Thí sinh có đang chịu cảnh 'phí chồng phí' để xét tuyển vào đại học?

Theo đại diện Bộ GD&ĐT, năm nay, hệ thống phần mềm hỗ trợ tuyển sinh chung của Bộ GD&ĐT được nâng cấp, mở rộng chức năng, cập nhật, đổi mới. Thí sinh đăng ký nguyện vọng theo ngành, không phải đăng ký phương thức và tổ hợp xét tuyển.

Năm nay, thí sinh khi xét tuyển sớm có hai lần đóng lệ phí xét tuyển gồm lệ phí xét tuyển đóng trực tiếp cho các trường đại học khi nộp hồ sơ về trường và lệ phí xét tuyển đóng cho Bộ GD&ĐT khi đăng ký nguyện vọng lên Hệ thống hỗ trợ tuyển sinh chung.

Mức phí xét tuyển khi đăng ký nguyện vọng lên Hệ thống tuyển sinh chung của Bộ GD&ĐT là 20.000 đồng/nguyện vọng (bao gồm cả các nguyện vọng xét tuyển sớm và nguyện vọng theo phương thức xét điểm thi tốt nghiệp THPT). Mức phí này không thay đổi từ năm 2022 tới 2023.

Còn lệ phí xét tuyển sớm theo các phương thức khác nhau (trừ xét tuyển theo điểm thi tốt nghiệp THPT) do các trường đại học tự quy định. Mỗi trường, mỗi phương thức xét tuyển có mức lệ phí và cách tính lệ phí khác nhau. Có trường thu theo hồ sơ, có trường thu theo nguyện vọng hoặc theo phương thức xét tuyển, có trường lại không thu lệ phí xét tuyển cho các phương thức xét tuyển riêng.

Thí sinh tham dự kỳ thi tốt nghiệp THPT 2023.

Thí sinh tham dự kỳ thi tốt nghiệp THPT 2023.

Nhiều ý kiến cho rằng, thí sinh đang phải chịu cảnh "phí chồng phí" khi cùng một nguyện vọng nhưng vừa phải đóng trực tiếp cho trường (qua xét tuyển sớm), vừa phải đóng cho Bộ GD&ĐT (khi đăng ký trên Hệ thống).

Bộ GD&ĐT khẳng định, hai lệ phí này là tách biệt

Lý giải về việc vì sao thí sinh khi xét tuyển sớm phải nộp hai lần lệ phí xét tuyển, trao đổi với báo chí, đại diện Bộ GD&ĐT khẳng định, hai lệ phí này hoàn toàn tách biệt.

Năm 2023, hệ thống phần mềm hỗ trợ tuyển sinh chung của Bộ GD&ĐT được nâng cấp, mở rộng chức năng, cập nhật, đổi mới. Thí sinh đăng ký nguyện vọng theo ngành, không phải đăng ký phương thức và tổ hợp xét tuyển.

Hệ thống đã đổi mới, mở rộng nhiều, không có sự phân biệt thí sinh trúng tuyển sớm hay không. Việc thí sinh có kết quả điểm thi tốt nghiệp THPT, kết quả học bạ, kết quả thi Đánh giá năng lực, Đánh giá tư duy, trúng tuyển sớm… chỉ là các nguồn dữ liệu để xét tuyển (không có sự phân biệt).

Theo đại diện Bộ GD&ĐT, sự thay đổi này giúp thí sinh thao tác đơn giản hơn, tránh nhầm lẫn, nhưng phức tạp cho phần mềm và cho đội ngũ hỗ trợ kỹ thuật. Tuy nhiên, Bộ GD&ĐT vẫn giữ nguyên mức lệ phí xét tuyển khi đăng ký nguyện vọng lên Hệ thống tuyển sinh chung, mà không tăng so với năm 2022. Thực tế, mức này so với mức thu năm 2021 đã giảm 5.000 đồng/nguyện vọng.

Trong Hội nghị tuyển sinh 2023, các trường đã thống nhất căn cứ vào mức lệ phí chung là 20.000 đồng/nguyện vọng để đề ra mức lệ phí (nếu có) cho các phương thức xét tuyển riêng (nếu có).

Lệ phí trường thu chỉ tính đến việc trường xử lý thêm trong quá trình xét tuyển sớm, không bao gồm phần xử lý, sắp xếp trên hệ thống chung. "Trong trường hợp có trường thu lệ phí, thì lệ phí của họ chỉ tính đến việc mà trường thực hiện xử lý thêm trong quá trình xét tuyển sớm, chứ không bao gồm phần xử lý, sắp xếp trên Hệ thống hỗ trợ tuyển sinh chung. Hai lệ phí này là tách biệt, không phải thu hai lần, mà là hai công việc hoàn toàn khác nhau", đại diện Bộ GD&ĐT thông tin.

Đỗ Vi

Nguồn SK&ĐS: https://suckhoedoisong.vn/thi-sinh-co-dang-chiu-canh-phi-chong-phi-de-xet-tuyen-vao-dai-hoc-169230813102732482.htm