Thị xã Quảng Trị-Di sản truyền thống và khát vọng phát triển

(QT) - Tháng Hai năm Kỷ Tỵ - 1809, vua Gia Long cho dời dinh lị Quảng Trị ở làng Tiền Kiên, huyện Đăng Xương tới làng Thạch Hãn, huyện Hải Lăng - vị trí của thị xã Quảng Trị ngày nay - và đặt làm trung tâm chính trị hành chính tỉnh Quảng Trị. Sự kiện 1809 được ghi vào sử sách là thời điểm chính thức hình thành lị sở Quảng Trị, mở đầu cho sự phát triển của thị xã Quảng Trị. Đến năm 1906, Toàn quyền Pháp ở Đông Dương ra Nghị định thành lập thị xã Quảng Trị và tiếp tục đặt làm lị sở Quảng Trị. Vùng đất này tiếp tục là tỉnh lị của tỉnh Quảng Trị cho đến ngày miền Nam hoàn toàn giải phóng.

210 năm qua, các thế hệ người dân thị xã đã đóng góp công sức, trí tuệ để xây dựng, bảo vệ quê hương, làm nên các giá trị vật chất, tinh thần đáng tự hào, tạo nền tảng để thị xã Quảng Trị vững bước tiến vào tương lai. Trong sự nghiệp đấu tranh giải phóng dân tộc, Đảng bộ, nhân dân và lực lượng vũ trang thị xã Quảng Trị đã phát huy chủ nghĩa anh hùng cách mạng, vượt qua mọi thử thách, cùng với quân và dân cả nước đóng góp xứng đáng vào sự nghiệp đấu tranh giành độc lập. Trong đó, chiến công bảo vệ Thành Cổ 81 ngày đêm năm 1972 đã ghi vào lịch sử dân tộc trang vàng chói lọi, tạc nên tượng đài chiến thắng, trở thành biểu tượng của chủ nghĩa anh hùng cách mạng thời đại Hồ Chí Minh.

Hòa bình lập lại, thị xã Quảng Trị lần lượt trở thành huyện lị của huyện Triệu Phong, một phần của huyện Hải Lăng và sau này là huyện Triệu Hải, tỉnh Bình Trị Thiên. Ngày 16/9/1989, thị xã Quảng Trị được thành lập lại theo Quyết định của Hội đồng Bộ trưởng. Ngày 19/3/2008, thị xã Quảng Trị được mở rộng địa giới hành chính theo Nghị định số 31/2008/NĐ-CP của Chính phủ. Đây là những dấu mốc quan trọng, mở ra thời cơ và vận hội mới để thị xã vững bước đi lên.

Trải qua 30 năm xây dựng và phát triển, phát huy mạch nguồn truyền thống lịch sử văn hóa và cách mạng, kế thừa thành quả quan trọng của huyện Triệu Hải, được sự lãnh đạo, chỉ đạo, giúp đỡ của Trung ương, của tỉnh, các tổ chức, doanh nghiệp, sự giúp đỡ của các địa phương bạn, Đảng bộ, Nhân dân, lực lượng vũ trang thị xã Quảng Trị đã nỗ lực phấn đấu không ngừng, đạt được những thành tựu quan trọng, khá toàn diện.

Kinh tế tăng trưởng khá và chuyển dịch theo hướng tích cực. Thương mại dịch vụ chiếm 50%, công nghiệp xây dựng chiếm 44% và nông nghiệp chiếm 6% trong cơ cấu kinh tế. So với năm 1990, tổng giá trị hàng hóa bán lẻ tăng từ 6 tỉ lên 1980 tỉ đồng; giá trị sản xuất công nghiệp - xây dựng tăng từ 3,4 tỉ lên 465 tỉ đồng. Thu ngân sách trên địa bàn tăng từ 0,495 tỉ lên gần 120 tỉ đồng năm 2018.

Thương mại, dịch vụ, du lịch ngày càng phát triển, giữ vai trò chủ đạo trong cơ cấu kinh tế, đóng góp phần lớn ngân sách địa phương và giải quyết việc làm cho người lao động. Số cơ sở thương mại, dịch vụ tăng nhanh và vươn dài trên các tuyến phố, địa bàn dân cư. Chợ thị xã tiếp tục là trung tâm bán buôn, bán lẻ của khu vực phía nam tỉnh. Hàng hóa phong phú, đa dạng đáp ứng nhu cầu tiêu dùng của nhân dân. Tổng giá trị ngành Thương mại- Dịch vụ - Du lịch tăng 330 lần so với năm 1990.

Cầu Thành Cổ nối đôi bờ sông Thạch Hãn. Ảnh: Trần Tuyền

Những ngày đầu mới lập lại, thị xã Quảng Trị chỉ có một số cơ sở sản xuất tiểu thủ công nghiệp, đến nay các ngành Công nghiệp chế biến nông sản, cơ khí, gia công kim loại, chế biến gỗ phát triển mạnh và chiếm tỉ trọng cao; công nghiệp sản xuất vật liệu xây dựng, khai thác cát sỏi phát triển đảm bảo quy hoạch; một số sản phẩm không chỉ cung ứng cho nhu cầu trên địa bàn mà còn được xuất khẩu. Các cụm công nghiệp Cầu Lòn, Bàu De, Hải Lệ được xây dựng và thu hút các dự án đầu tư. Chỉ số tăng trưởng ngành công nghiệp xây dựng tăng 16% năm. So với năm 1990, giá trị sản xuất công nghiệp xây dựng tăng 136 lần.

Sản xuất nông - lâm - thủy sản có sự chuyển biến rõ rệt, nhất là sau khi thị xã được mở rộng địa giới hành chính. Năng suất lúa bình quân tăng từ 34,5 tạ/ha/vụ lên 53 tạ/ha/ vụ, tổng sản lượng lương thực có hạt từ 617 tấn năm 1990 tăng lên 3.325 tấn năm 2018. Kinh tế rừng phát triển, mang lại nguồn thu nhập lớn cho nhân dân. Giá trị sản xuất nông nghiệp tăng bình quân 4,5% năm. Xây dựng nông thôn mới đã đạt được một số kết quả đáng khích lệ, bộ mặt nông thôn đổi mới.

Quy mô diện tích tự nhiên tăng gấp 11 lần so với thị xã trước khi được mở rộng năm 2008. Quy hoạch, xây dựng, quản lí và phát triển đô thị, bảo vệ môi trường được chú trọng. Từ một thị xã hoang tàn đổ nát, đến nay hạ tầng kĩ thuật, xã hội từng bước được đầu tư, cơ bản đáp ứng yêu cầu của quá trình đô thị hóa, bộ mặt đô thị được cải thiện rõ nét. Hệ thống giao thông đô thị được nâng cấp, xây dựng mới với hàng chục kilomet đường được mở rộng, thảm nhựa hoặc bê tông hóa. Giao thông đối ngoại được tăng cường, mở ra hướng phát triển mới cho thị xã. Những cây cầu bắc qua sông Thạch Hãn linh thiêng và huyền thoại không chỉ “nối nhịp bờ vui” mà còn là chứng nhân của sự phát triển. Một số điểm nhấn kiến trúc và các khu đô thị, khu dân cư mới được hình thành, góp phần thu hút cư dân và phát triển không gian đô thị. Nhiều công sở, trường học, cơ sở y tế, thương mại dịch vụ, thiết chế văn hóa thể thao, nhà ở của nhân dân được sửa chữa, xây mới khang trang. Hệ thống điện sinh hoạt, điện chiếu sáng phủ khá đều khắp, điện trang trí đường phố đang được đầu tư, nhiều tuyến phố được chỉnh trang. Các di tích lịch sử - văn hóa được trùng tu nâng cấp, hệ thống các công trình tưởng niệm được xây dựng, vừa đáp ứng yêu cầu tri ân của nhân dân, vừa kết nối phát triển du lịch và đưa thị xã trở thành điểm hẹn tâm linh của đồng bào, chiến sĩ cả nước trong hành trình hoài niệm chiến trường xưa và đồng đội…

Văn hóa xã hội có nhiều tiến bộ, an sinh xã hội được đảm bảo, đời sống vật chất và tinh thần của nhân dân được nâng lên. Các giá trị văn hóa truyền thống được khơi dậy và phát huy, các giá trị mới về văn hóa con người của thời kì hội nhập dần hình thành và từng bước khẳng định. Lễ hội hoa đăng tri ân các anh hùng liệt sĩ trên sông Thạch Hãn trở thành nét văn hóa riêng có của thị xã. Đến nay, 94,86% gia đình, 96,66% cơ quan đơn vị và 100% khu phố, thôn được công nhận danh hiệu văn hóa; thị xã Quảng Trị là đơn vị đầu tiên trong tỉnh được công nhận điển hình văn hóa. Giáo dục và đào tạo phát triển toàn diện, chất lượng một số mặt cao hơn so với mặt bằng chung của toàn tỉnh. Cơ sở vật chất trường lớp học được đầu tư đồng bộ. Từ thành tích đạt chuẩn Quốc gia về xóa mù chữ, phổ cập giáo dục tiểu học năm 1991 và phổ cập THCS năm 1998, đến nay 5/5 phường, xã đã hoàn thành phổ cập bậc trung học; 12/13 trường đạt tiêu chuẩn chất lượng giáo dục và chuẩn quốc gia; việc kiện toàn, sắp xếp, nâng cao chất lượng đội ngũ, chất lượng giáo dục được chăm lo; thị xã Quảng Trị có học sinh đạt giải ba hội thi sáng tạo trẻ quốc tế, đạt quán quân, á quân cuộc thi đường lên đỉnh Olympia. Cơ sở vật chất thiết bị y tế từng bước được đầu tư đồng bộ và hiện đại; đội ngũ y, bác sỹ đáp ứng yêu cầu khám chữa bệnh, chất lượng chăm sóc sức khỏe cho nhân dân được nâng lên; 5/5 phường, xã đạt chuẩn quốc gia về y tế. Lao động, việc làm, chăm lo các đối tượng chính sách và đảm bảo an sinh xã hội được chú trọng. Phong trào đền ơn đáp nghĩa được toàn dân hưởng ứng tích cực. Công tác tìm kiếm, quy tập hài cốt liệt sĩ thực hiện tốt; công tác giảm nghèo bền vững triển khai quyết liệt. Tỉ lệ hộ nghèo giảm từ 17,5% năm 1990 xuống 8,24% năm 2008 và còn 2,57% năm 2018.

Thành Cổ Quảng Trị. Ảnh: Hồ Thanh Thoan

Công tác xây dựng Đảng, xây dựng hệ thống chính trị được đẩy mạnh. Hiệu lực, hiệu quả quản lí của chính quyền các cấp được nâng lên. Thị xã luôn khuyến khích đổi mới và sáng tạo; tăng cường đoàn kết, thống nhất; dân chủ trong bàn bạc và quyết định; kỉ cương và trách nhiệm trong tổ chức thực hiện; kiên quyết, kiên trì thực hiện tinh gọn bộ máy, cải cách hành chính, cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh, khởi nghiệp, xây dựng chính quyền kiến tạo - hành động - chuyên nghiệp, phục vụ tổ chức và công dân. Dân chủ xã hội được phát huy, khối đại đoàn kết toàn dân được tăng cường, niềm tin của nhân dân vào đảng bộ và chính quyền ngày càng được nâng cao. Quốc phòng an ninh và trật tự an toàn xã hội được giữ vững.

Ghi nhận những thành tựu đạt được trong 30 năm, cũng như trong sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc, thị xã Quảng Trị vinh dự được Đảng, Nhà nước tặng danh hiệu Anh hùng Lực lượng vũ trang nhân dân năm 2005, Huân chương lao động hạng Nhì năm 2009. Nhân dịp kỉ niệm 210 năm lị sở Quảng Trị và 30 năm lập lại thị xã, ngày 12/8/2019, Chủ tịch nước CHXHCN Việt Nam đã ban hành quyết định tặng thưởng Huân chương lao động hạng Nhất cho Đảng bộ, chính quyền và nhân dân thị xã Quảng Trị. Đây là nguồn cổ vũ, động viên to lớn để cán bộ và nhân dân thị xã tiếp tục phát huy mạch nguồn truyền thống, phấn đấu vươn lên, đạt được nhiều thành tích cao hơn nữa trong chặng đường sắp tới.

Tự hào với những kết quả đạt được, nhưng nghiêm túc nhìn lại, thị xã Quảng Trị cũng còn những hạn chế, tồn tại. Kinh tế phát triển chưa tương xứng với tiềm năng, lợi thế; vai trò trung tâm, động lực, sức lan tỏa đối với khu vực phía Nam của tỉnh chưa được phát huy rõ nét; hướng phát triển các ngành kinh tế chủ lực và sản phẩm chủ yếu chưa rõ, quy mô nhỏ; dịch vụ du lịch phát triển chưa tương xứng với tiềm năng; quy hoạch, quản lí đô thị, đất đai còn bất cập; nguồn lực xây dựng cơ sở hạ tầng đô thị và nông thôn mới còn hạn hẹp; văn minh đô thị chuyển biến chậm, tội phạm và tệ nạn xã hội vẫn còn diễn biến phức tạp.

Để tiếp tục xây dựng thị xã ngày càng phát triển, trong thời gian tới Đảng bộ, chính quyền và nhân dân thị xã phấn đấu thực hiện tốt các nhiệm vụ sau đây:

Thứ nhất, tập trung thực hiện đồng bộ các giải pháp, giữ vững ổn định phát triển kinh tế, cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh, tạo đòn bẩy trong chuyển dịch cơ cấu kinh tế. Đẩy mạnh phát triển du lịch, đưa du lịch trở thành ngành kinh tế quan trọng. Xây dựng và tổ chức thực hiện Đề án phát triển các sản phẩm du lịch. Kêu gọi, thu hút các dự án đầu tư vào địa bàn trên cơ sở tiếp tục hoàn thiện đồng bộ hạ tầng cụm công nghiệp Hải Lệ và dành quỹ đất ở những vị trí sinh lợi cao cho thương mại dịch vụ. Tổ chức thực hiện có hiệu quả Đề án tái cơ cấu ngành Nông nghiệp thị xã gắn với phát triển nông nghiệp và xây dựng nông thôn mới.

Thứ hai, thực hiện tốt công tác quy hoạch theo định hướng lâu dài và nâng cao hiệu quả quản lí đô thị, tài nguyên, môi trường. Hoàn thành quy hoạch khu đô thị Võ Thị Sáu giai đoạn 3, đông Nguyễn Trãi và quy hoạch xây dựng thị xã Quảng Trị trở thành đô thị Hòa bình. Chú trọng phát triển không gian đô thị. Huy động mọi nguồn lực cho đầu tư phát triển, xây dựng hệ thống hạ tầng đảm bảo đồng bộ, có trọng điểm, từng bước hiện đại gắn với chỉnh trang đô thị, xây dựng thị xã Quảng Trị sáng - xanh - sạch - đẹp.

Thứ ba, chú trọng phát triển văn hóa, xã hội, nâng cao đời sống vật chất, tinh thần vàbảo vệ, chăm sóc sức khỏe cho nhân dân; thực hiện tốt công tác đền ơn đáp nghĩa, giảm nghèo, giải quyết việc làm và bảo đảm an sinh xã hội. Tạo chuyển biến thực chất trong xây dựng và phát triển văn hóa, con người thị xã. Tiếp tục duy trì, nâng cao chất lượng giáo dục, đào tạo. Thường xuyên đối thoại, tiếp công dân; kịp thời giải quyết đơn thư và những vấn đề bức xúc của nhân dân. Nâng cao hiệu quả phòng, chống tham nhũng, lãng phí. Vận động nhân dân thực hiện tốt xây dựng văn minh đô thị và nông thôn mới.

Thứ tư, khuyến khích sáng tạo và trọng dụng người hiền tài; tăng cường kỉ luật, kỉ cương hành chính; nâng cao ý thức, trách nhiệm và năng lực của cán bộ, công chức trong thực thi công vụ; xây dựng chính quyền kiến tạo - hành động - phục vụ, đôn đốc giải quyết kịp thời các yêu cầu, kiến nghị chính đáng của nhân dân và doanh nghiệp. Thực hiện cải cách hành chính, nhất là thủ tục hành chính với mục tiêu công khai - minh bạch - chất lượng - đúng hẹn. Tập trung khắc phục những hạn chế, yếu kém, nhất là trong khâu tổ chức thực hiện. Tăng cường kiểm tra, đôn đốc việc thực hiện các mục tiêu, nhiệm vụ, giải pháp đã đề ra trong Nghị quyết Đại hội Đảng bộ thị xã lần thứ VI và các kết luận, nghị quyết chuyên đề của Trung ương, Tỉnh ủy, Thị ủy.

Thứ năm, kết hợp chặt chẽ giữa phát triển kinh tế xã hội với củng cố quốc phòng an ninh. Đấu tranh, ngăn chặn có hiệu quả đối với các loại tội phạm, nhất là ma túy và tín dụng đen trên địa bàn.

30 năm được lập lại trong tiến trình lịch sử 210 năm đầy biến động thăng trầm, những giá trị văn hóa lịch sử hun đúc, hình thành tự bao đời đã được thăng hoa, tạo nên dấu ấn về một đô thị hồi sinh. Truyền thống ấy, thành quả ấy là di sản vô cùng quý giá, là niềm tự hào, nguồn cổ vũ động viên to lớn, là hành trang để Đảng bộ và nhân dân thị xã Quảng Trị tiếp tục vững bước trong hành trình đổi mới xây dựng và bảo vệ quê hương. Mang trong mình khát vọng phát triển, đảng bộ, chính quyền, nhân dân và lực lượng vũ trang thị xã vượt qua khó khăn thách thức, phát huy nội lực, tranh thủ sự quan tâm lãnh đạo, giúp đỡ của tỉnh, của trung ương, của bạn bè anh em trong và ngoài tỉnh quyết tâm xây dựng thị xã Quảng Trị văn minh, giàu đẹp, nghĩa tình, từng bước hiện đại, trở thành đô thị loại III vào năm 2025, đáp ứng lòng mong đợi của nhân dân, đồng bào và chiến sĩ cả nước.

Văn Ngọc Lãm

Chủ tịch UBND thị xã Quảng Trị

Nguồn Quảng Trị: http://www.baoquangtri.vn/default.aspx?tabid=71&modid=415&itemid=142273