Thi tuyển công chức tại Thái Bình: Cơ hội cho người thực tài

Dư luận thời gian qua xôn xao việc một số tỉnh "nói không” với bằng đại học tại chức trong thi tuyển công chức. Vậy nhưng Thái Bình lại "mở cửa” với tất cả các loại văn bằng, mà chất lượng đầu vào lại rất cao. Điều đó thể hiện ở cuộc thi tuyển công chức của tỉnh Thái Bình vừa qua diễn ra một cách nghiêm túc, rất nhiều con em nông dân đỗ.

"Mở cửa” trong thi tuyển

Đầu tháng 9, trong cuộc trò chuyện với một giảng viên trường Đại học Luật Hà Nội, tôi nghe chị "than thở” về việc vừa bị "tra tấn” ở tỉnh Thái Bình. Tôi giật mình bởi hai chữ "tra tấn”, nhưng khi hỏi rõ ngọn nguồn thì mới biết chị là một trong những người được tỉnh Thái Bình mời về chấm thi cuộc thi tuyển công chức của tỉnh và đã bị "nhốt” 4 ngày trời không được phép liên lạc với bên ngoài. "Mình được mời đi chấm thi tuyển công chức ở nhiều tỉnh rồi, nhưng đây là lần đầu tiên và ở tỉnh đầu tiên thấy cuộc thi diễn ra một cách chặt chẽ và nghiêm túc đến vậy…”.

Bán tín bán nghi, tôi quyết định đi Thái Bình kiểm chứng. Được biết, trước khi diễn ra cuộc thi tuyển công chức 2012, Sở Nội vụ Thái Bình đã cho công khai trên các phương tiện thông tin đại chúng về điều kiện dự thi, chỉ tiêu xét tuyển… để tất cả người dân trong tỉnh đều biết. Do không có hạn chế trong việc khu biệt bằng cấp giữa chính quy, tại chức, chuyên tu… nên mặc dù chỉ có 253 chỉ tiêu, trong đó chỉ tiêu công chức cho các sở, ban, ngành là 181 và công chức các huyện, thành phố là 72, nhưng đã có tới 468 hồ sơ xin dự tuyển cuộc thi công chức này (tỉ lệ cạnh tranh là 189,47%). "Chúng tôi không phân biệt các loại văn bằng khi nhận hồ sơ. Các thí sinh nếu đủ điều kiện thì cứ tham gia cuộc thi, kết quả làm bài thi sẽ nói lên tất cả…” – ông Nguyễn Văn Thắng, Phó Giám đốc Sở Nội vụ Thái Bình cho biết.

Bảo mật tuyệt đối

Ngay từ khâu ra đề, Hội đồng thi tuyển công chức Thái Bình đã làm rất chặt chẽ. "Chúng tôi giữ bí mật đến độ để các thành phần trong Ban Đề thi đi làm như bình thường rồi bất ngờ thông báo đi công tác và lập tức lên xe tập trung đến một địa điểm định trước, để tránh mọi trường hợp rò rỉ thông tin…” – vẫn ông Thắng cho hay.

Sau khi các cán bộ Ban Đề thi tập hợp tại khách sạn Đông Bắc – nơi đã được lực lượng an ninh bảo vệ chặt chẽ, nội bất xuất, ngoại bất nhập, các thành viên lập tức bị thu điện thoại để không thể liên lạc ra bên ngoài. Ông Thắng còn khẳng định để đảm bảo tính bảo mật, ngoài việc thu điện thoại di động, lực lượng nghiệp vụ của công an tỉnh còn phá sóng cục bộ tại khách sạn Đông Bắc, nơi Ban Đề thi làm việc.

Cũng theo tìm hiểu của chúng tôi, khi mang 7 chiếc máy tính vào để các cán bộ làm đề thi, lực lượng công an đã thực hiện các biện pháp nghiệp vụ xóa trắng ổ cứng, không còn để lại bất cứ dữ liệu nào trên máy. Cẩn thận hơn, trong phòng làm đề thi còn có gắn máy camera theo dõi mọi hoạt động trong phòng. "Có một lần chúng tôi chuyển nhầm túi đựng bài thi vào phòng, anh em đề nghị chuyển lại cho Ban Coi thi nhưng đồng chí Chủ tịch Hội đồng đã không đồng ý mà yêu cầu lập biên bản, giữ chiếc túi đó lại cho tới khi kỳ thi kết thúc, đồng thời làm túi đựng bài thi mới cho Ban Coi thi…” – Phó Giám đốc Thắng nói về sự bảo mật.

"Chặt” hơn thi đại học

Cũng giống như khi làm đề thi, thành viên Ban Coi thi cũng chỉ được báo đến tập huấn công tác coi thi từ chiều hôm trước. Ngày thi, các giám thị phải bốc thăm để nhận phòng trông thi. Phó Giám đốc Sở Nội vụ cho biết: "Mỗi phòng chúng tôi bố trí 2 giám thị cùng với 2 camera theo dõi trong quá trình thi. Bên ngoài có rất nhiều giám thị hành lang thường xuyên giám sát chặt cuộc thi trong mỗi phòng thi. Các camera được nối về một phòng kỹ thuật mà ở đó, đích thân Chủ tịch tỉnh, Chủ tịch Hội đồng thi… cũng có mặt để quan sát. Do vậy các giám thị có muốn tiêu cực cũng không được…”.

Quả là, thi tuyển công chức Thái Bình còn chặt hơn cả thi đại học! Điều đó được thể hiện ở kết quả: Chỉ có 79 thí sinh đỗ trong đợt thi tuyển công chức này. "Mặc dù chỉ tiêu cán bộ công chức chúng tôi cần là 253 nhưng để đảm bảo chất lượng nên chúng tôi chỉ vẫn chỉ chấm đỗ được 79 trường hợp, trong đó có rất nhiều thí sinh tự do và thí sinh có bằng tại chức…” – Phó Giám đốc Sở Nội vụ Thái Bình nói.

Có lẽ do rất chặt chẽ nên trường hợp là con, em, cháu nên không ít lãnh đạo của tỉnh Thái Bình, thậm chí là người nhà các Ủy viên Ban Thường vụ Tỉnh ủy… cũng trượt.

Vũ Thị Hoài – thí sinh tự do vừa đỗ vào Phòng Công nghệ thông tin, Sở Thông tin Truyền thông Thái Bình:

"Em là một thí sinh tự do chẳng quen biết ai, nhưng em đã đỗ trong kỳ thi tuyển công chức 2012 của tỉnh vừa qua. Em thật sự xúc động bởi công học hành của mình đã không uổng phí”.

Hải Phong

Nguồn Đại Đoàn Kết: http://daidoanket.vn/index.aspx?chitiet=55539&menu=1366&style=1