Thị trường vàng mã tháng cô hồn ảm đạm, nhân công 'đói' đơn hàng sản xuất

Trái ngược với những năm trước, năm nay, dù đang trong tháng Ngâu nhưng thị trường vàng mã lại ảm đạm trông thấy. Hoạt động mua bán ế ẩm, các xưởng sản xuất cầm chừng, nhân công ngóng đơn hàng như 'nắng hạn sau mưa',... là thực trạng chung đang diễn ra ở 'thủ phủ' vàng mã miền Bắc.

Theo tín ngưỡng dân gian, Rằm tháng Bảy là ngày xá tội vong nhân, cũng là Lễ Vu lan báo hiếu cha mẹ. Vì lẽ đó, với các xưởng sản xuất hay tiểu thương kinh doanh đồ vàng mã, tháng 7 âm lịch (hay còn gọi là tháng Ngâu, tháng cô hồn) thường được xem như một mùa làm ăn bội thu. Tuy nhiên, tình cảnh năm nay lại không được như mong đợi của nhiều người.

Nhân công vàng mã “đói” đơn hàng

Chia sẻ với VnBusiness, chị Nguyễn Thị Thùy (thôn Nghĩa Xá, xã Nghĩa Đạo, huyện Thuận Thành, tỉnh Bắc Ninh) không khỏi ngán ngẩm trước cảnh “đói” đơn vàng mã năm nay. Được biết, gia đình chị Thùy mưu sinh chính bằng nghề kinh doanh dịch vụ cho thuê rạp cưới, rạp đám. Tuy nhiên, do tính chất công việc không thường xuyên nên chị hay nhận thêm các đơn làm vàng mã thủ công về gia công tại nhà vào buổi tối để tranh thủ kiếm thêm thu nhập.

“Năm nay “ế” đơn hơn hẳn so với năm ngoái. Nhà tôi có tận 4 người lớn làm thạo việc nên thông thường những năm trước, chủ xưởng sẽ đặt làm hơn 5 vạn hàng, tuy nhiên năm nay họ chỉ đặt chưa tới 4 vạn hàng. Làm ăn theo sản phẩm, cứ gia công được 1 vạn hàng là nhận được tiền công 15 triệu đồng. So với năm ngoái thì tiền công năm nay thấp hơn gần 20 triệu đồng”, chị Thùy cho hay.

Gia đình chị Nguyễn Thị Thùy nhận thêm các đơn sản xuất vàng mã thủ công về làm tại nhà để kiếm thêm thu nhập.

Bắc Ninh từ lâu đã nổi tiếng là “thủ phủ” sản xuất vàng mã của miền Bắc. Vì vậy mà không ít hộ gia đình kiêm thêm việc gia công các sản phẩm như một nghề tay trái để cải thiện đời sống.

Theo chị Thùy tiết lộ, trong một năm, việc sản xuất, mua bán vàng mã sẽ nhộn nhịp trông thấy khi vào 2 vụ chính là vụ Rằm tháng 7 và vụ Tết. Lý do là bởi đây là 2 mốc thời gian diễn ra nhiều hoạt động tâm linh theo tín ngưỡng dân gian của người Việt.

“Trong đó, vụ Rằm tháng 7 sẽ kiếm được nhiều hơn so với vụ Tết. Tuy nhiên năm nay, không chỉ riêng nhà tôi mà nhiều hộ gia đình khác ở thôn Nghĩa Xá cũng đều bị “đói” đơn hàng. Chủ xưởng không tiêu thụ được nhiều nên họ cũng không về thôn đặt hàng nhiều như năm ngoái. Mãi đến khoảng giữa tháng 5 âm lịch trở lại đây, nhà tôi mới bắt đầu làm nhiều lên chứ các tháng trước đó hầu như không có đơn hàng nào”, chị Thùy chia sẻ.

Cách đó không xa, làng vàng mã Song Hồ (xã Song Hồ, huyện Thuận Thành, tỉnh Bắc Ninh) cũng không còn cảnh xe cộ tấp nập, người mua kẻ bán hối hả như những năm trước. Ở đây, các sản phẩm vàng mã được bán quanh năm nhưng tháng 7 âm lịch luôn là thời điểm tiêu thụ nhiều hơn cả.

Ông Lưu Văn Vĩnh, chủ một xưởng sản xuất vàng mã địa phương cho biết, vào những tháng cao điểm trong các năm trước, xưởng của ông thuê tới cả chục người làm mà vẫn không kịp đáp ứng đơn hàng xuất đi Hà Nội và nhiều tỉnh thành lân cận như Bắc Giang, Hưng Yên hay Hải Dương.

“Năm nay ít đơn quá, tôi chỉ liên hệ với 2 hộ trong thôn để đặt họ làm thêm tại nhà chứ cũng không cần phải thuê thêm nhiều nhân công thời vụ làm theo giờ như các vụ Rằm tháng 7 khác”, ông Vĩnh nói.

Đa dạng mẫu mã, chủng loại nhưng vẫn ế ẩm

Những năm trở lại đây, các sản phẩm trên thị trường vàng mã ngày càng được dày công sản xuất và có nhiều mẫu mã bắt mắt, đa dạng, theo kịp xu hướng mới. Theo chị Thùy chia sẻ, “trần sao âm vậy” là câu cửa miệng của nhiều tiểu thương và người làm nghề này mỗi khi khách hàng cảm thấy bất ngờ về tính “thật” khi nhìn về hình thức của các sản phẩm vàng mã. Nhờ sự tỉ mỉ cùng tính chuyên môn hóa trong khâu sản xuất mà các sản phẩm ngày càng giống đồ thật.

Đơn cử như vàng mã hàng hộp sẽ có giá 25.000 đồng/bộ; quần áo, giày dép của trẻ em có giá 20.000 - 70.000 đồng/bộ, trong khi của người lớn là 50.000 - 150.000 đồng/bộ; ngựa cúng có giá 30.000 - 60.000 đồng/con; tiền vàng có giá 3.000 - 5.000 đồng/lễ...

Bên cạnh đó, còn nhiều sản phẩm cao cấp hơn khi phải dày công thiết kế như xe máy SH, xe máy Honda,... có giá từ 100.000 - 200.000 đồng/chiếc; ô tô có giá 150.000 - 250.000 đồng/chiếc, tùy theo kích thước mà có sự chênh lệch; nhà biệt thự có giá 200.000 - 300.000 đồng/ngôi.

Nhìn chung, giá cả các sản phẩm vàng mã năm nay hầu như không tăng so với năm ngoái, dù cho mẫu mã đa dạng và được cải tiến thêm nhiều chi tiết.

Chưa kể còn nhiều loại hàng đồ gia dụng như ấm chén, bát đũa có giá 100.000 - 150.000 đồng/bộ; nồi cơm điện có giá 50.000 - 70.000 đồng/cái. Thậm chí còn có cả những mặt hàng như đồ mỹ phẩm, điện thoại thông minh, mũ bảo hiểm,... để phục vụ nhu cầu khách hàng.

Đặc biệt, với những mặt hàng độc lạ, không thường xuyên sản xuất, nếu khách hàng có nhu cầu và đến đặt trước thì các cơ sở sản xuất vàng mã cũng sẵn sàng lên ý tưởng thiết kế và đáp ứng nhanh chóng.

Theo chị Thùy chia sẻ, nhìn chung, giá cả các loại vàng mã năm nay hầu như không tăng so với năm ngoái, dù cho mẫu mã đa dạng hơn và được cải tiến thêm nhiều chi tiết, màu sắc. Tuy nhiên, kinh tế khó khăn chung đã khiến người dân không còn chi tiêu quá mạnh tay vào việc mua sắm vàng mã.

“Ngoài ra, còn một lý do sâu xa nữa là vài năm trở lại đây, việc hạn chế đốt vàng mã đã được các cơ quan cùng nhiều tổ chức tích cực tuyên truyền, kêu gọi trong nhân dân nhằm giảm thiểu ô nhiễm môi trường và phòng tránh hỏa hoạn. Do đó, dù không nhiều nhưng cũng đã có những gia đình không còn duy trì tục đốt vàng mã trong các hoạt động tín ngưỡng, tâm linh”, chị Thùy nói.

Bàn luận về vấn đề này, GS.TS Từ Thị Loan - Nguyên Quyền Viện trưởng Viện Văn hóa Nghệ thuật Quốc gia Việt Nam cho biết, các nghi lễ có sử dụng vàng mã trong đời sống tín ngưỡng là một phong tục truyền thống hàm chứa một số ý nghĩa tốt đẹp. Tuy nhiên, đốt vàng mã gây ra sự lãng phí công sức, tiền của và đốt quá nhiều sẽ gây ô nhiễm môi trường. Chưa kể đây còn là một trong những nguyên nhân chính gây ra các vụ hỏa hoạn tại khu dân cư và di tích.

Do đó, chuyên gia này đã kiến nghị cần tuyên truyền và khuyến khích người đi lễ thay vì bỏ tiền mua sắm vàng mã để đốt hóa, thì chuyển sang hình thức đóng góp vào quỹ từ thiện, phúc lợi xã hội của nhà đền nhằm thể hiện niềm tin tâm linh theo cách khác có ích hơn.

“Ngoài ra, có thể xem xét việc đánh thuế sản xuất, kinh doanh vàng mã như một loại hàng hóa đặc biệt, để nâng cao giá trị vàng mã, khiến cho người sử dụng thấy quý trọng và chỉ đốt một phần nào mang tính tượng trưng”, GS.TS Từ Thị Loan cho hay.

Hà Trang

Nguồn Vnbusiness: https://vnbusiness.vn//thi-truong/thi-truong-vang-ma-thang-co-hon-am-dam-nhan-cong-apos-doi-apos-don-hang-san-xuat-1095034.html