THỊ TRƯỜNG BẢO HIỂM VẪN CÒN NHIỀU THÁCH THỨC, CẦN HOÀN THIỆN VÀ XỨNG TẦM HƠN VỚI TIỀM NĂNG LỢI THẾ CỦA VIỆT NAM

Trước thềm phiên chất vấn và trả lời chất vấn tại Phiên họp thứ 31 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Bộ Tài chính đã có báo cáo gửi đến các đại biểu Quốc hội liên quan đến nội dung chất vấn. Trong đó, liên quan đến hoạt động kinh doanh bảo hiểm, Bộ Tài chính cho rằng những tồn tại đã được báo chí và dư luận nêu trong thời gian qua vừa là thách thức vừa là cơ hội lớn để đưa thị trường bảo hiểm Việt Nam nỗ lực hoàn thiện hơn về chất lượng, hướng tới phát triển an toàn, bền vững trong tương lai, xứng tầm hơn với tiềm năng lợi thế của Việt Nam...

Tăng cường nhiều giải pháp để chấn chỉnh những mặt trái trong triển khai hoạt động khai thác các sản phẩm bảo hiểm

Trước đó, tại Báo cáo tổng hợp ý kiến, kiến nghị của cử tri và Nhân dân gửi đến Kỳ họp thứ 5, Quốc hội khóa XV đã phản ánh cử tri và Nhân dân rất băn khoăn, lo lắng khi nhiều người dân mua bảo hiểm có thể gặp rủi ro nhất là khi hợp đồng bảo hiểm được in sẵn, đã được cơ quan có trách nhiệm thẩm định, nhưng sau đó lại thêm điều khoản có lợi cho bên bán. Vì tin tưởng nên người dân không đọc kỹ hoặc đọc cũng không hiểu rõ, nên điều khoản bất lợi thường thuộc về bên mua, gây thiệt hại cả về vật chất và tinh thần cho người dân.

Mặc dù đã được các cơ quan chức năng chỉ đạo, yêu cầu bảo đảm quyền lợi của người đầu tư nhưng cử tri và Nhân dân vẫn còn lo lắng chưa thực sự yên tâm. Do đó, kiến nghị cơ quan có thẩm quyền tăng cường hơn nữa công tác quản lý nhà nước, có chế tài đủ mạnh để bảo vệ quyền lợi của người dân khi tham gia ký kết các hợp đồng bảo hiểm,

Cùng với đó, khi thảo luận về dự án Luật Các tổ chức tín dụng (sửa đổi) tại Kỳ họp thứ 6 và Kỳ họp bất thường lần thứ 5, các đại biểu Quốc hội cũng cho rằng, mặc dù đã có các quy định liên quan trong Luật Kinh doanh bảo hiểm năm 2022 và các văn bản pháp luật liên quan khác; tuy nhiên, để bảo vệ tốt quyền lợi của khách hàng, cần nghiên cứu luật hóa để có chế tài ngăn chặn, xử lý nghiêm đối với các hành vi vi phạm của nhân viên ngân hàng như việc tư vấn không đầy đủ khiến một số khách hàng nhầm lẫn giữa sản phẩm bảo hiểm và sản phẩm ngân hàng hoặc yêu cầu mua bảo hiểm gắn với các khoản vay khi có nhu cầu vay vốn của ngân hàng.

Bộ trưởng Bộ Tài chính Hồ Đức Phớc

Theo báo cáo của Bộ Tài chính, do phát triển nhanh, trong thời gian vừa qua, thị trường bảo hiểm, đặc biệt là bảo hiểm nhân thọ đã phát sinh một số vấn đề về chất lượng hoạt động tư vấn, cũng như dịch vụ chăm sóc và giải quyết quyền lợi bảo hiểm cho khách hàng. Mặt khác, nếu như trước đây, thị trường chỉ có kênh đại lý truyền thống, thì thời gian qua đã hình thành thêm nhiều kênh phân phối khác là các đại lý tổ chức mà điển hình là kênh phân phối qua ngân hàng. Kênh phân phối qua ngân hàng giúp hoạt động khai thác bảo hiểm trở nên đa dạng, nhưng cũng tạo ra sự phức tạp hơn và cần chúng ta phải nhìn nhận lại và chấn chỉnh để hoạt động đúng hướng, lành mạnh.

Qua phản ánh của báo chí, dư luận, cũng như công tác quản lý, giám sát, dưới sự chỉ đạo quyết liệt của Chính phủ, thời gian qua, Bộ Tài chính đã tăng cường nhiều giải pháp để chấn chỉnh những mặt trái, sai lệch trong triển khai hoạt động khai thác các sản phẩm bảo hiểm trên thị trường bảo hiểm nhân thọ nói chung và kênh phân phối qua ngân hàng nói riêng.

Bộ Tài chính đã nghiên cứu để trình cấp có thẩm quyền ban hành và ban hành bổ sung nhiều quy định pháp luật nhằm kịp thời điểu chỉnh những vấn đề phát sinh của thị trường, tăng cường tính minh bạch thông tin và bảo vệ tốt hơn người tham gia bảo hiểm như chuẩn hóa một số quy định về hợp đồng bảo hiểm nhằm đảm bảo quyền lợi của người tham gia bảo hiểm; Bổ sung các quy định nhằm tăng cường trách nhiệm của doanh nghiệp bảo hiểm trong quá trình tư vấn, giao kết hợp đồng bảo hiểm, đảm bảo tính minh bạch, người dân được tư vấn đúng, đủ thông tin, rõ ràng về sản phẩm bảo hiểm, để lựa chọn được sản phẩm bảo hiểm trên cơ sở tự nguyện và phù hợp với nhu cầu…;

Không được ép buộc các tổ chức, cá nhân mua bảo hiểm dưới mọi hình thức

Đặc biệt, Bộ đã bổ sung các quy định nhằm ngăn chặn tình trạng “ép” mua bảo hiểm qua ngân hàng hoặc tư vấn không đúng về sản phẩm bảo hiểm liên kết đầu tư như:

Các tổ chức tín dụng hoạt động đại lý phải giải thích rõ cho khách hàng về sản phẩm bảo hiểm không phải là sản phẩm của tổ chức tín dụng. Việc tham gia bảo hiểm không phải là điều kiện bắt buộc để sử dụng các sản phẩm, dịch vụ khác của tổ chức tín dụng hoạt động đại lý.

Các tổ chức tín dụng thực hiện hoạt động đại lý bảo hiểm không được tư vấn, giới thiệu, chào bán, thu xếp việc giao kết hợp đồng bảo hiểm liên kết đầu tư cho các khách hàng trong thời hạn 60 ngày trước và 60 ngày sau ngày giải ngân toàn bộ khoản vay, nhằm tránh tình trạng các nhân viên ngân hàng sử dụng quyền xem xét, cấp duyệt khoản vay để gây sức ép buộc người vay mua bảo hiểm.

Đối với các sản phẩm bảo hiểm liên kết đầu tư, đại lý bảo hiểm hoặc nhân viên trong tổ chức hoạt động đại lý bảo hiểm phải ghi âm lại quá trình tư vấn, trong đó có xác nhận của khách hàng về việc tham gia bảo hiểm trên cơ sở tự nguyện và phù hợp với nhu cầu tài chính. Doanh nghiệp bảo hiểm không được phát hành hợp đồng trong trường hợp nội dung ghi âm không có xác nhận của bên mua bảo hiểm về việc tham gia bảo hiểm trên cơ sở tự nguyện.

Cùng với đó, Bộ Tài chính đã có nhiều công văn yêu cầu các doanh nghiệp bảo hiểm chấn chỉnh hoạt động bán bảo hiểm qua ngân hàng, tăng cường kiểm tra, giám sát việc thực hiện hợp đồng đại lý bảo hiểm đối với các ngân hàng, nghiêm túc tuân thủ quy định tại Luật Kinh doanh bảo hiểm về việc không được ép buộc các tổ chức, cá nhân mua bảo hiểm dưới mọi hình thức.

Bộ Tài chính đã tổ chức họp với toàn bộ các doanh nghiệp bảo hiểm nhân thọ và yêu cầu các doanh nghiệp bảo hiểm rà soát tổng thể và tăng cường giám sát việc thực hiện các quy trình nghiệp vụ và quản lý chất lượng đại lý, nhân viên của đại lý tổ chức tín dụng, tăng cường các chế tài đối với đại lý và xử lý nghiêm các trường hợp vi phạm. Yêu cầu các doanh nghiệp bảo hiểm tổ chức thiết lập và công bố đường dây nóng và các bộ phận thường trực với cán bộ có đủ thẩm quyền để tiếp nhận và giải đáp, xử lý dứt điểm, kịp thời các phản ánh/thắc mắc của khách hàng về hợp đồng bảo hiểm. Đối với các doanh nghiệp có nhiều đơn thư phản ánh, kiến nghị của khách hàng, Bộ Tài chính đều tổ chức làm việc trực tiếp với doanh nghiệp bảo hiểm để yêu cầu rà soát, báo cáo và có giải pháp xử lý dứt điểm khiếu nại của khách hàng.

Để tăng cường tính hiệu lực, hiệu quả đối với công tác quản lý, giám sát hoạt động bán bảo hiểm qua ngân hàng, trong thời gian qua, đối với các thông tin phản ánh qua đường dây nóng về việc bị ép mua bảo hiểm khi giải ngân khoản vay, Bộ Tài chính đã chuyển thông tin cho Cơ quan thanh tra, giám sát Ngân hàng nhà nước để phối hợp quản lý, giám sát. Ngày 05/10/2023, Cục Quản lý, giám sát bảo hiểm (Bộ Tài chính) và Cơ quan thanh tra, giám sát Ngân hàng (Ngân hàng Nhà nước) đã ký kết Quy chế phối hợp công tác trong việc xây dựng, hoàn thiện cơ chế chính sách; tuyên truyền, phổ biến quy định pháp luật; thanh tra, kiểm tra và giám sát các doanh nghiệp bảo hiểm và tổ chức tín dụng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài trong hoạt động đại lý bảo hiểm.

Nỗ lực đưa thị trường bảo hiểm Việt Nam phát triển an toàn, bền vững trong tương lai

Cũng theo Bộ Tài chính để đạt được các mục tiêu lớn đề ra, thị trường bảo hiểm vẫn còn nhiều thách thức cần hoàn thiện và xứng tầm hơn với tiềm năng lợi thế của Việt Nam như chất lượng nhân lực, cơ sở dữ liệu thị trường, ứng dụng công nghệ thông tin, tăng cường quản trị rủi ro và tính minh bạch của các doanh nghiệp bảo hiểm... Đây là các vấn đề rất cần thiết, là cơ sở vững chắc để thị trường bảo hiểm phát triển bền vững, phát huy vai trò là “bà đỡ”, góp phần phát triển ổn định và bền vững cho các chủ thể khác trong các ngành, lĩnh vực của nền kinh tế.

Những tồn tại đã được báo chí và dư luận nêu trong thời gian qua vừa là thách thức vừa là cơ hội lớn để đưa thị trường bảo hiểm Việt Nam nỗ lực hoàn thiện hơn về chất lượng, hướng tới phát triển an toàn, bền vững trong tương lai. Trong các năm tới, bên cạnh các yếu tố nền tảng như tăng trưởng kinh tế, dân số lớn, xu hướng phát triển công nghệ,... thì nền tảng pháp lý được kỳ vọng sẽ góp phần hỗ trợ cho thị trường bảo hiểm phát triển hơn nữa cả về “lượng” và “chất”.

Tuy vậy, để đạt được mục tiêu phát triển chất lượng, bền vững, thì không thể thay đổi ngay trong “ngày một, ngày hai” mà cần một quá trình, làm từng bước. Trong thời gian tới, thị trường bảo hiểm Việt Nam đặt chất lượng phát triển lên hàng đầu, nhưng để “hài hòa lợi ích, rủi ro chia sẻ”, thì cần các giải pháp đồng bộ từ cả phía cơ quan quản lý, sự chung tay vào cuộc thực sự của cả các doanh nghiệp bảo hiểm, Hiệp hội Bảo hiểm Việt Nam và người tham gia bảo hiểm.

Về phía cơ quan quản lý, Bộ Tài chính cho biết sẽ tiếp tục hoàn thiện các cơ chế chính sách liên quan đến sản phẩm bảo hiểm, công khai, minh bạch thông tin về sản phẩm và doanh nghiệp bảo hiểm để người dân có thể dễ dàng tiếp cận thông tin khi tìm hiểu, lựa chọn cho mình sản phẩm bảo hiểm phù hợp.

Mặt khác, cơ quan quản lý đã và tiếp tục yêu cầu rà soát, tăng cường công tác thanh tra, giám sát hoạt động của các doanh nghiệp bảo hiểm và tiến hành xử lý nghiêm minh nếu phát hiện các trường hợp đại lý bảo hiểm sai phạm quy định pháp luật./.

Bảo Yến

Nguồn Quốc Hội: https://quochoi.vn//tintuc/pages/tin-hoat-dong-cua-quoc-hoi.aspx?itemid=85416