Thí sinh không tay ước mơ làm cô giáo tiếng Anh

Sinh ra đã không có hai tay, nhưng suốt 12 năm học phổ thông Lê Thị Thắm (huyện Đông Sơn, Thanh Hóa) đều đạt học sinh khá giỏi. Ước mơ sôi sục trong em lúc này là đạt kết quả tốt kỳ thi THPT quốc gia để trở thành “cô giáo tiếng Anh” trong tương lai…

Về xã Đông Thịnh thời gian này khó gặp vì Thắm bận đi học thêm khắp nơi để hi vọng có một kỳ thi đạt kết quả tốt. Việc đi lại phải nhờ mẹ giúp – cho nên mẹ em - chị Nguyễn Thị Tình vừa lo việc nhà, vừa phải tranh thủ thời gian đưa đón con.

Hai mẹ con em Thắm

Chị Tình kể, khi sinh ra cháu Thắm đã không có hai tay. Từ đó đến nay gia đình luôn sống trong cảnh khó khăn, thiếu thốn… Cuộc sống sinh hoạt phụ thuộc vào người mẹ.

Không phụ công của bố mẹ, trong suốt 12 năm học - Thắm cũng đạt học sinh khá giỏi của trường….

Hai năm nay, đôi chân của Thắm không còn được như trước, mọi sinh hoạt đối với em đều khó khăn dần. Mọi việc cá nhân đều phải có sự trợ giúp từ mẹ. Thế nhưng nghị lực của Thắm đến nay vẫn không hề suy giảm.

Chị Tình cho biết, vì lo cho kỳ thi sắp tới mà sức khỏe của con ngày càng suy giảm, cân nặng cháu cũng sụt đi mất mấy cân. Đôi chân cầm bút cũng khó khăn hơn mỗi khi chở trời nên cháu rất sợ không hoàn thành tốt trong kỳ thi sắp tới.

Thắm đang ôn lại kiến thức chuẩn bị cho kỳ thi THPT quốc gia

Thắm chia sẻ: “Là người bình thường nếu thi trượt kỳ thi này các bạn còn có thể học nghề, hoặc đi làm giúp đỡ gia đình. Còn em, với cơ thể tật nguyền như vậy nếu không thi đậu vào ĐH thì em sẽ tạo thêm gánh nặng cho gia đình. Chính vì vậy mà em phải học, học thật nhiều để đạt kết quả cao. Và đó cũng là áp lực đối với em”.

Nói về kết quả của kỳ thi sắp tới, Thắm tự tin mình sẽ thi đậu vào ngành Sư phạm chuyên ngành tiếng Anh để sau này có thể về quê dạy cho các em trong làng, đồng thời có thể làm thêm như phiên dịch, dịch thuật kiếm tiền phụ giúp gia đình.

Tuy nhiên, điều mà chị Tình lo lắng, nếu con gái có đậu vào trường ĐH thì gia đình chị lại thêm một gánh nặng. Bởi, suốt 12 năm qua chị không làm được việc gì ngoài hai buổi đưa con gái đi học, đón về.

Thời gian rảnh, Thắm học trên máy tính

“Con gái đậu ĐH, chắc phải tính đi theo, rồi tìm công việc phù hợp để chăm lo cho con ăn học” – chị Tình lo lắng.

Lê Anh

Nguồn VietnamNet: http://vietnamnet.vn/vn/giao-duc/tuyen-sinh/312822/thi-sinh-khong-tay-uoc-mo-lam-co-giao-tieng-anh.html