Thị trường lao động cuối năm còn nhiều thách thức

Nhiều chuyên gia dự báo thị trường lao động (LĐ) cuối năm sẽ khởi sắc, nhu cầu tuyển dụng LĐ tăng, tuy nhiên, thực tế vẫn còn nhiều khó khăn. Hoạt động của doanh nghiệp (DN) chưa thật sự phục hồi, trong đó một số lĩnh vực kinh doanh còn bị ảnh hưởng lớn.

Doanh nghiệp gặp khó khăn

Theo báo cáo của Sở Lao động - Thương binh và Xã hội (LĐ-TB&XH) Long An, từ đầu năm 2023 đến nay, toàn tỉnh có trên 41.230 LĐ bị giảm giờ làm; 18.310 LĐ bị ngừng việc tạm thời; có 20 lượt DN có phương án sử dụng LĐ với 2.887 LĐ bị mất việc làm. Hiện các DN bị ảnh hưởng từ nền kinh tế thế giới và gặp nhiều khó khăn, chủ yếu thuộc các lĩnh vực: Dệt may, chế biến gỗ, nhựa, in ấn,...

Doanh nghiệp nỗ lực tìm kiếm đơn hàng để bảo đảm việc làm, thu nhập cho người lao động

Là DN sản xuất, gia công các sản phẩm may mặc, Công ty (Cty) TNHH Din Sen Việt Nam - Chi nhánh tỉnh Long An (huyện Bến Lức) hiện gặp nhiều khó khăn. Do thị trường tiêu dùng toàn cầu bị thu hẹp dẫn đến đơn hàng giảm mạnh, kéo theo ngành may mặc không có đơn hàng, từ đó Cty bị ảnh hưởng nghiêm trọng.

Thời gian qua, Ban Giám đốc Cty nỗ lực tìm kiếm đơn hàng, điều chuyển một số đơn hàng ở nước ngoài về Việt Nam để duy trì sản xuất, bảo đảm việc làm cho công nhân (CN), LĐ. Tuy nhiên, đơn hàng vẫn giảm mạnh, Cty phải thu hẹp hoạt động và tinh giản một số CNLĐ trực tiếp sản xuất và gián tiếp bị dôi dư.

Cty TNHH Din Sen Việt Nam - Chi nhánh tỉnh Long An có phương án sử dụng LĐ, gồm: Giữ lại 2.860 LĐ và cho thôi việc 185 LĐ. Cty trích quỹ dự phòng để chi trả trợ cấp mất việc cho người lao động (NLĐ) bị tinh giản với tổng số tiền trên 3 tỉ đồng.

Cty Kanaan Sài Gòn (huyện Đức Hòa) cũng gặp nhiều khó khăn và tiến hành chấm dứt hợp đồng LĐ với 262 LĐ. Cty chuyên sản xuất ba lô, túi xách xuất khẩu với thị trường chính là Mỹ và châu Âu. Tuy nhiên, ảnh hưởng từ nền kinh tế thế giới, năm 2023, đơn hàng của Cty bị giảm mạnh so với năm 2022. Do vậy, để bảo đảm khả năng thanh toán lương và duy trì hoạt động, Cty quyết định đóng cửa 1 xưởng và các bộ phận liên quan, thanh toán lương và các chế độ cho NLĐ theo đúng quy định.

Có dấu hiệu phục hồi và dần khởi sắc vào những tháng cuối năm, Cty Cổ phần Tập đoàn Hưng Long (huyện Cần Đước) đã ổn định sản xuất, đơn hàng tăng so các tháng trước.

Trưởng phòng Nhân sự Cty Cổ phần Tập đoàn Hưng Long - Lê Thị Nga cho biết: “Từ đầu năm đến tháng 8/2023, Cty vẫn gặp nhiều khó khăn do hàng xuất khẩu chủ yếu vào thị trường châu Âu. Tuy nhiên, từ tháng 9 đến nay, đơn hàng tăng, toàn thể NLĐ của Cty rất phấn khởi”.

Trước sự phục hồi đó, Cty Cổ phần Tập đoàn Hưng Long tuyển dụng LĐ phổ thông và LĐ có tay nghề, phục vụ tốt cho nhu cầu sản xuất. Theo đó, Cty đã tuyển dụng khoảng 30 lượt LĐ phổ thông. “Với LĐ phổ thông, Cty tuyển dụng khá thuận lợi, tuy nhiên, LĐ có tay nghề rất khó tuyển. Cty vẫn đang có nhu cầu tuyển dụng nhân viên kỹ thuật, thiết kế nội thất và thiết kế 3D. Một số LĐ có tay nghề tại TP.HCM ứng tuyển nhưng không gắn bó lâu dài do nơi làm việc xa nhà. Cty rất mong muốn tỉnh có nhiều giải pháp giới thiệu, đào tạo LĐ có tay nghề, đáp ứng nhu cầu tuyển dụng của DN” - chị Nga chia sẻ.

Hỗ trợ người lao động bị ảnh hưởng

Sau 8 năm làm việc tại một Cty may ở huyện Bến Lức, chị Lê Thị Bích (quê tỉnh Đồng Tháp), hiện ở trọ tại ấp 5, xã Mỹ Yên, huyện Bến Lức vừa mất việc hơn 1 tháng do Cty giải thể. Chị Bích trải lòng: “Vợ chồng tôi đều là CN xa quê phải ở trọ. Tôi mất việc, chồng tôi thường xuyên bị giảm giờ làm nên thu nhập gia đình bị ảnh hưởng nghiêm trọng. Trong khi đó, vợ chồng tôi phải nuôi 2 con nhỏ đang học lớp 4 và lớp 7. Tôi mong muốn tìm được công việc tạm thời và chờ rút bảo hiểm xã hội để lo cho gia đình”.

Thời gian qua, tỉnh quan tâm, hỗ trợ NLĐ bị giảm giờ làm, mất việc làm. Các cấp Công đoàn trong tỉnh theo dõi, giám sát việc DN thực hiện các chế độ cho CNLĐ, nhất là CNLĐ bị chấm dứt hợp đồng LĐ.

Công nhân, lao động gặp khó khăn được thăm hỏi, động viên và tặng quà

Phó Chủ tịch Thường trực Liên đoàn LĐ tỉnh - Lê Thị Thu Cúc thông tin: “Tổng Liên đoàn LĐ Việt Nam tiếp tục thực hiện chính sách hỗ trợ đoàn viên Công đoàn, NLĐ bị giảm thời gian làm việc, chấm dứt hợp đồng LĐ do DN bị cắt giảm đơn hàng theo Nghị quyết số 06/NQ-TLĐ. Thời gian thực hiện hỗ trợ từ ngày 01/4 đến 31/12/2023.

Thời hạn tiếp nhận hồ sơ chậm nhất đến hết ngày 31/01/2024. Thời hạn hoàn thành thủ tục hỗ trợ chậm nhất đến ngày 31/3/2024. Mức hỗ trợ cho đoàn viên Công đoàn từ 1-3 triệu đồng. Ngoài ra, Liên đoàn LĐ tỉnh có kế hoạch chăm lo tết cho đoàn viên, CN, viên chức, LĐ, trong đó, tập trung chăm lo cho CNLĐ bị mất việc làm, giảm giờ làm”.

Để hỗ trợ, tạo thuận lợi cho NLĐ mất việc làm tra cứu thông tin, tìm kiếm việc làm, Sở LĐ-TB&XH phối hợp các sở, ngành, cơ quan, đơn vị liên quan thống kê, cập nhật hàng tuần nhu cầu đào tạo LĐ và nhu cầu tuyển dụng LĐ của DN trên địa bàn tỉnh lên Cổng thông tin điện tử của tỉnh và ứng dụng Long An Số.

Lũy kế từ đầu năm 2023 đến nay, toàn tỉnh có 34.316 vị trí việc làm có nhu cầu tuyển dụng của các DN, tập trung chủ yếu ở các khu, cụm công nghiệp và các DN tại TP.Tân An, các huyện: Bến Lức, Đức Hòa, Cần Đước, Cần Giuộc,...

Ngoài ra, Sở LĐ-TB&XH giao Trung tâm Dịch vụ Việc làm Long An tập trung giải quyết kịp thời chế độ trợ cấp thất nghiệp cho NLĐ; hướng dẫn NLĐ nộp hồ sơ đề nghị hưởng trợ cấp thất nghiệp trực tuyến trên Cổng dịch vụ công Quốc gia (đạt 99,8%). Trung tâm Dịch vụ Việc làm Long An hỗ trợ kết nối giới thiệu việc làm cho NLĐ mất việc làm sớm quay lại thị trường LĐ.

Theo đó, Trung tâm Dịch vụ Việc làm Long An tổ chức 12 phiên giao dịch việc làm lưu động tại các địa phương và 4 phiên trực tuyến kết nối với các tỉnh Vùng Đồng bằng sông Cửu Long, có 135 lượt DN tham gia với 7.323 vị trí việc làm; 3.910 LĐ tham gia, trong đó 1.340 LĐ được phỏng vấn.

Đối với NLĐ bị mất việc làm ở các DN có xây dựng phương án sử dụng LĐ, Trung tâm Dịch vụ Việc làm Long An tập trung hướng dẫn để giải quyết kịp thời chế độ trợ cấp thất nghiệp cho NLĐ và đến trực tiếp DN tư vấn, kết nối giới thiệu việc làm cho trên 500 NLĐ mất việc làm, sớm quay lại thị trường LĐ.

Nỗ lực thực hiện các giải pháp

Dự báo năm 2024, tình hình thế giới tiếp tục diễn biến phức tạp, có tác động tiêu cực đến thị trường LĐ trong nước và của tỉnh. Để chủ động ứng phó với những khó khăn và thách thức mới, tỉnh có nhiều giải pháp để tiếp tục triển khai, thực hiện.

Trong đó, tỉnh chú trọng việc đẩy mạnh các hoạt động thu hút đầu tư; đồng thời, tiếp xúc, tháo gỡ khó khăn cho DN, nhất là các hoạt động xuất, nhập khẩu. Từ đó, hỗ trợ DN duy trì, ổn định đơn hàng sản xuất.

Trung tâm Dịch vụ Việc làm Long An tập trung hướng dẫn để giải quyết kịp thời chế độ trợ cấp thất nghiệp cho người lao động

Tỉnh còn đẩy mạnh cải cách hành chính, tạo môi trường đầu tư kinh doanh thông thoáng, minh bạch, hấp dẫn cho nhà đầu tư; thực hiện hiệu quả các giải pháp tái cơ cấu ngành công nghiệp; chú trọng thu hút đầu tư, đặc biệt là các tập đoàn quốc tế, có sản phẩm thương hiệu mạnh.

Ngoài ra, các sở, ngành thực hiện đồng bộ các giải pháp. Trong đó, Sở LĐ-TB&XH phối hợp theo dõi sát tình hình LĐ, việc làm, quan hệ LĐ tại các DN; tăng cường giám sát việc xây dựng và thực hiện phương án sử dụng LĐ đúng quy định pháp luật, không làm ảnh hưởng đến quyền lợi của NLĐ; tiếp tục phối hợp Liên đoàn LĐ tỉnh triển khai, thực hiện các hoạt động chăm lo cho đoàn viên, NLĐ bị mất việc làm, gặp khó khăn. Tổ công tác hỗ trợ NLĐ và người sử dụng LĐ trên địa bàn tỉnh tiếp tục theo dõi, giám sát tình hình LĐ ở các DN, kịp thời báo cáo, tham mưu UBND tỉnh các giải pháp ổn định tình hình LĐ, việc làm trên địa bàn tỉnh,...

Mặc dù thị trường LĐ những tháng cuối năm còn nhiều khó khăn, thách thức nhưng với sự vào cuộc của các cấp, ngành liên quan, DN, NLĐ được quan tâm, hỗ trợ kịp thời. Hy vọng, với những “tín hiệu” vui ban đầu từ DN và sự nỗ lực của tỉnh, thị trường LĐ sẽ khởi sắc hơn./.

An Nhiên

Nguồn Long An: https://baolongan.vn/thi-truong-lao-dong-cuoi-nam-con-nhieu-thach-thuc-a167101.html