Thị trường xuất khẩu lao động Đài Loan (Trung Quốc): Đang có dấu hiệu phục hồi

Sau gần 3 năm ngưng nhận lao động Việt Nam tại Đài Loan trong lĩnh vực giúp việc gia đình và chăm sóc người bệnh, 8 tháng đầu năm nay, Ban Quản lý lao động Việt Nam (tại Đài Loan) đã thẩm định 29.198 lao động (bằng cả năm 2006). Thị trường đang có dấu hiệu phục hồi và lao động Việt Nam có xu hướng dịch chuyển sang làm việc trong các công xưởng.

Ông Nguyễn Bá Hải, Trưởng ban Quản lý lao động Việt Nam tại Đài Loan cho biết, đến hết tháng 7-2007, tỷ lệ lao động Việt Nam bỏ trốn tại Đài Loan đã chiếm tới 48,7% tổng số lao động nước ngoài bỏ trốn. Điều này đã và đang là nguyên nhân khiến phía bạn dừng tiếp nhận lao động giúp việc nhà... mà chuyển sang tuyển lao động làm việc trong các công xưởng. Tại Cty Đại Thành (chuyên chế biến và sản xuất thức ăn chăn nuôi) chúng tôi đã gặp và trò chuyện với anh Nguyễn Viết Thiệu (quê Can Lộc - Hà Tĩnh). Thiệu mới sang làm việc trong dây chuyền đóng gói và treo gà chưa được một tháng. Sau 10 ngày làm việc đã được lĩnh 11.500 Đài tệ (khoảng 6 triệu đồng Việt Nam). Cùng làm việc với Thiệu tại Đại Thành còn 8 lao động Việt Nam. “Tất cả đều lao động chăm chỉ” - đó là nhận xét của ông Lai Đông Xuân, Phó Tổng Giám đốc. Vị lãnh đạo này còn cho biết thêm, tới đây sẽ nhận thêm 20 lao động của Việt Nam bởi “họ có ý thức và kỷ luật lao động cao”. Những lao động người Việt tôi gặp tại đây thực sự yên tâm làm việc vì họ không chỉ được trả lương cao mà còn được quan tâm tới đời sống tinh thần, được khuyến khích phát huy khả năng sáng tạo trong lao động. Tất thảy đều cho biết sẽ tiếp tục xin gia hạn hợp đồng sau khi hết hạn hợp đồng lần thứ nhất. Tại Cty Điện tử NEGT, những lao động người Việt ở đây cho biết họ có mức thu nhập trung bình khoảng 20.000 Đài tệ/tháng. Sau khi trừ chi phí ở ký túc xá và tiền ăn ở còn khoảng 8 triệu đồng Việt Nam/tháng. Riêng Phùng Hải (quê An Giang) có mức lương tới 44.000 Đài tệ/tháng. Lương cao, chỗ ăn ở lại tốt nên phần lớn lao động đều mong muốn được gia hạn hợp đồng. Không chỉ được tạo điều kiện về thu nhập, về nơi ăn chỗ ở, 72 lao động ở Cty Quản lý nhân lực Bảo Đức còn được xe ô tô đưa đón hàng ngày tới công xưởng làm việc. ở Bảo Đức có khu vui chơi giải trí công cộng, phòng internet, phòng tiếp khách dành riêng cho lao động. ở ký túc xá của Cty Vạn Thông thậm chí có cả siêu thị mini với nhiều đồ ăn nhập từ Việt Nam sang để phục vụ lao động. Phòng ăn lắp truyền hình cáp để lao động xem được VTV4 của Đài Truyền hình Việt Nam. Đây cũng chính là nơi có đông lao động nữ người Việt. Các cô Nguyễn Thị Được (Bắc Ninh), Nguyễn Thị Hằng (Nam Định), Hoàng Thị Trà (Nghệ An) đều có chung cảm nhận: công việc ổn định, thu nhập cao và mong muốn được gia hạn hợp đồng. Vạn Thông cũng là nơi có tới 170 lao động Việt Nam. Ký túc xá luôn có bảng chỉ dẫn bằng 4 thứ tiếng: Hoa, Anh, Việt và Thái. Lao động ra vào được quản lý bằng thẻ từ. Mức lương tốt, ký túc xá phù hợp, nghe có vẻ giản đơn nhưng không phải lao động Việt Nam nào làm việc ở Đài Loan cũng có được hai điều kiện đó. Bên cạnh yếu tố khách quan là hợp đồng tốt thì bản thân chất lượng lao động cũng là yếu tố quyết định. “Để được hoan nghênh thì lao động đó phải đạt chất lượng nhất định” - ông Hoàng Khải Minh, Tổng Giám đốc Tập đoàn Phức Hoa khẳng định. Chính vì điều này mà Phức Hoa đã thành lập trung tâm huấn luyện lao động tại Việt Nam (hợp tác với Cty Emico Việt Nam) để đào tạo lao động phù hợp với thị trường Đài Loan: dạy tiếng Hoa, nâng cao thể lực, làm quen với điều kiện làm việc, tác phong công nghiệp. Với mô hình huấn luyện lao động này, kể từ khi hợp tác với Emico, Phức Hoa đã đào tạo trên 8.000 lao động đáp ứng yêu cầu của chủ sử dụng. Đào tạo bài bản, cung ứng chuyên nghiệp, có trách nhiệm với người lao động cũng đang là tiêu chí đặt ra đối với các doanh nghiệp Việt Nam cung ứng lao động sang thị trường Đài Loan, nhất là khi ta đang có cơ hội tăng thị phần lao động tại thị trường này. HNM

Nguồn InfoTV: http://infotv.vn/xuat-nhap-khau/tin-tuc/11408-thi-truong-xuat-khau-lao-dong-dai-loan-trung-quoc-dang-co-dau-hieu-phuc-hoi