Thi THPT quốc gia 2016: Những dạng bài thi có thể gặp với môn Lịch sử

Chỉ còn vài ngày nữa là kỳ thi THPT quốc gia bắt đầu, rất nhiều thí sinh tỏ ra hoang mang, lo lắng, nhất là với bộ môn Lịch Sử. Nhiều thí sinh cho rằng môn Sử là môn khó nhất bởi các sự kiện dày đặc, kiến thức lại nhiều không nắm bắt được trọng tâm.

Liên quan tới vấn đề trên, phóng viên báo Infonet đã có cuộc trò chuyện cùng cô Đỗ Kim Xinh – Giáo viên dạy Lịch Sử tại THPT Chuyên Nguyễn Huệ (Hà Nội).

Thưa cô, với kinh nghiệm nhiều năm ôn thi cho các thí sinh, cô có thể đưa ra nội dung kiến thức trọng tâm của môn Lịch Sử trong kỳ thi THPT quốc gia sắp tới?

Trong kỳ thi THPT quốc gia sắp tới, thí sinh có thể tham khảo một số kiến thức trọng tâm như:

Đối với phần lịch sử Việt Nam thí sinh nên chú ý tới những sự kiện lịch sử trọng đại của dân tộc như: Thành lập Đảng Cộng sản Việt Nam, cách mạng tháng Tám, những thắng lợi quyết định về quân sự, ngoại giao trực tiếp đi đến kết thúc cuộc kháng chiến chống Pháp, Mĩ.

Đối với phần lịch sử thế giới kiến thức trọng tâm được khai thác nhiều sẽ nằm vào phần kinh tế, khoa học kĩ thuật và chính sách đối ngoại của Mĩ, Tây Âu; phần quan hệ quốc tế; tác động của toàn cầu hóa; Những mốc chính về phong trào giải phóng dân tộc ở Châu Phi, khu vực Mĩ La tinh, châu Á.

Thưa cô, trong quá trình làm bài thi, thí sinh cần phải nắm những nguyên tắc nào để có thể đạt được điểm cao?

Trước hết về văn phong phải rõ ràng, mạch lạc, không sai lỗi chính tả, không gạch xóa nhiều trong bài, không xuống dòng tùy tiện. Bởi lẽ, bài thi Sử cần trình bày như một bài văn có mở bài, thân bài và kết luận.

Phần nội dung, học sinh phải đọc kĩ đề, xác định thời gian, không gian, phạm vi kiến thức có liên quan. Đặc biệt, thí sinh phải xác định kiến thức trọng tâm của câu hỏi.

Sau khi thực hiện các bước trên, thí sinh gạch ra được dàn ý sơ lược cho mỗi câu hỏi khoảng 5 phút trước khi viết để hạn chế bị lạc đề hay viết thiếu ý.

Ngoài kiến thức cơ bản trong sách giáo khoa, thí sinh cần có khả năng trình bày thái độ của mình đối với sự kiện lịch sử mà đề hỏi (chính là phần vận dụng kiến thức lịch sử trong những câu hỏi so sánh, liên kết nhiều sự kiện và đặc biệt đối với những câu chứng minh và phân tích một nhận định đúng hay sai).

Thí sinh cần phân bố lượng thời gian thế nào là hợp lý thưa cô?

Thí sinh nên chia 180 phút theo thang điểm 10 để tránh trường hợp viết quá dài và mất nhiều thời gian cho một câu tâm đắc thì sẽ không đủ thời gian cho câu sau.

Thí sinh nên làm bài theo thứ tự từ câu 1, bên cạnh đó khi làm bài thí sinh nên viết đề và số điểm trước khi trình bày. Điều đó sẽ tạo sẽ giúp giáo viên thuận lợi hơn khi chấm bài nhất là những bài chấm đầu tiên.

Trong trường hợp thí sinh bị sa lầy, mất nhiều thời gian vào câu đầu tiên thì đến câu sau thiếu thời gian thí sinh nên trình bày dàn ý, viết kiến thức trọng tâm. Với thời gian làm bài là 180 phút thí sinh nên viết khoảng 9 đến tối đa 12 mặt giấy là vừa đủ .

Những dạng câu hỏi thế nào thí sinh rất có thể bắt gặp trong bài thi THPT quốc gia sắp tới thưa cô?

Trong bài thi, rất có thể thí sinh sẽ có dạng nhận biết nhằm tái hiện lịch sử thường dùng cho phần lịch sử thế giới và một câu lịch sử Việt Nam. Ví dụ: Chiến thắng quân sự nào trong chống Pháp (1945-1954) buộc Pháp từ đánh nhanh thắng nhanh sang đánh lâu dài?; Trình bày những nét chính về sự phát triển kinh tế Mĩ (1945-2000).

Dạng câu hỏi 5 điểm còn lại dành cho học sinh khá, giỏi để phân loại thí sinh. Các kiểu câu hỏi như: So sánh, chứng minh một nhận định hoặc phủ nhận một nhận định sai và dùng kiến thức của mình để bảo vệ chính kiến.

Một dạng câu hỏi nữa thí sinh cũng dễ bắt gặp là: Sử dụng kiến thức rút gọn trong bảng kiến thức cho sẵn để liên kết làm rõ yêu cầu đề ra. Một số câu hỏi minh họa cho các dạng đề trên như:

So sánh chiến dịch Điện Biên Phủ 1954 và chiến dịch Hồ Chí Minh 1975 để làm rõ bước phát triển của cuộc kháng chiến chống ngoại xâm của dân tộc;

Có quan điểm cho rằng: Cách mạng tháng Tám năm 1945 ở Việt Nam thắng lợi là ăn may. Em có đồng ý không? Vì sao?;

Thông qua các sự kiện trong bảng sau làm rõ xu thế tất yếu của cách mạng Việt Nam: Ngày 9-2-1930 khởi nghĩa Yên Bái. ngày 3-2-1930 hội nghị thành lập Đảng Cộng sản Việt Nam, năm 1930-1931 phong trào cách mạng đỉnh cao là Xô Viết Nghệ Tĩnh.

Xu hướng hiện nay rất nhiều đề thi hỏi về phần kiến thức mang tính chất thời sự. Theo cô, những kiến thức thời sự nào thí sinh có thể gặp trong kỳ thi THPT quốc gia sắp tới?

Thí sinh nên chú ý đến vấn đề Biển Đông, Hiệp định TPP, quan hệ Việt - Mĩ. Những câu hỏi minh họa cho dạng bài này thí sinh có thể tham khảo như: Quan hệ Việt - Mĩ sau chiến tranh lạnh có gì khác trước; Thời cơ và thách thức khi Việt Nam hội nhập quốc tế và khu vực; Những việc làm của Trung Quốc trên biển Đông có phù hợp với xu thế của thế giới ngày nay không? Vì sao?....

Xin cảm ơn sự chia sẻ từ cô!

Hoàng Thanh

Nguồn Infonet: http://infonet.vn/thi-thpt-quoc-gia-2016-nhung-dang-bai-thi-co-the-gap-voi-mon-lich-su-post202140.info