Thí sinh kết thúc bài thi tổ hợp môn Khoa học xã hội với tâm trạng vui vẻ

Sau khi kết thúc thời gian làm bài thi môn tổ hợp Khoa học xã hội ( Lịch sử, Địa lý, Giáo dục công dân) với thời gian làm bài mỗi môn thi là 50 phút, nhiều thí sinh tự tin với bài làm của mình có thể đạt từ 7 đến 8 điểm.

Nhiều thí sinh phấn khởi với bài làm tổ hợp môn Khoa học xã hội. Ảnh ĐH.

Thí sinh Đinh Phạm Linh Chi, học sinh trường THPT Cầu Giấy (Hà Nội) nhận xét: Đề thi tổ hợp môn Khoa học xã hội khá bình thường, những học sinh lực học trung bình cũng có thể đạt điểm 5, 6. Cá nhân em chỉ mất 20 phút để hoàn thành một môn thi. “Đối với tổ hợp môn Khoa học xã hội có môn Lịch sử là môn thi khó nhất trong cả 3 bài thi. Vì trong bài thi Lich sử có nhiều câu hỏi khó đòi hỏi thí sinh phải am hiểu kiến thức lịch sử rộng. Năm nay là năm đầu tiên thi Giáo dục công dân nhưng đề thi khá gần gũi và áp dụng nhiều trong đời sống nên không gây khó khăn cho thí sinh. Đối với đề thi môn Địa lý không có câu hỏi đánh đố thí sinh”.

Cũng giống với những thí sinh dự thi tổ hợp môn Khoa học tự nhiên, thí sinh Linh Chi nhận định, thời gian thi khá dài với lượng kiến thức nhiều nên thí sinh mệt mỏi và căng thẳng để hoàn thành tốt các bài thi.

Sau khi kết thúc bài thi tổ hợp môn Khoa học xã hội, nhiều thí sinh bước ra từ phòng thi với tâm trạng phấn khởi vì đề thi vừa sức. Thí sinh Nguyễn Thị Phương Anh, học sinh trường THPT Nguyễn Thị Minh Khai (Hà Nội) cho biết: “Em thấy khó với một vài câu hỏi trong đề thi môn Lịch sử một phần cần sự tư duy, một phần là do em chưa ôn kỹ một số nội dung trong sách giáo khoa. Tuy nhiên enm tự tin mỗi môn thi của mình có thể đạt từ 7 -9 điểm”.

Tại TP. Hồ Chí Minh nhiều thí sinh cũng tỏ ra vô cùng hài lòng với đề thi môn Giáo dục công dân, môn học lần đầu tiên được đưa vào kỳ thi THPT quốc gia. Tại điểm thi trường THCS Võ Trường Toản (TP. Hồ Chí Minh) thí sinh Trương Phan Kim Anh, học Trung tâm Giáo dục thường xuyên (Quận 1) cho biết “So với đề minh họa, đề thi tổ hợp môn Khoa học xã hội không khác nhiều nên em thấy cũng dễ làm. Đối với đề thi môn Địa lý có 40 câu, trong đó khoảng 5-6 câu vận dụng Atlat để làm bài thi. Ngoài ra, trong đề thi môn Địa lý cũng có một số câu hỏi vận dụng kiến thức thực tế như vấn đề thất nghiệp hiện nay xảy ra nhiều ở đâu, ở nông thôn hay thành thị”.

Một thí sinh tại điểm thi trường THPT Trưng Vương (TP. Hồ Chí Minh) nêu quan điểm: “Môn học Giáo dục công dân trở cũng nên sống động, ý nghĩa hơn nhờ đề thi mở, bỏ lối học vẹt, nhồi nhét lâu nay".

Đánh giá về buổi thi tổ hợp môn Khoa học xã hội, ông Nguyễn Tiến Đạt, Phó Giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo TP.Hồ Chí Minh cho biết: Kỳ thi THPT quốc gia 2017 là năm đầu tiên các bài thi theo hình thức trắc nghiệm (trừ môn Ngữ văn), Sở Giáo dục và Đào tạo TP. Hồ Chí Minh đã chuẩn bị rất kỹ lưỡng, đặc biệt, việc tổ chức thi bài thi tổ hợp được chuẩn bị chu đáo, do vậy 3 ngày thi diễn ra tốt đẹp, không có sự cố xảy ra về thực hiện bài thi tổ hợp. Việc thi trắc nghiệm là xu thế chung các kỳ thi, cho nên việc thi tổ hợp cũng không căng thẳng. Kỳ thi đã đáp ứng được yêu cần nhẹ nhàng và giảm tải.

Đỗ Hòa- Thu Dịu

Nguồn Hải Quan: http://www.baohaiquan.vn/pages/thi-sinh-ket-thuc-bai-thi-to-hop-mon-khoa-hoc-xa-hoi-voi-tam-trang-vui-ve.aspx