Thị trường văn học: Sôi nổi nhưng thiếu định hướng

Hội thảo khoa học “Thị trường văn học và văn học thị trường - lý luận và thực tiễn” do Viện Văn học (Viện Hàn lâm khoa học xã hội Việt Nam) tổ chức ngày 29/8 tại Hà Nội đã thu hút sự quan tâm của các nhà nghiên cứu, lý luận phê bình thuộc lĩnh vực này. Tại đây, những đối thoại thẳng thắn và cởi mở về thực trạng thị trường văn học Việt Nam đã được phân tích.

Bạn đọc tìm mua sách văn học ở một hội chợ sách tại HN.

Thị trường văn học sôi nổi

Hội thảo đã nhận được 50 tham luận của các nhà nghiên cứu lý luận phê bình văn học trong và ngoài nước. Trên cơ sở tổng kết đánh giá thực trạng, các hiện tượng, xu hướng phát triển, tiềm năng cũng như thách thức của văn học thị trường Việt Nam đương đại, Hội thảo sẽ đề xuất những giải pháp, kiến nghị nhằm tiếp tục phát triển thị trường văn học và văn học thị trường Việt Nam sao cho hiệu quả, lành mạnh và bền vững.

Việt Nam có thị trường văn học, thậm chí còn sôi nổi nữa là đằng khác. Minh chứng cho điều đó là xu hướng đọc truyện ngôn tình, truyện tranh, truyện trinh thám, du ký, viết về đề tài đồng tính… rộ lên ở những giai đoạn nhất định. Đó là nhận định chung của các chuyên gia tham dự hội thảo. Dẫu vậy, theo PGS.TS Nguyễn Đăng Điệp - Viện trưởng Viện Văn học, ở Việt Nam khái niệm văn học thị trường đến nay vẫn được dùng không nhất quán. Có khi được hiểu là văn học đại chúng, văn học bình dân; có khi lại được hiểu là thứ văn học mua vui giải trí. Tuy nhiên, một khi đã tồn tại trong điều kiện kinh tế thị trường, văn học buộc phải vận hành theo qui luật thị trường và tương thích với những yêu cầu cũng như sự điều tiết của nó. Theo đó, ngày nay tác phẩm văn học vừa là sản phẩm tinh thần, vừa là hàng hóa vận hành theo quan hệ giá trị cung - cầu.

ThS Trần Thị Vân Dung - Trường CĐ Sư phạm Thừa Thiên - Huế cho rằng, trong một xã hội phát triển, những tác động qua lại cũng làm thay đổi mọi lĩnh vực trong đời sống một cách tất yếu. Nền văn học Việt Nam cũng vậy. Tác phẩm văn học cũng là một loại hàng hóa đặc biệt của thị trường. Song loại hàng hóa đăc biệt này cũng chịu sự chi phối đặc biệt từ cả người sáng tác (bên bán) và người đọc/ tiếp nhận (bên mua), bởi nhu cầu sáng tác và tầm đón đợi không phải bao giờ cũng giống như kiểu hàng hóa thông thường. Nhưng điều đặt ra ở đây là tác phẩm trong nền kinh tế thị trường đòi hỏi phải có những tiêu chí nhất định, vừa có giá trị nghệ thuật, vừa đáp ứng được nhu cầu đa dạng của người đọc. Còn theo TS Trần Hoài Anh - ĐH Văn hóa TP.HCM, thị trường văn học và văn học thị trường rõ ràng là vấn đề muôn thuở của đời sống văn học. Nó đồng thời cũng là một tiến trình không thể thiếu của sự phát triển văn học.

Phân tích một cách cụ thể hơn, GS.TS Trần Đình Sử- ĐH Sư phạm Hà Nội cho rằng, thị trường sách báo văn học thường đi theo các phong trào văn hóa, tư tưởng xã hội. Nó chịu ảnh hưởng của các phong trào ấy và tác động tích cực trở lại, giúp các phong trào ấy mở rộng thanh thế. Các nhà sách, các NXB có thể nói là lâu nay đồng hành cùng các phong trào văn hóa xã hội trong lịch sử. Bởi nếu đi ngược lại các phong trào tư tưởng văn hóa xã hội thì sách sẽ bán cho ai? Mặt khác một khi nhà văn đã có tên tuổi, đã thành thương hiệu rồi thì thị trường thường ợi dụng ngay tên tuổi của họ. Minh chứng cho thấy ngày nay các nhà văn đã có tên tuổi được nhiều NXB săn đón, mua bản quyền. Như vậy mối quan hệ giữa văn học và thị trường là quan hệ 2 chiều. Giờ đây so với thời bao cấp thì kinh tế thị trường đã cải tạo thị trường sách và làm cho văn học hiện đại Việt Nam rất đa dạng. Điều này giúp người đọc có cơ hội tiếp xúc, tự do lựa chọn với rất nhiều tác phẩm văn học từ cổ xưa đến hiện đại đủ mọi khuynh hướng.

Nhìn nhận về văn học thị trường ở một góc khác, TS Đỗ Hải Ninh - Viện Văn học cho rằng với sự xuất hiện và lan rộng của internet, văn học mạng đã ra đời như một hình thức xuất bản mới vừa là đối trọng, vừa là thách thức văn bản sách in của xuất bản truyền thống. Mạng internet cũng tạo nên một không gian rộng mở và môi trường tự do cho việc sáng tác, công bố tác phẩm và thể hiện quan điểm cá nhân. Đó cũng là tính chất thị trường của văn học.

Cần được định hướng

Lo lắng trước những thách thức của văn học thị trường Việt Nam hiện nay, TS Mai Thị Liên Giang - ĐH Quảng Bình phân tích, trong thời điểm văn học thị trường trắng đen lẫn lộn, các tác giả tự do công bố tác phẩm trên mạng internet khiến cho người đọc đôi lúc mất phương hướng, thì rõ ràng việc Viện Văn học tổ chức một tọa đàm bàn về thị trường văn học và văn học thị trường là vô cùng cần thiết. Phân tích một cách sâu hơn dưới góc nhìn chức năng văn học và mỹ học khi tiếp nhận văn học thị trường, ThS Vũ Thị Hương (Khoa Tiếng Việt - ĐH Kinh doanh và Công nghệ Hà Nội) cho biết, trong vòng 5 năm gần đây khái niệm văn học thị trường xuất hiện và gây ra nhiều tranh cãi, lo âu và trăn trở của đông đảo bạn đọc. Vì thế từ góc nhìn chức năng, giới nghiên cứu phê bình văn học nhận thấy hầu hết các tác phẩm văn học thị trường đang nhấn mạnh vào chức năng giải trí, còn các chức năng như giáo dục, nhận thức chưa cao.

Từ góc độ mỹ học tiếp nhận có thể thấy việc ra đời của văn học thị trường là khách quan, tất yếu nó đáp ứng nhu cầu của một bộ phận công chúng, có cung ắt có cầu. Tuy nhiên văn học thị trường Việt Nam đang thiếu những định hướng trong cả người viết lẫn người tiếp nhận. Vì thế cần có một sự định hướng để văn học thị trường đảm bảo yêu cầu về thẩm mỹ, cùng với đó là góp phần xây dựng phong cách cho người cầm bút trẻ, định hình thị hiếu cho độc giả trẻ.

PGS.TS Đoàn Cầm Thi từ ĐH Paris (Pháp) lại trăn trở với câu hỏi: Đâu là thước đo giá trị cho tác phẩm văn chương? Qua số lượng ấn bản hay qua chất lượng nghệ thuật? Số lượng thì có thể đếm, nhưng làm sao đong được chất lượng… Những câu hỏi tưởng “xưa như trái đất” ấy vẫn không có (và có lẽ không bao giờ có) câu trả lời. Song chúng vẫn làm bận tâm những ai yêu văn chương…

Hương Lê

Nguồn Đại Đoàn Kết: http://daidoanket.vn/van-hoa-the-thao/thi-truong-van-hoc-soi-noi-nhung-thieu-dinh-huong/118385