật Bắc

Các đánh giá cho thấy, năm 2021, đại dịch Covid-19 tiếp tục hoành hành, nhất là đợt dịch lần thứ tư bùng phát từ cuối tháng 4-2021 tại Việt Nam với biến chủng Delta có tốc độ lây lan nhanh, nguy hiểm, buộc chúng ta phải áp dụng nhiều biện pháp phòng, chống dịch chưa từng có tiền lệ để bảo vệ tính mạng và sức khỏe của nhân dân.

Do nhiều địa phương trọng điểm phải giãn cách xã hội, nền kinh tế bị “ngấm đòn Covid-19”, tổng sản phẩm trong nước (GDP) năm 2021 chỉ đạt 2,58%, mức tăng thấp nhất trong thập kỷ qua.

Với quan điểm nhất quán là đặt sức khỏe và tính mạng của nhân dân lên trên hết, trước hết, Chính phủ đã ban hành một loạt quyết sách chuyển hướng chiến lược phòng, chống dịch như: Chiến lược vắc xin; tiếp cận toàn dân, lấy xã, phường làm pháo đài; điều động lực lượng quân đội, công an vào hỗ trợ các tỉnh phía Nam; từ chính sách “không Covid-19” chuyển sang thích ứng an toàn, linh hoạt và kiểm soát hiệu quả dịch.

Thứ trưởng Bộ Y tế Đỗ Xuân Tuyên nhận định, trong năm 2021-2022, chúng ta chưa thể kiểm soát được hết tình hình, dịch vẫn có nguy cơ bùng phát. Nhưng chúng ta đã bao phủ vắc xin đạt tỷ lệ mũi 1 cho người trưởng thành trên 99%, mũi 2 cho người trưởng thành trên 90%. Như vậy, độ bao phủ vắc xin của chúng ta bảo đảm đạt miễn dịch cộng đồng.

“Tôi cho rằng, thời điểm Thủ tướng Chính phủ quyết định chuyển hướng từ "Zero Covid" sang thích ứng an toàn, linh hoạt là đúng với tình hình phòng, chống dịch của chúng ta. Đến nay, chiến lược này là phù hợp và đang mang lại hiệu quả cho cả hai lĩnh vực vừa phòng, chống dịch, vừa phát triển kinh tế - xã hội”, ông Đỗ Xuân Tuyên nói.

Ở góc nhìn khác, Thứ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Trần Quốc Phương cho rằng, Nghị quyết số 128/NQ-CP ngày 11-10-2021 của Chính phủ quy định tạm thời “Thích ứng an toàn, linh hoạt, kiểm soát hiệu quả dịch Covid-19” đánh dấu chuyển trạng thái của Việt Nam rất phù hợp với xu hướng ngày càng phổ biến trên thế giới.

Thời gian tới, các cấp ủy Đảng, chính quyền địa phương phải nhất quán với quan điểm chỉ đạo của Trung ương, của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ. Đó là thực hiện đồng bộ các giải pháp trong Nghị quyết số 128/NQ-CP. Các tỉnh chủ động đánh giá nguy cơ mức độ dịch để triển khai các giải pháp phù hợp, hiệu quả với từng địa phương, từng cá nhân.

Các tổ chức, doanh nghiệp, cơ quan cũng phải xây dựng các phương án phòng, chống dịch từng cấp độ, phối hợp chặt chẽ với chính quyền địa phương đưa ra các giải pháp bảo đảm đồng bộ, vừa sản xuất, kinh doanh và phòng, chống dịch.

Bước 1: Truy cập vào trang https://pccovid.gov.vn/ hoặc tải trực tiếp từ App Store hay CH Play.

Bước 2: Sau khi tải về ứng dụng sẽ yêu cầu nhập số điện thoại để nhận mã OTP kích hoạt. Nếu chưa mở Bluetooth, hãy kéo thanh thông báo trạng thái và bật Bluetooth; hoặc vào Cài đặt, chọn Bluetooth và bật lên.

Bước 3: Sau khi cài đặt xong, bấm Quét xung quanh. Nếu có người ở gần bạn dưới 2 mét đã sử dụng PC-Covid, ứng dụng sẽ tự động nhận diện những người dùng này và xếp vào danh sách đã tiếp xúc. Khai báo y tế khi có các dấu hiệu như ho, sốt, mất vị giác… hoặc có liên quan, tiếp xúc người nghi nhiễm Covid-19. Luôn luôn quét mã QR nơi bạn đến.

Hà Phong

Nguồn Hà Nội Mới: http://hanoimoi.com.vn/tin-tuc/xa-hoi/1021698/thich-ung-an-toan-linh-hoat-kiem-soat-hieu-qua-dich-covid-19-la-phu-hop-voi-xu-huong