Thi đua yêu nước góp phần xây dựng quê hương giàu mạnh

Thời gian qua, triển khai các phong trào thi đua do Chính phủ phát động, Tỉnh ủy, HĐND, UBND, Ủy ban MTTQ, Hội đồng Thi đua - Khen thưởng tỉnh tập trung lãnh đạo, chỉ đạo cả hệ thống chính trị, các thành phần kinh tế, các tầng lớp nhân dân ra sức thi đua hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ phát triển kinh tế, xã hội, bảo đảm quốc phòng, an ninh, hoàn thành mục tiêu Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XVI đề ra, góp phần xây dựng quê hương, đất nước giàu mạnh.

Ngành GD-ĐT thường xuyên phát động nhiều phong trào thi đua trong dạy và học. Trong ảnh: Hai học sinh Võ Hoàng Anh và Nguyễn Văn Thi (Trường THPT Ngô Gia Tự) xuất sắc trong học tập và nỗ lực vượt khó được Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam (phải) và lãnh đạo tỉnh tặng quà. Ảnh: HÀ MY

Báo Phú Yên phỏng vấn đồng chí Phan Đình Phùng, Phó Chủ tịch UBND tỉnh, Phó Chủ tịch Hội đồng Thi đua - Khen thưởng tỉnh về những kết quả của phong trào thi đua 5 năm qua và những định hướng trong thời gian đến.

* Thời gian qua, cùng với cả nước, Phú Yên đã phát động nhiều phong trào thi đua, gắn với từng lĩnh vực cụ thể. Kết quả mang lại như thế nào, thưa đồng chí?

- 5 năm qua, tỉnh Phú Yên đã chỉ đạo tổ chức, thực hiện kịp thời, có hiệu quả các phong trào thi đua do Thủ tướng Chính phủ phát động; đồng thời chỉ đạo, tổ chức phát động nhiều phong trào thi đua yêu nước thường xuyên, chuyên đề trên địa bàn tỉnh, với nội dung phong phú, thiết thực, góp phần thực hiện thắng lợi nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội 5 năm và hàng năm theo Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XVI. Nổi bật là một số phong trào thi đua “Cả nước chung sức xây dựng nông thôn mới”.

Qua 10 năm thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới, cấp ủy đảng, chính quyền tỉnh Phú Yên đã phát huy sức mạnh của cả hệ thống chính trị và vai trò chủ thể của người dân, cụ thể hóa hành động qua các nghị quyết, chỉ thị, kế hoạch, chương trình; thực hiện tốt các phong trào: “Toàn dân đoàn kết xây dựng nông thôn mới, đô thị văn minh”, “Phú Yên chung sức xây dựng nông thôn mới”... Đến tháng 7/2020, toàn tỉnh có 55 xã đạt nông thôn mới (66%) và 1 xã nông thôn mới nâng cao (Hòa Quang Bắc, huyện Phú Hòa); 2 huyện đạt chuẩn nông thôn mới (Tây Hòa và Phú Hòa). Dự kiến đến hết năm 2020 sẽ đạt 57 xã nông thôn mới (68%) và đạt 5 xã nông thôn mới nâng cao.

Với phong trào “Doanh nghiệp Việt Nam hội nhập và phát triển”, tỉnh đã thực hiện nhiều giải pháp nhằm hỗ trợ doanh nghiệp, trong đó tập trung đẩy mạnh cải cách thủ tục hành chính, nhất là các thủ tục liên quan đăng ký doanh nghiệp, chủ trương đầu tư, giấy phép xây dựng, đất đai...; hỗ trợ doanh nghiệp tiếp cận các nguồn vốn tín dụng để phát triển sản xuất; lãnh đạo tỉnh đối thoại với cộng đồng doanh nghiệp nhằm kịp thời nắm bắt và giải quyết các khó khăn, vướng mắc. Lũy kế đến nay, số doanh nghiệp hoạt động trên địa bàn tỉnh là 3.298 doanh nghiệp, với tổng vốn đăng ký là 57.528 tỉ đồng, đã góp phần giải quyết việc làm cho nhiều lao động ở địa phương.

Với phong trào “Cả nước chung tay vì người nghèo - không ai bị bỏ lại phía sau”, tỉnh thực hiện tốt các chương trình, chính sách bảo trợ xã hội, cứu trợ, trợ giúp kịp thời cho hàng vạn hộ gia đình bị ảnh hưởng của thiên tai bão lụt; hỗ trợ xây dựng nhà ở cho hộ nghèo... Đến nay, toàn tỉnh có 20.550 hộ thoát nghèo; ước đến cuối năm 2020, tỉ lệ hộ nghèo còn 2,5% đạt chỉ tiêu Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XVI đề ra.

Ngoài ra, còn có các phong trào thi đua: “Cán bộ, công chức, viên chức thi đua thực hiện văn hóa công sở”, “Chống rác thải nhựa và tăng cường kiểm soát ô nhiễm môi trường do sử dụng túi ni lông khó phân hủy trong sinh hoạt”, “Năm kỷ cương hành chính - 2017”; “Năm an toàn giao thông”; “Cơ quan, đơn vị giúp đỡ xã, thôn (buôn) khó khăn và cán bộ, đảng viên, công chức, viên chức giúp đỡ hộ nghèo”...

Các phong trào thi đua đã bám sát việc thực hiện các nhiệm vụ chính trị của từng ngành, từng giới gắn với đẩy mạnh học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh và thi đua lập thành tích nhân kỷ niệm các ngày lễ lớn, các sự kiện chính trị quan trọng của đất nước, của tỉnh; được các cấp, ngành và đông đảo tầng lớp nhân dân tích cực hưởng ứng tham gia sâu rộng.

Thông qua các phong trào thi đua đã kịp thời phát hiện, bồi dưỡng, khen thưởng, cổ vũ những nhân tố mới, điển hình tiên tiến trên các lĩnh vực, tạo sức lan tỏa mạnh mẽ trong toàn xã hội.

Nhiều tập thể điển hình tiêu biểu trong phong trào thi đua, như: Công ty CP PYMEPHARCO, Công ty TNHH Thủy sản Đắc Lộc, HTX Nông nghiệp kinh doanh dịch vụ Hòa Phong (huyện Tây Hòa), nhân dân và cán bộ xã Hòa Quang Bắc (huyện Phú Hòa), Trường THPT Nguyễn Thị Minh Khai, Hội LHPN xã Hòa Kiến (TP Tuy Hòa), Đơn nguyên Tim mạch can thiệp - Khoa Hồi sức tích cực - Chống độc (Bệnh viện Đa khoa tỉnh), Đồn biên phòng An Hải (Bộ chỉ huy BĐBP tỉnh), Đại đội CB19 - Phòng Tham mưu (Bộ CHQS tỉnh), Công an TX Sông Cầu…

Trong 5 năm qua, phong trào thi đua được cả hệ thống chính trị của tỉnh vào cuộc và mang lại những kết quả tích cực. Trong ảnh: Cán bộ, đảng viên, người lao động diễu hành tại một lễ kỷ niệm tổ chức ở TP Tuy Hòa. Ảnh: DƯƠNG THANH XUÂN

* Để thực hiện thắng lợi nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội 5 năm (2016-2020) theo Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh Phú Yên lần thứ XVI, UBND tỉnh phát động phong trào thi đua: “Phú Yên đoàn kết, sáng tạo, tích cực thi đua xây dựng và bảo vệ Tổ quốc”. Kết quả mang lại từ phong trào thi đua này như thế nào, thưa đồng chí?

- Tỉnh xác định công tác thi đua, khen thưởng có tầm quan trọng đặc biệt, góp phần tạo động lực thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội, giữ vững quốc phòng - an ninh. Vì vậy, ngay sau khi tổ chức Đại hội Thi đua yêu nước của tỉnh lần thứ IV và Đại hội Thi đua yêu nước toàn quốc lần thứ IX, các cấp ủy đảng, chính quyền, Mặt trận Tổ quốc và các tổ chức chính trị - xã hội đã quán triệt, tổ chức nhiều hội nghị phát động, ban hành văn bản chỉ đạo triển khai các phong trào thi đua trên địa bàn tỉnh theo chủ đề “Phú Yên đoàn kết, sáng tạo, tích cực thi đua xây dựng và bảo vệ Tổ quốc”. Đây là một phong trào lớn, toàn diện nhằm thực hiện thắng lợi nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội 5 năm (2016-2020) theo Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh Phú Yên lần thứ XVI.

Trong từng lĩnh vực, các ngành, đơn vị tiếp tục cụ thể các mục tiêu, nhiệm vụ gắn với thực tế nhiệm vụ chính trị, chuyên môn của mình, từ đó từng cán bộ, công chức, viên chức, công nhân, nông dân, đoàn viên, hội viên ra sức thi đua hoàn thành tốt nhiệm vụ, vượt năng suất lao động, định mức công việc, có nhiều sáng kiến cải tiến mang lại hiệu quả kinh tế - xã hội, góp phần vào thành công chung trong mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội, quốc phòng - an ninh của tỉnh.

Nổi bật là đợt thi đua cao điểm lập thành tích kỷ niệm 30 năm Ngày tái lập tỉnh Phú Yên (1/7/1989-1/7/2019), đến nay đã tổ chức khởi công, khánh thành gắn biển 49 công trình kỷ niệm 30 năm tái lập tỉnh Phú Yên. Công tác thu hút xúc tiến đầu tư có nhiều chuyển biến tích cực cả về lượng lẫn về chất. Trong 5 năm, toàn tỉnh đã thu hút hơn 230 dự án đầu tư ngoài ngân sách với tổng vốn đăng ký đầu tư hơn 31.000 tỉ đồng.

Kết quả đạt được nổi bật trên một số lĩnh vực: Nền kinh tế tỉnh phát triển ổn định và tăng trưởng với tốc độ tăng bình quân hàng năm 7%. Cơ cấu kinh tế chuyển dịch theo hướng tích cực, khu vực công nghiệp - xây dựng chiếm tỉ trọng cao hơn khu vực nông - lâm - thủy sản trong cơ cấu GRDP. Thu nhập bình quân đầu người năm 2020 đạt 53,4 triệu đồng. Thu ngân sách bình quân tăng 25,2%/năm. Cơ sở vật chất trường học, bệnh viện từ tỉnh đến huyện, xã được đầu tư nâng cấp. 100% xã có điện lưới quốc gia, có bưu điện văn hóa xã, phủ sóng phát thanh, truyền hình rộng khắp trên địa bàn dân cư. Khu kinh tế Nam Phú Yên, Khu nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao chú trọng đầu tư hoàn thiện cơ sở hạ tầng, đẩy mạnh thu hút đầu tư.

Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới đạt nhiều kết quả tích cực. Các lĩnh vực văn hóa - xã hội, y tế, giáo dục chuyển biến tích cực, đời sống vật chất và tinh thần của nhân dân không ngừng được nâng cao. Tỉ lệ hộ nghèo (theo tiêu chí mới) đến cuối năm 2020 ước khoảng 2,5%, giảm bình quân 2%/năm; riêng hai huyện nghèo Sông Hinh và Đồng Xuân giảm từ 5-9%/năm, đạt và vượt nghị quyết đề ra.

* Thời gian tới, phong trào thi đua yêu nước trên địa bàn tỉnh sẽ tập trung vào những mục tiêu, nhiệm vụ và giải pháp trọng tâm nào, thưa ông?

- Nhìn chung, phong trào thi đua yêu nước trên địa bàn tỉnh trong 5 năm qua (2015-2020) có nhiều chuyển biến tích cực, song vẫn còn những hạn chế nhất định, cần phải khắc phục.

Giai đoạn 2020-2025 với khẩu hiệu hành động “Phú Yên đoàn kết, sáng tạo thi đua xây dựng và bảo vệ Tổ quốc”, phong trào thi đua yêu nước và công tác khen thưởng của tỉnh cần tiếp tục quán triệt, triển khai, tuyên truyền và tổ chức thực hiện các chủ trương, chính sách của Đảng, pháp luật của Nhà nước về thi đua, khen thưởng, nhất là quán triệt sâu sắc tư tưởng thi đua ái quốc của Chủ tịch Hồ Chí Minh “càng khó khăn thì càng phải thi đua” gắn với thực hiện tốt Chỉ thị 34-CT/TW ngày 7/4/2014 của Bộ Chính trị khóa XI về tiếp tục đổi mới công tác thi đua, khen thưởng.

Đẩy mạnh cải cách thủ tục hành chính, tổ chức các phong trào thi đua cần có mục tiêu thiết thực, cụ thể gắn với việc thực hiện nhiệm vụ chính trị và chỉ tiêu phát triển kinh tế - xã hội của từng cơ quan, đơn vị, địa phương.

Tiếp tục đổi mới toàn diện, sáng tạo trong tổ chức các phong trào thi đua cả về nội dung và hình thức, phương thức tổ chức; cần chú ý đến việc kiểm tra, đánh giá, sơ kết, tổng kết. Công tác khen thưởng phải kịp thời, chính xác, đúng người, đúng việc, lấy kết quả thực hiện nhiệm vụ chính trị làm thước đo khen thưởng, đặc biệt quan tâm phát hiện nhân tố mới, tăng cường khen đột xuất; chú trọng khen thưởng tập thể nhỏ, công nhân, nông dân, những người lao động trực tiếp.

Thông qua các phong trào thi đua để phát hiện, bồi dưỡng và nhân rộng các điển hình tiên tiến. Mỗi ngành, địa phương, cơ quan, đơn vị cần đánh giá, lựa chọn các điển hình tốt để nêu gương, học tập, tạo điều kiện để các điển hình phát huy được tác dụng và có sức lan tỏa rộng lớn trong xã hội…

* Xin cảm ơn đồng chí!

Kết quả khen thưởng giai đoạn 2015-2020

1. Khen thưởng cấp Nhà nước:

- Huân chương Độc lập các hạng: 1 tập thể và 3 cá nhân;

- Huân chương Lao động các hạng: 43 tập thể và 28 cá nhân;

- Cờ thi đua của Chính phủ: 58 tập thể;

- Bằng khen của Thủ tướng Chính phủ: 57 tập thể, 168 cá nhân.

- Chiến sĩ thi đua toàn quốc: 1 cá nhân.

2. UBND tỉnh khen thưởng:

- Cờ thi đua của tỉnh: 756 tập thể;

- Chiến sĩ thi đua cấp tỉnh: 136 cá nhân;

- Bằng khen của tỉnh: 3.631 tập thể, 7.774 cá nhân.

3. Khen thưởng thành tích trong hai cuộc kháng chiến:

- Huân chương Kháng chiến các hạng: 158 trường hợp; Huy chương Kháng chiến các hạng: 432 trường hợp; Bằng khen của Thủ tướng Chính phủ: 234 trường hợp.

- Kỷ niệm chương Bị địch bắt, tù đày: 189 trường hợp; Huân chương Độc lập cho gia đình có nhiều liệt sĩ hy sinh vì độc lập, tự do của Tổ quốc: 48 gia đình;

- Khen thưởng danh hiệu vinh dự Nhà nước “Bà mẹ Việt Nam Anh hùng”: 513 mẹ (trong đó phong tặng cho 37 mẹ, truy tặng cho 476 mẹ).

- Khen thưởng danh hiệu anh hùng LLVT nhân dân: 1 tập thể, 3 cá nhân.

TRẦN QUỚI (thực hiện)

Nguồn Phú Yên: http://www.baophuyen.com.vn/141/245962/thi-dua-yeu-nuoc-gop-phan-xay-dung-que-huong-giau-manh.html