Thị trường tuần qua: Gạo Việt trước nguy cơ cấm cửa vào Mỹ, 'cơn ác mộng' Galaxy Note 7

Samsung Galaxy Note 7 bị thu hồi ảnh hưởng đến Việt Nam như thế nào, Samsung phải hoàn trả bao nhiêu tiền cho người tiêu dùng Việt Nam, gạo Việt đang đứng trước nguy cơ bị cấm cửa vào Mỹ...

Đừng để gạo Việt bị cấm cửa vào Mỹ

Thông tin Mỹ từ chối nhập hàng ngàn tấn gạo Việt Nam do dư lượng thuốc bảo vệ thực vật đang là lời cảnh báo với doanh nghiệp xuất khẩu gạo.

Ông Lê Văn Bảnh, Cục trưởng Cục Chế biến thương mại nông lâm thủy sản và nghề muối (Bộ NN-PTNT), cho biết vụ trả hàng trên thực sự làm dấy lên nhiều lo ngại về nguy cơ gạo VN sẽ mất uy tín, thậm chí bị cấm xuất khẩu vào Mỹ. Trước tình hình trên, Bộ NN-PTNT đã có cảnh báo đến các doanh nghiệp chế biến xuất khẩu gạo phải lưu ý đến các lô hàng gạo xuất sang Mỹ và những thị trường khó tính khác. ( Xem tiếp )

“Cơn ác mộng” của Samsung Galaxy Note7 có ảnh hưởng đến kinh tế Việt Nam?

theo thông tin từ Samsung Việt Nam, hai nhà máy Samsung tại Việt Nam không chỉ sản xuất Galaxy Note 7 mà còn sản xuất nhiều sản phẩm điện thoại khác như S7, S7 Edge, Galaxy A, Galaxy J… và Table.

“Sự cố Galaxy Note 7 sẽ không tác động nhiều đến kim ngạch xuất khẩu của năm 2016 và tổng kim ngạch xuất khẩu năm 2016 này dự kiến sẽ tăng hơn so với năm 2015”, Samsung Việt Nam cho biết. ( Xem tiếp )

Samsung phải hoàn trả 240 tỷ đồng cho người dùng Galaxy Note 7 tại Việt Nam

Cục Quản lý cạnh tranh cho biết, đã có 12.633 chiếc điện thoại Galaxy Note 7 được bán ra thị trường Việt Nam, số máy này đang được thu hồi và hoàn tiền.

Như những thông tin trước đó, số tiền hoàn cho mỗi sản phẩm là 18.990.000 đồng, đồng thời, người dùng sẽ nhận một voucher trị giá 1.500.000 đồng để mua sản phẩm của Samsung và cung cấp một sản phẩm smartphone Samsung để sử dụng trong thời gian chờ hoàn tiền.

Như vậy, tổng số tiền mà Samsung phải hoàn trả người tiêu dùng lên tới 239,9 tỷ đồng (tương đương 10,9 triệu USD). ( Xem tiếp )

Nguy cơ hàng Việt “chết chìm” theo hàng Trung Quốc

Hàng loạt mặt hàng xuất khẩu của Việt Nam bị kiện và đang đứng trước nguy cơ bị các nước kiện. Nguyên nhân do các nước nhập khẩu nghi ngờ hàng hóa Trung Quốc được đưa vào Việt Nam, sau đó xuất sang nước thứ ba nhằm trốn thuế chống bán phá giá, chống trợ cấp.

Không chỉ thép mà một số mặt hàng khác như nhựa, gỗ, đá granite… cũng rơi vào trường hợp tương tự. Đại diện một công ty đá granite Việt Nam cho biết cách nay không lâu, Thổ Nhĩ Kỳ có kết luận rằng các công ty VN đã thực hiện hành vi lẩn tránh thuế chống bán phá giá mà nước này áp dụng đối với sản phẩm đá granite nhập khẩu từ Trung Quốc. Do đó, mức thuế chống bán phá giá đang áp dụng với đá granite nhập khẩu từ Trung Quốc (174 USD/tấn) cũng sẽ được áp dụng đối với đá granite nhập khẩu từ Việt Nam. ( Xem tiếp )

Đủ loại thực phẩm “ngậm” hóa chất

Hôm qua (13/10), Cục Cảnh sát Phòng chống tội phạm về môi trường, Bộ Công an cho biết vừa phối hợp Chi cục Bảo vệ thực vật TPHCM kiểm tra đột xuất cơ sở sản xuất tương ớt Thành Phát (174/12G Thái Phiên, P.8, Q.11, TPHCM). Tại hiện trường, đoàn phát hiện có 2 tấn tương ớt sản xuất theo quy trình “ba không”: Không vệ sinh, không quy trình và không theo đúng chỉ tiêu công bố trên nhãn sản phẩm.

Toàn bộ nguyên liệu như bột phụ gia, phẩm màu, hương liệu… để bừa bãi trên nền nhà bẩn thỉu, sản xuất gần nhà vệ sinh… Trên bao bì sản phẩm tương ớt công khai công thức có dùng ớt bột, ớt trái, tỏi… Nhưng lúc kiểm tra, đoàn liên ngành chỉ thấy những can nhựa đựng “hương tỏi” không rõ nguồn gốc trong khi các bao tải đựng chất bảo quản Sodium Benzoat bị dơ bẩn, không rõ nguồn gốc, có in chữ Trung Quốc. (xem tiếp)

Nước mắm công nghiệp “lấn sân” đến bao giờ?

Chị Minh (nhà ở quận Tân Bình, TP.HCM) nhận xét thị trường nước mắm đang có sự nhập nhèm, đánh lận con đen khiến người tiêu dùng (NTD) không biết đường nào mà lần.

“Tôi và nhiều bà nội trợ lâu nay cứ nghĩ đơn giản rằng nước mắm nào cũng là nước nắm chứ không phân biệt được đâu là nước mắm công nghiệp làm từ hóa chất và nước mắm truyền thống làm từ cá. Chúng tôi chỉ mong cơ quan chức năng có biện pháp để các công ty ghi đúng tên nhằm tránh thiệt thòi cho NTD” - chị Minh nói.

Ông Nguyễn Huy Tiến, Chủ tịch Hiệp hội Nước mắm Phan Thiết, nhìn nhận có một thực trạng đáng buồn là với sự quảng cáo rầm rộ bằng những hình ảnh đẹp mắt như có nhà thùng, đánh bắt cá cơm tươi đi kèm với những mỹ từ kiểu “tinh chất cá trong nước mắm” nên nước mắm công nghiệp đã thu phục NTD. Trong khi đó NTD ra chợ, siêu thị mua nước mắm thường không đọc kỹ thành phần, thấy vị vừa miệng là sử dụng. (xem tiếp)

Hà Oanh

Nguồn BizLIVE: http://bizlive.vn/thuong-truong/thi-truong-tuan-qua-gao-viet-truoc-nguy-co-cam-cua-vao-my-con-ac-mong-galaxy-note-7-2085574.html