Theo chân 'shipper'

'Đơn của chị hết 250 nghìn, chị thanh toán tiền mặt hay chuyển khoản… Hôm nay mưa quá, em còn 15 đơn nữa không biết bao giờ mới giao xong'. 18h, dưới cơn mưa phùn rả rích của những ngày đầu đông, vội lau lớp kính mờ trên chiếc mũ bảo hiểm, trong chiếc áo mưa đã nhuộm màu mưa nắng, Lê Mạnh Hưng – nhân viên giao hàng chuyển phát nhanh J&T Express đưa tôi đơn hàng sau khi đã thanh toán rồi vội vàng lên xe máy hòa vào dòng người tấp nập để tiếp tục những đơn hàng cuối ngày.

Hình ảnh những shipper đã trở nên quen thuộc trên mỗi tuyến phố, con đường.

(baophutho.vn) - “Đơn của chị hết 250 nghìn, chị thanh toán tiền mặt hay chuyển khoản… Hôm nay mưa quá, em còn 15 đơn nữa không biết bao giờ mới giao xong”. 18h, dưới cơn mưa phùn rả rích của những ngày đầu đông, vội lau lớp kính mờ trên chiếc mũ bảo hiểm, trong chiếc áo mưa đã nhuộm màu mưa nắng, Lê Mạnh Hưng – nhân viên giao hàng chuyển phát nhanh J&T Express đưa tôi đơn hàng sau khi đã thanh toán rồi vội vàng lên xe máy hòa vào dòng người tấp nập để tiếp tục những đơn hàng cuối ngày.

Xu hướng mua sắm trực tuyến lên ngôi, làm thay đổi thói quen tiêu dùng của con người vì sự tiện lợi, đơn giản, nhanh chóng, tiết kiệm thời gian, nhất là trong bối cảnh dịch bệnh COVID- 19 và “shipper” (người giao hàng) đã trở thành cầu nối giữa người bán với người mua, giúp hàng hóa được lưu thông. Họ là những người giao hàng làm việc cho các công ty chuyển phát, hoặc những người giao hàng thời vụ, giao hàng theo giờ cho các cửa hàng, quán ăn; độ tuổi trung bình từ 18 đến 50, nhanh nhẹn, hoạt bát, sử dụng thành thạo một số ứng dụng giao nhận hàng của hệ thống.

6h30 các shipper có mặt tại kho để lấy hàng và đi giao.

Một ngày, trung bình Hưng nhận hơn 60 đơn hàng giao tuyến đường Nguyễn Du và xã Hùng Lô, thành phố Việt Trì. Hưng cho biết: “Những ngày số lượng đơn hàng giao ở mức trung bình thì có thời gian nghỉ trưa, còn vào những đợt “sale” hầu hết là làm việc thông trưa không có thời gian nghỉ. Định mức một ngày, số đơn hàng giao thành công phải đạt từ 80% tổng đơn hàng, nếu không đạt sẽ bị trừ từ 500.000 đồng - 1.000.000 đồng/tháng, một đơn hàng giao thành công được 3.000 đồng. Dịch bệnh thì ai cũng lo sợ, nhưng với em có việc làm ổn định trong mùa dịch đã là điều may mắn”.

Chỉ cần có xe máy, một chiếc “smartphone” và thùng đựng hàng là những shipper có thể bắt đầu một ngày làm việc. Đi nhiều thành quen, không cần “Google map”, chính họ cũng trở thành “bản đồ” ở địa bàn được phân công giao hàng, chỉ cần nhìn qua địa chỉ là có thể dễ dàng định hình được đường đi, lối lại, thậm chí có những đơn hàng chỉ cần nhìn số điện thoại là đã nhớ ra địa chỉ vì là khách hàng quen thuộc. Khó khăn nhất là tìm nhà ở các ngõ ngách nhỏ, vòng vèo hay ở các xã ven đô vì hầu hết không có tên đường, số nhà nên phải vừa đi vừa hỏi, kết hợp với chỉ dẫn của khách hàng. Với đặc thù công việc, phải tiếp xúc với nhiều người, để đảm bảo an toàn cho bản thân và khách hàng, các shipper luôn đeo khẩu trang, giữ khoảng cách khi đưa hàng, sát khuẩn thường xuyên và khuyến khích khách hàng chuyển khoản.

Sắp xếp các đơn hàng cho gọn gàng, để thuận tiện giao hàng.

Shipper - một nghề tưởng chừng đơn giản nhưng cũng có những nỗi niềm riêng, một nghề tiềm ẩn nhiều rủi ro, nguy hiểm khi tài sản của mình chính là các món đồ của khách hàng, là tiền của khách trả, không may xảy ra chuyện sẽ phải hoàn toàn chịu trách nhiệm. Nghề này đòi hỏi sự cần cù, chịu khó, mạnh dạn và phải biết kìm chế được cái “tôi”. Tôi được nghe họ kể về những trường hợp dở khóc, dở cười: Dù đã điện trước để xem khách hàng có nhà để nhận bưu phẩm hay không, khách đồng ý mới giao đến nhưng khi đến nơi điện 5- 7 cuộc điện thoại không nghe, đến lúc nghe lại báo có việc bận phải đi gấp không nhận được, shipper lại ngậm ngùi quay xe. Thậm chí, nhiều đơn hàng, dù cửa hàng ghi rõ bưu kiện không được xem trước khi nhận thế nhưng nhiều khách hàng một mực đòi mở ra xem, rồi sản phẩm không được như mong đợi lại quay sang cáu bực với người giao... Nhưng đổi lại, nhiều khách nhận hàng lịch sự rồi nói lời cảm ơn, chỉ vậy thôi cũng khiến những shipper cảm thấy ấm lòng và yêu nghề hơn.

Công việc tất bật từ sáng sớm cho đến chiều muộn, phút nghỉ ngơi quý giá của họ là những bữa trưa ăn vội hay khoảng thời gian chờ khách hàng nhận đơn. Phải di chuyển trên đường liên tục, dù không phải đi xa nhưng số kilomet họ đi có lẽ cũng không kém gì những cung đường dài và đối với nữ giới công việc này lại càng vất vả hơn. Tranh thủ ăn hộp xôi ở một quán ven đường, chị Nguyễn Thị Hạnh - nhân viên giao hàng khu vực huyện Lâm Thao chia sẻ: “Công việc này giờ giấc không cố định, ăn uống thất thường, nhiều lúc đơn quá tải, khách lại cần nhận gấp nên phải nhịn ăn trưa để giao cho kịp, hôm nào cũng tối muộn mới về đến nhà, các con phải nhờ ông bà hỗ trợ. Nhiều hôm thùng hàng nặng, sức lại yếu, không đỡ xe được nên bị ngã, tím bầm tay chân là chuyện thường. Chưa kể bụi bặm, mưa nắng, gió lạnh thì cũng vẫn phải làm, công việc là như thế, có tránh hôm nay thì ngày mai vẫn phải làm thế nên mọi thứ trở nên quen thuộc và mọi khó khăn ban đầu sau một thời gian cũng quen hết”. Xong bữa trưa vội vàng, chị Hạnh sắp xếp lại những gói hàng trong thùng cho gọn, bấm điện thoại gọi cho khách hàng thông báo về đơn hàng sắp giao rồi lại tiếp tục lên xe.

Khách hàng có thể linh động trong việc trả tiền bằng cách chuyển khoản.

Ngày qua ngày, những người như chị Hạnh, như Hưng hay những shipper khác với chiếc xe máy cùng thùng hàng rong ruổi trên mỗi tuyến phố, con đường đã trở nên quen thuộc với bất cứ ai, niềm vui của những người như họ là một ngày giao hàng thuận lợi, có thêm thu nhập để lo cho bản thân, cho gia đình và niềm vui đó còn là giúp khách hàng nhận được đồ sớm nhất để đáp ứng nhu cầu cần thiết trong cuộc sống, nhất là trong thời điểm dịch bệnh COVID-19 như hiện nay.

Thu Hương

Nguồn Phú Thọ: http://baophutho.vn/xa-hoi/202111/theo-chan-%E2%80%9Cshipper%E2%80%9D-181108