Thi tốt nghiệp THPT chỉ với 2 môn bắt buộc là phương án phù hợp?

2025 là năm đầu tiên lứa học sinh theo Chương trình giáo dục phổ thông 2018 thi tốt nghiệp THPT. Do đó, số môn thi, cách thức tổ chức thi tốt nghiệp THPT năm 2025 đang nhận được sự quan tâm đặc biệt của học sinh, phụ huynh và giáo viên.

Học sinh lo lắng, mong mỏi từng ngày được biết phương án thi

Là học sinh sẽ tham gia kỳ thi tốt nghiệp THPT đầu tiên của lứa học chương trình mới, Trần Tùng Lâm (học sinh lớp 11 Trường THPT Việt Trì, Phú Thọ) đã lên kế hoạch ôn tập cho kỳ thi tốt nghiệp THPT 2025. Tuy nhiên, Tùng Lâm khá lo lắng bởi đến thời điểm này vẫn chưa có phương án thi tốt nghiệp THPT.

"Em theo khối tự nhiên nên nếu phương án thi lựa chọn Lịch sử là môn thi bắt buộc thì em sẽ gặp khó khăn. Tuy nhiên, dù chốt phương án nào thì em cũng mong Bộ GD&ĐT sớm có thông báo chính thức để chúng em có lộ trình học phù hợp. Bên cạnh đó, chúng em mong sẽ được giảm số môn thi bắt buộc để không gây ảnh hưởng đến việc định hướng học tập".

Không riêng gì Tùng Lâm, hơn một năm nữa, Gia Bách - học sinh lớp 11 Trường THPT Trung Văn (Hà Nội) cũng bước vào kỳ thi tốt nghiệp THPT 2025. Bách đã lựa chọn được ngành học mong muốn nhưng em khá lo lắng nếu phương án thi tốt nghiệp THPT có môn không phải là sở trường.

Học sinh mong sẽ được giảm số môn thi bắt buộc trong kỳ thi thi tốt nghiệp THPT 2025 để không gây ảnh hưởng đến việc định hướng học tập. Ảnh minh họa

"Mặc dù đã xác định ngành học nhưng hiện tại vẫn chưa có phương án thi chính thức nên em hơi mất định hướng, em sợ sẽ phải thay đổi ngành học mà mình mong muốn trong tương lai. Không chỉ em mà tất cả bạn bè của em đều mong mỏi từng ngày được biết phương án thi để có kế hoạch học và ôn tập.

Chúng em đều mong phương án thi chỉ có 2 môn bắt buộc là Toán, Ngữ văn và 2 môn lựa chọn. Phương án này gọn nhẹ, giảm bớt áp lực thi cử. Với Ngoại ngữ, dù không thi nhưng chúng em ý thức đây là công cụ quan trọng cho công việc sau này nên luôn cố gắng học tốt", Gia Bách chia sẻ.

Thi tốt nghiệp THPT chỉ 2 môn bắt buộc là phương án hay

Hiện Bộ GD&ĐT đang lấy ý kiến khảo sát phương án thi tốt nghiệp THPT năm 2025. Theo đó, Bộ tiếp tục xin ý kiến các địa phương, chuyên gia về số lượng môn thi phù hợp với kỳ thi tốt nghiệp THPT từ năm 2025 theo ba phương án. Phương án 4+2 là thí sinh thi 4 môn bắt buộc (Ngữ văn, Toán, Ngoại ngữ, Lịch sử) và 2 môn tự chọn. Phương án 3 + 2 là thi bắt buộc 3 môn (Ngữ văn, Toán, Ngoại ngữ) và 2 môn tự chọn. Phương án 2+2 gồm 2 môn thi bắt buộc (Toán, Ngữ văn) và 2 môn tự chọn.

Theo ghi nhận của phóng viên, phương án giảm môn thi bắt buộc đang nhận được sự đồng tình của đa số học sinh, phụ huynh và cả giáo viên. Đa số đều cho rằng, phương án thi chỉ 2 môn bắt buộc là phù hợp với tình hình thực tế hiện nay.

Trên nhiều diễn đàn mạng xã hội về giáo dục, chủ đề về phương án thi tốt nghiệp THPT 2025 được đưa ra bàn luận, thu hút hàng nghìn ý kiến góp ý, trong đó có không ít giáo viên. Theo đó, một diễn đàn giáo dục có gần 140.000 thành viên, phương án thi tốt nghiệp với 4 môn gồm 2 môn bắt buộc và 2 môn tự chọn được đánh giá là "hợp tình, hợp lý". Một giáo viên nêu quan điểm: "Gần 40 năm dạy học, qua mấy kỳ đổi mới, tôi thấy phương án 2+2 là phù hợp, đúng Luật Giáo dục, đáp ứng yêu cầu phát triển và đánh giá năng lực toàn diện của người học".

Chủ đề về phương án thi tốt nghiệp THPT 2025 được đưa ra bàn luận, thu hút hàng nghìn ý kiến góp ý trên các diễn đàn mạng xã hội.

Thầy Nguyễn Văn Hùng - Hiệu trưởng Trường THPT Tân Sơn (huyện Tân Sơn, Phú Thọ) ủng hộ phương án 2 + 2 với lý do: Bảo đảm đánh giá được năng lực và phẩm chất học sinh; giảm áp lực thi cử; phù hợp cho giáo viên, học sinh các trường miền núi. "Thực tế, đội ngũ giáo viên ở nhiều trường miền núi chưa đủ số lượng và đồng bộ cơ cấu môn học; khả năng, cơ hội tiếp xúc ngoại ngữ hạn chế; số học sinh có nhu cầu học đại học sau tốt nghiệp THPT không cao. Do vậy, cần tổ chức kỳ thi tốt nghiệp với môn Ngữ văn đại diện cho khoa học xã hội, môn Toán đại diện cho khoa học tự nhiên và 2 môn lựa chọn theo năng lực, sở trường của học sinh. Kết quả các môn thi đủ để đánh giá năng lực và phẩm chất người học, bảo đảm đúng yêu cầu Chương trình giáo dục phổ thông 2018".

Về việc chọn một phương án thi, PGS.TS Đỗ Ngọc Thống cho biết: "Tôi ủng hộ phương án 2+2 ngay từ đầu. Vì phương án này phù hợp với tất cả các tiêu chí và nguyên tắc mà Bộ GD&ĐT nêu lên, nhất là đáp ứng yêu cầu của Nghị quyết 29-NQ/TW, Nghị quyết số 88/2014/QH của Quốc hội. Về sự lựa chọn các tổ hợp khối thi, tôi thấy không mất cân bằng mà ngược lại, vì Toán và Ngữ văn là 2 môn tiêu biểu cho 2 loại tư duy, 2 lĩnh vực cơ bản và cũng là 2 môn học được nhiều nước lựa chọn trong đánh giá năng lực, cũng như thi tốt nghiệp cấp THPT... Các khối tổ hợp môn học ở THPT đều liên quan đến 2 môn học này...".

Là một chuyên gia giáo dục độc lập, thầy Vũ Khắc Ngọc cho rằng mỗi phương án có tính logic riêng. "Tuy nhiên, nếu được lựa chọn tôi thiên về việc chỉ thi 2 môn bắt buộc là Toán, Ngữ văn và ít nhất là 2 môn tự chọn trong số các môn còn lại. Về mặt cơ học, việc này rút ngắn thời gian thi trong vòng 1,5 ngày. Phương án này cũng đáp ứng cả hai mục tiêu tốt nghiệp THPT và xét tuyển vào đại học".

Có ý kiến cho rằng, phương án này ảnh hưởng đến việc học Ngoại ngữ của học sinh, theo thầy Ngọc, mỗi cá nhân có nguyện vọng khác nhau. Trong vài năm gần đây, xuất phát từ nhu cầu phục vụ xét tuyển đại học, không ít thí sinh lựa chọn đi học chứng chỉ Ngoại ngữ quốc tế dù Bộ GD&ĐT không bắt buộc. "Ở nhiều địa phương khó khăn và với trường hợp không có nguyện vọng làm việc trong khu vực có yếu tố quốc tế, học sinh học Tiếng Anh yếu và chỉ đi thi cho có. Kết quả là phổ điểm thi Tiếng Anh có dạng hình yên ngựa với 2 đỉnh tách biệt rõ ràng. Thực tế đó cho thấy Ngoại ngữ nên là môn thi tự chọn thay vì bắt buộc", thầy Ngọc nêu quan điểm.

Đỗ Vi

Nguồn SK&ĐS: https://suckhoedoisong.vn/thi-tot-nghiep-thpt-chi-voi-2-mon-bat-buoc-la-phuong-an-phu-hop-169231101102638826.htm