“Thị trường cơ bản không thiếu hàng, sốt giá”

SGTT.VN - Theo tin từ bộ Công thương, bộ này vừa có báo cáo tổng hợp trình Thủ tướng Chính phủ về tình hình giá cả hàng hóa, dịch vụ trước, trong và sau Tết nguyên đán, các hoạt động quản lý, kiểm tra thị trường trong dịp Tết. Nhân dịp này, SGTT đã phỏng vấn ông Nguyễn Lộc An, phó vụ trưởng vụ Thị trường trong nước, bộ Công thương kiêm thường trực tổ điều hành thị trường trong nước (liên ngành) về xu hướng thị trường trong dịp Tết vừa qua:

Ông có nhận xét, đánh giá gì về thị trường trong dịp tết vừa qua? Tôi cho là thị trường Tết năm nay sôi động hơn một vài năm trở lại đây do thu nhập, nhu cầu tiêu thụ thị trường có sự gia tăng. Theo thống kê của bộ Công thương, sức mua trên thị trường tăng khoảng 20 - 25% so với năm 2010. Ngoài ra, năm nay với kỳ nghỉ Tết dài (từ ngày 28 tháng 12 đến ngày 06 tháng 01 âm lịch), bên cạnh nhu cầu về hàng hóa tiêu dùng, nhu cầu vui chơi giải trí, du lịch cũng tăng hơn so với năm 2010. Thị trường trong khoảng hơn 1 tuần qua nói chung sôi động nhưng cơ bản nguồn cung nhiều,đáp ứng tốt nhu cầu mua sắm của người dân. Giá cả hàng hóa cũng tăng so với năm trước nhưng không xảy ra hiện tượng thiếu hàng, sốt giá. Nguyên nhân tăng giá chủ yếu do chi phí đầu vào tăng và việc tăng giá đã diễn ra từ những tháng trước Tết. Đến những ngày cận Tết, giá hàng hóa cũng tăng như diễn biến ở các năm trước nhưng thị trường đã không xảy ra hiện tượng thiếu hàng, sốt giá. Các báo cáo từ địa phương gửi về cho thấy, từ ngày mùng 4 tết, nhiều chợ, siêu thị, trung tâm thương mại trong cả nước đã hoạt động khá nhộn nhịp, lượng cung hàng hóa khá dồi dào, đáp ứng đủ nhu cầu của người tiêu dùng. Giá nhiều loại thực phẩm tươi sống vẫn giữ giá khá ổn định, riêng rau củ quả tươi có xu hướng giảm giá so với những ngày cuối tháng 12 âm lịch. Theo ông, có điểm gì đáng lưu ý về xu hướng giá cả, thị trường một số mặt hàng thiết yếu như gạo, lương thực, thực phẩm...trong 1-2 tháng tới ? Thị trường gạo trước và sau tết đã có thay đổi nhiều. So với trước ngày 23 tháng 12 âm lịch, giá gạo tại một số địa phương những ngày giáp Tết có xu hướng tăng nhẹ. So với cùng kỳ năm trước, giá gạo trên thị trường đã tăng 3.000 - 5.000 đ/kg (tùy loại). Nhưng lưu ý là do rét đậm, rét hại kéo dài tại các tỉnh miền Bắc vừa qua lên chắc cũng gây ảnh hưởng đến tiến độ gieo cấy vụ Đông Xuân. Ngoài ra, dự báo những diễn biến bất thường của thời tiết trong năm 2011 cũng ảnh hưởng tới các hoạt động sản xuất nông nghiệp nên sản lượng lúa gạo năm 2011 dự báo có thể giảm so với năm 2010. Vì vậy, theo tôi, các địa phương cần chủ động có phương án đối phó với thiên tai, dịch bệnh để đảm bảo nguồn cung lúa gạo cho tiêu dùng trong nước và xuất khẩu. Nhưng đáng lưu ý hơn là do thời tiết, dịch bệnh các tháng trước Tết diễn biến phức tạp, sau đợt nắng ấm là thời gian rét đậm kéo dài; dịch bệnh trên gia súc vẫn tiếp diễn ảnh hưởng lớn đến cung cầu các mặt hàng thực phẩm. Thực tế, giá các mặt hàng thực phẩm đã có biến động khá mạnh: sang đến tháng 1 năm 2011, thời tiết rét đậm, rét hại ảnh hưởng đến sự sinh trưởng của rau quả, thực phẩm, cộng với xu hướng tăng giá trong dịp Tết nên giá cả các mặt hàng rau củ quả và thực phẩm tươi sống tăng khá mạnh so với tháng trước Tết (từ 10 - 50% tùy loại) và so với Tết năm 2010 (từ 10 - 60%). Nhìn chung, giá cả một số mặt hàng biến động tăng tập trung nhất là từ sau ngày 23 Tết, chủ yếu ở mặt hàng thực phẩm tươi sống, rau xanh, hoa quả và cây cảnh, giá các mặt hàng thiết yếu khác tương đối ổn định. Được biết trong dịp Tết và những ngày sau Tết, bộ Công thương có yêu cầu cục Quản lý thị trường tổ chức 4 đoàn đi kiểm tra thị trường và các tỉnh, thành phố đều phải tổ chức kiểm tra, kiểm soát thị trường. Kết quả các cuộc kiểm tra này có cho thấy điều gì bất thường không, thưa ông ? Chúng tôi mới tổng hợp báo cáo các đoàn và các địa phương về thì nhìn chung, thị trường các nơi đều khá ổn định. Cụ thể là từ 28 Tết đến mùng 5 Tết, lực lượng Quản lý thị trường đã kiểm tra, xử lý 1.832 vụ vi phạm, trong đó có 426 vụ hàng cấm, hàng lậu, 308 vụ hàng giả, hàng kém chất lượng, 1.098 vụ vi phạm trong kinh doanh, tổng số tiền thu phạt là 2,6 tỷ đồng. Qua kiểm tra, kiểm soát các siêu thị, trung tâm thương mại, chợ đầu mối, lấy mẫu giám định về hàm lượng thuốc bảo vệ thực vật đối với các mẫu rau, hoa quả... cũng đã phát hiện nhiều loại thực phẩm đóng gói, bánh kẹo, trái cây nhập khẩu từ Thái Lan, Trung Quốc lưu thông trên thị trường không có nhãn phụ, không rõ nguồn gốc.

Nguồn SGTT: http://sgtt.vn/kinh-te/137010/%e2%80%9cthi-truong-co-ban-khong-thieu-hang-sot-gia%e2%80%9d.html