Thị trường chứng khoán: Tâm lý thận trọng khiến VN-Index khó tạo đột phá

Thị trường chứng khoán trong nước có một tuần tăng nhẹ, nhưng mức điểm thay đổi không nhiều. Có thể nói, thị trường có một tuần điểm số đi ngang trên nền thanh khoản thấp vì tâm lý thận trọng bao trùm. Thị trường đi vào giai đoạn nghỉ tết Dương lịch, kết hợp với tâm lý và thanh khoản thấp khiến động lực cho VN-Index là không nhiều. Xu thế giằng co đi ngang tích lũy có thể được duy trì trong tuần cuối cùng của năm 2023.

Thị trường chứng khoán trong nước tuần (18 - 22/12) về cơ bản là tuần giằng co, đi ngang. Chỉ số VN-Index phần lớn giữ được sắc xanh khi đóng cửa tại các phiên, nhưng mức tăng không đáng kể. Chỉ số VN-Index sau khi kiểm định mốc 1.080 điểm đã lấy lại mức 1.100 điểm. Tâm lý thận trọng khiến thanh khoản thị trường sụt giảm khá mạnh và về mức thấp. Trong khi đó, khối ngoại vẫn miệt mài bán ròng khá mạnh trong tuần.

Dù có 4 phiên tăng điểm trong tuần, nhưng kết tuần, chỉ số VN-Index chỉ phục hồi tăng +0,07% so với tuần trước, dừng ở mức 1.103,06 điểm.

Nhóm cổ phiếu vốn hóa lớn diễn biến phân hóa và trái chiều nhau khiến cho chỉ số VN30 kết tuần không thay đổi so với tuần trước, chủ yếu do chịu áp lực bán ròng của khối ngoại, thanh khoản duy trì ở mức trung bình trong đó nhóm tăng điểm gồm BID (+2,29%), ACB (+1,98%), MBB (+1,39%), VHM (+1%), MWG (+3,93%), VRE (+1,77%)... trong khi các mã tiêu cực như FPT (-1,66%), VCB (-1,58%), VPB (-2,94%) SAB (-2,07%), VIC (-1,26%)...

Các cổ phiếu bán lẻ có tuần giao dịch tích cực nhờ sự hồi phục của cổ phiếu lớn MWG (+3,93%), bên cạnh PNJ (+5,81%) nhờ đà tăng mạnh của giá vàng và FRT (+1,69%), DGW (+1,38%). Nhóm cổ phiếu dịch vụ tài chính, chứng khoán mặc dù chịu áp lực bán của khối ngoại tuy nhiên một số công ty chứng khoán công bố kế hoạch phát hành tăng vốn có diễn biến tốt trong tuần như SSI (+1,73%), HCM (+2,86%) cùng với BSI (+2,43%), FTS (+3,53%), VIX (+1,21%), VCI (+1,23%)…các mã còn lại chủ yếu đứng giá so với tuần trước.

Nhóm cổ phiếu bất động sản có diễn biến đa số tích cực hơn tuần trước đó với DIG (+2,38%), PDR (+1,9%), NTL (+3,45%), HDG (+4,49%)… trong khi NVL vẫn kém tích cực khi giảm 1,78%... Các cổ phiếu bất động sản khu công nghiệp có diễn biến phân hóa khi ITA (-9,09%) chịu áp lực chốt lãi sau khi đã tăng khá mạnh, các mã khác chủ yếu tăng điểm nhẹ như DTD (+2,85%), KBC (+1,3%), VGC (+0,76%%), IDC (+1,19%), BCM (-4,62%)...

Các cổ phiếu nông nghiệp tuần qua cũng khá ấn tượng khi nhiều mã tăng điểm khá như HAG (+3,45%), HNG (+13,26%), DBC (+3,15%).

Trên sàn Hà Nội, hai chỉ số chính cũng có một tuần tăng điểm nhưng mức tăng tốt hơn. Theo đó, chỉ số HNX-Index có diễn biến tích cực hơn khi kết tuần tại 228,27 điểm, tương ứng mức tăng +0,55% so với tuần trước. Chỉ số UPCoM-Index tăng +1,28% để đóng cửa tại 86,14 điểm.

Thanh khoản thị trường chứng khoán trong nước tiếp tục suy giảm ở mức khá mạnh. Theo đó, thanh khoản bình quân trên cả 3 sàn chỉ còn mức 14.752 tỷ đồng/phiên, giảm hơn -17,1% so với tuần trước. Tâm lý thận trọng là nguyên nhân chính khiến thanh khoản tiếp tục suy giảm trong tuần qua.

Thanh khoản thị trường chứng khoán trong nước tiếp tục suy giảm ở mức khá mạnh. Theo đó, thanh khoản bình quân trên cả 3 sàn chỉ còn mức 14.752 tỷ đồng/phiên, giảm hơn -17,1% so với tuần trước. Tính trên 2 sàn niêm yết, tổng giá trị giao dịch chỉ còn 70.938 tỷ đồng, giảm mạnh -17,8% so với tuần trước. Trong đó, tổng giá trị giao dịch tại HOSE đạt 64.247 tỷ đồng, giảm -17,1% và tại HNX là 6.690 tỷ đồng, giảm -23,7% so với tuần trước. Tâm lý thận trọng là nguyên nhân chính khiến thanh khoản tiếp tục suy giảm trong tuần qua.

Khối ngoại tiếp tục là điểm trừ của thị trường chứng khoán tuần qua. Áp lực bán ròng của nhà đầu tư nước ngoài sau tuần tái cơ cấu danh mục của các quỹ ETF vẫn chưa ngừng khi khối này tiếp tục bán ròng 2.674 tỷ đồng trên 2 sàn niêm yết và kéo dài chuỗi bán ròng lên tuần thứ 7 liên tiếp.

Trong đó, giá trị bán ròng tại sàn HOSE là 2.692 tỷ đồng, tập trung bán ròng mạnh nhóm ngân hàng, thép, dịch vụ tài chính-chứng khoán, bất động sản; song mua ròng nhẹ trên HNX với giá trị 18 tỷ đồng. Như vậy, lũy kế từ đầu năm, khối ngoại đã bán ròng hơn 23.000 tỷ đồng trên toàn thị trường.

Thị trường chứng khoán trong nước không có nhiều thay đổi so với tuần trước đó. Khối ngoại vẫn bán ròng mạnh nhưng chỉ có tác động phần nào tới tâm lý của nhà đầu tư trong nước. Phần còn lại chính là tâm lý thận trọng của khối nội đã kéo thanh khoản giảm về mức thấp. Trong bối cảnh mùa Noel và Tết Dương lịch sắp tới, trạng thái tâm lý thận trọng của nhà đầu tư có thể sẽ được duy trì.

Trong tuần qua, trong khi các thông tin quốc tế không có nhiều, thì thị trường đón nhận thêm một số thông tin quan trọng trong nước. Theo đó, Ủy ban Thường vụ Quốc hội thông qua bổ sung Luật Thuế giá trị gia tăng (sửa đổi) vào Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh năm 2024. Kỳ họp bất thường của Quốc hội khóa 15 dự kiến khai mạc vào 15/1/2024 và sẽ thảo luận về dự án luật Các tổ chức tín dụng (sửa đổi), Đất đai (sửa đổi); tuy nhiên, Thường trực Ủy ban Kinh tế đề nghị nghiên cứu trình Quốc hội xem xét, thông qua các Luật trên tại kỳ họp giữa năm 2024. Ủy ban Chứng khoán Nhà nước yêu cầu chấn chỉnh hoạt động các công ty chứng khoán…

Nhìn chung, thị trường chứng khoán trong nước không có nhiều thay đổi so với tuần trước đó. Khối ngoại vẫn bán ròng mạnh nhưng chỉ có tác động phần nào tới tâm lý của nhà đầu tư trong nước. Phần còn lại chính là tâm lý thận trọng của khối nội đã kéo thanh khoản giảm về mức thấp.

Trong bối cảnh mùa Noel và Tết Dương lịch sắp tới, trạng thái tâm lý thận trọng của nhà đầu tư có thể sẽ được duy trì. Khối ngoại có thể nghỉ ngơi ngưng bán ròng, nhưng khối nội sẽ giảm động lực trong bối cảnh như trên.

Tuy vậy, một số góc nhìn tích cực lại cho rằng, thị trường tuần tới có thể cũng là cơ hội cho nhà đầu tư chọn chiến lược dài hơn hơn. Mặc dù các tín hiệu đủ lớn vẫn chưa xuất hiện, nhưng điều này cũng có cơ sở khi tình hình vĩ mô và kết quả kinh doanh của doanh nghiệp được dự báo sẽ khả quan hơn.

Về mặt kỹ thuật, các chuyên gia của SHS cho rằng, thị trường chứng khoán trong ngắn hạn đang tiếp tục xu hướng vận động tích lũy chặt chẽ trong khu vực kênh tích lũy trung hạn 1.100 điểm - 1.150 điểm. Khả năng về nhịp tăng trở lại của VN-Index trong tuần giao dịch cuối cùng của năm 2023 để hướng tới vùng cản gần nhất quanh 1.130 điểm vẫn có thể xảy ra, tuy nhiên cũng không loại trừ kịch bản chỉ số tiếp tục diễn biến xoay quanh vùng 1.100 điểm với thanh khoản thấp.

“Thị trường chứng khoán trong ngắn hạn đang tích lũy và nếu VN-Index duy trì giao dịch trên ngưỡng 1.100 điểm thì vẫn có kỳ vọng phục hồi kỹ thuật. Nhà đầu tư ngắn hạn trong giai đoạn hiện tại nên duy trì tỷ trọng cổ phiếu thấp trong danh mục và theo dõi thêm diễn biến thị trường. Nhà đầu tư trung hạn dài hạn vẫn có thể xem xét giải ngân dần trong các giai đoạn giảm điểm, mục tiêu nên hướng tới các cổ phiếu đầu ngành có nền tảng cơ bản tốt, các cổ phiếu có tiềm năng tăng trưởng trong năm tới và đang vận động trong trạng thái tích lũy” - chuyên gia SHS khuyến nghị./.

Thái Duy

Nguồn Thời báo Tài chính: https://thoibaotaichinhvietnam.vn/thi-truong-chung-khoan-tam-ly-than-trong-khien-vn-index-kho-tao-dot-pha-142198.html