Thị trường nhà, đất tiếp tục gặp khó

Theo dự báo, năm 2024 thị trường nhà, đất trên địa bàn tỉnh sẽ tiếp tục đối mặt với nhiều khó khăn. Vì vậy, tỉnh cần bám sát diễn biến thị trường, triển khai kịp thời, mạnh mẽ các giải pháp kích cầu của Chính phủ để thúc đẩy thị trường nhà, đất sôi động trở lại.

Giao dịch trầm lắng

Sở Xây dựng nhận định, năm 2023, hầu hết các giao dịch bất động sản (BĐS) chủ yếu lô đất thổ cư, nhưng khá trầm lắng. Số lượng giao dịch thành công chỉ chiếm khoảng 15% so với 3 năm trước đó và tương đương với các năm 2021 và 2022. Hiện tượng sốt đất, đầu cơ BĐS không còn.

Hàng "tồn kho" của các dự án BĐS đang ngày một nhiều hơn, nguyên nhân giá sản phẩm BĐS vẫn còn ở mức cao, vì vậy người dân thực sự có nhu cầu mua đất ở khó tiếp cận. Việc sử dụng đòn bẩy tài chính mua nhà, đất đầu tư được người dân tính toán một cách thận trọng, hướng vào những sản phẩm phục vụ nhu cầu thực tế.

Những căn hộ trong Khu đô thị Phú Mỹ (phường Nghĩa Chánh - TP.Quảng Ngãi) đang chờ người mua.

Theo thống kê của Sở Xây dựng, năm 2023 tại các dự án nhà ở thương mại, khu đô thị có khoảng 3.866 lô đất nền chưa bán được. Các sản phẩm này đến từ dự án BĐS đầu tư ngoài ngân sách và BĐS đầu tư từ ngân sách. Sản phẩm chủ yếu là đất nền để chuyển quyền sử dụng đất cho người dân tự xây dựng; chưa có sản phẩm nhà ở xã hội hoàn thiện cung cấp ra thị trường.

Đối với dự án ngoài ngân sách, hiện còn 76 dự án khu dân cư, khu đô thị đang triển khai thực hiện. Trong đó có 31 dự án đã cơ bản hoàn thiện cơ sở hạ tầng; 17 dự án nhà đầu tư đang đầu tư xây dựng cơ sở hạ tầng dở dang; còn lại 28 dự án đang thực hiện công tác bồi thường giải phóng mặt bằng. Đối với dự án đầu tư từ ngân sách, hiện còn khoảng 30 dự án, trong đó năm 2024 sẽ đưa ra đấu giá 24 dự án...

Khó khăn chồng chất

Trong năm 2023, các bộ, ngành từ trung ương đến địa phương tổ chức thực hiện nhiều giải pháp khôi phục thị trường BĐS. Cụ thể, Chính phủ đã ban hành Nghị quyết số 33/NQ-CP ngày 11/3/2023 về một số giải pháp tháo gỡ và thúc đẩy thị trường BĐS phát triển an toàn, lành mạnh, bền vững. Ngân hàng Nhà nước có nhiều văn bản để tháo gỡ khó khăn về nguồn vốn tín dụng. Đề án “Đầu tư xây dựng ít nhất 1 triệu căn hộ nhà ở xã hội cho đối tượng thu nhập thấp, công nhân khu công nghiệp” ban hành kèm theo chương trình tín dụng khoảng 120 nghìn tỷ đồng cho vay ưu đãi... Tuy nhiên, thị trường BĐS vẫn còn nhiều khó khăn.

Nhiều vị trí đất tại trung tâm huyện lỵ Sơn Tịnh được đầu tư từ ngân sách, năm 2023 đưa vào đấu giá nhưng không thành công.

Giám đốc Sở Xây dựng Trần Văn Mẫn cho rằng, mặc dù Chính phủ đẩy mạnh chính sách nới lỏng tiền tệ, giảm lãi suất cho vay đối với các doanh nghiệp, nhưng thị trường nhà, đất năm 2023 còn trầm lắng. Nguyên nhân, doanh nghiệp gặp nhiều khó khăn, do các ngân hàng lo ngại rủi ro nên không hạ chuẩn điều kiện vay, dẫn đến các doanh nghiệp không thể tiếp cận vốn vay. Bên cạnh đó, việc lập, phê duyệt và điều chỉnh quy hoạch; điều chỉnh dự án đầu tư còn vướng mắc. Các quy định pháp luật về đầu tư, khai thác nhà, đất còn chồng chéo, thiếu thống nhất.

Theo nhận định, năm 2024 giá nhà, đất sẽ tiếp tục bình ổn vì một số nguyên nhân chính, như chi phí bồi thường giải phóng mặt bằng; vật liệu xây dựng và các yếu tố đầu tư xây dựng ổn định. Doanh nghiệp kinh doanh trong lĩnh vực này sẽ vẫn chưa thể thoát khỏi khó khăn.

Những khó khăn kéo dài của thị trường nhà, đất dẫn đến kế hoạch thu ngân sách từ đấu giá đất của tỉnh 3 năm liên tiếp (2021, 2022 và 2023) không đạt kế hoạch. Tổng số tiền hụt thu so kế hoạch đề ra hơn 4 nghìn tỷ đồng. Năm 2024, tỉnh tiếp tục xây dựng kế hoạch đưa ra đấu giá 24 dự án, thu ngân sách tỉnh khoảng 2.600 tỷ đồng. Cấp huyện cũng có kế hoạch thu ngân sách hơn 1.200 tỷ đồng từ đấu giá quyền sử dụng đất các dự án. Tuy nhiên, nếu thị trường tiếp tục trầm lắng sẽ ảnh hưởng đến kế hoạch đấu giá đất năm nay.

Bài, ảnh: THANH NHỊ

Nguồn Quảng Ngãi: http://baoquangngai.vn/kinh-te/202401/thi-truong-nha-dat-tiep-tuc-gap-kho-5cd0c12/