Thêm trợ lực cho doanh nghiệp vượt khó

Thời gian qua, nhiều công cụ của chính sách tài khóa được triển khai đã giúp doanh nghiệp, người dân vượt qua khó khăn, ổn định sản xuất, đóng góp tích cực vào phát triển kinh tế - xã hội.

Tuy nhiên, theo các chuyên gia, trong bối cảnh doanh nghiệp vẫn còn gặp nhiều khó khăn, cơ quan chức năng cần triển khai thêm nhiều giải pháp khác cùng với chính sách tài khóa, nhằm hỗ trợ doanh nghiệp, thúc đẩy tăng trưởng kinh tế.

Các cơ quan chức năng đã miễn, giảm các khoản thuế, phí, lệ phí hỗ trợ doanh nghiệp, người dân phát triển sản xuất, kinh doanh. Trong ảnh: Sản xuất máy tự động tại Công ty cổ phần Công nghệ thiết bị Tân Phát (huyện Thanh Trì). Ảnh: Nguyễn Quang

768 nghìn tỷ đồng miễn, giảm thuế, phí, tiền thuê đất

Trong bối cảnh ảnh hưởng của đại dịch Covid-19 và các vấn đề kinh tế, chính trị quốc tế tác động đến hoạt động sản xuất, kinh doanh của doanh nghiệp và đời sống của người dân, Bộ Tài chính đã chủ động nghiên cứu, đề xuất, trình cấp có thẩm quyền cũng như ban hành theo thẩm quyền các giải pháp hỗ trợ doanh nghiệp, người dân và nền kinh tế. Đó là các chính sách gia hạn, miễn, giảm các khoản thuế, phí, lệ phí và tiền thuê đất; miễn, giảm thuế thu nhập doanh nghiệp, thuế thu nhập cá nhân, thuế giá trị gia tăng, thuế nhập khẩu, thuế bảo vệ môi trường...

Tổng quy mô hỗ trợ trong 4 năm qua (2020-2023) là khoảng 700 nghìn tỷ đồng. Trong đó, quy mô hỗ trợ năm 2020 khoảng 129 nghìn tỷ đồng; năm 2021 khoảng 145 nghìn tỷ đồng; năm 2022 khoảng 233 nghìn tỷ đồng; năm 2023 khoảng 196 nghìn tỷ đồng.

Trong năm 2024, nhiều chính sách tiếp tục được triển khai, như giảm thuế suất thuế giá trị gia tăng như đã áp dụng năm 2023 đối với một số nhóm hàng hóa, dịch vụ có mức thuế suất thuế giá trị gia tăng 10%... Ngoài ra, Bộ Tài chính ban hành Thông tư số 63/2023/TT-BTC ngày 16-10-2023 sửa đổi, bổ sung một số điều của một số thông tư quy định về phí, lệ phí của Bộ Tài chính, nhằm khuyến khích sử dụng dịch vụ công trực tuyến, có hiệu lực từ ngày 1-12-2023 và áp dụng đến hết năm 2025, với mức giảm phí, lệ phí từ 10% đến 50%...

Dự kiến với những giải pháp đã ban hành và thực hiện từ đầu năm 2024, tổng giá trị hỗ trợ là khoảng 68 nghìn tỷ đồng. Tổng cục Thuế cho biết, tổng số tiền thuế, tiền thuê đất được miễn, giảm trong 3 tháng đầu năm 2024 đạt 18.012 tỷ đồng. Trong đó, giảm thuế suất thuế giá trị gia tăng khoảng 8.200 tỷ đồng; giảm mức thuế bảo vệ môi trường khoảng 9.812 tỷ đồng.

Các giải pháp trên đã nhận được sự đồng tình, ủng hộ và đánh giá cao của cộng đồng doanh nghiệp, người dân. Thực tế, các chính sách hỗ trợ thông qua miễn, giảm thuế, phí, tiền thuê đất đã nhanh chóng đi vào đời sống, có hiệu lực ngay với các doanh nghiệp, góp phần hỗ trợ doanh nghiệp, người dân vượt qua khó khăn.

Sản xuất tại Công ty TNHH Sản xuất nhựa Việt Nhật (huyện Thanh Oai). Ảnh: Đỗ Tâm

Tạo môi trường thông thoáng, hỗ trợ khâu tiêu thụ

Tuy nhiên, trên thực tế, cộng đồng doanh nghiệp vẫn đang gặp nhiều khó khăn. Số liệu từ Tổng cục Thống kê cho thấy, trong tháng 4-2024, tổng kim ngạch xuất, nhập khẩu hàng hóa đạt 61,20 tỷ USD, giảm 5,2% so với tháng 3-2024. Đáng chú ý, trong 4 tháng đầu năm 2024, cả nước có 81,3 nghìn doanh nghiệp dân doanh đăng ký thành lập mới và trở lại hoạt động, tăng 3% so với cùng kỳ năm 2023. Bình quân một tháng có 20,3 nghìn doanh nghiệp thành lập mới và trở lại hoạt động.

Trong khi đó, số doanh nghiệp rút khỏi thị trường trong 4 tháng qua là 86,4 nghìn đơn vị, tăng 12,2%. Bình quân 21,6 nghìn doanh nghiệp rút lui khỏi thị trường mỗi tháng. Chuyên gia kinh tế - tài chính Đinh Trọng Thịnh cho rằng, số doanh nghiệp rút khỏi thị trường gia tăng phản ánh sức chịu đựng của nhiều doanh nghiệp đã bị "bào mòn" đáng kể, vì vậy, doanh nghiệp phải ngừng hoạt động để tái cấu trúc hoặc phá sản.

Theo một số chuyên gia, chính sách tài khóa chỉ là một trong những giải pháp giải quyết khó khăn. Để tiếp tục hỗ trợ doanh nghiệp, thúc đẩy tăng trưởng kinh tế cần nhiều giải pháp song hành khác bên cạnh các chính sách tài khóa. Chuyên gia Đinh Trọng Thịnh cho rằng, điều quan trọng nhất hiện nay là cải cách thủ tục hành chính, tiếp tục tháo gỡ rào cản về pháp lý, tạo môi trường đầu tư, sản xuất, kinh doanh thông thoáng, giúp doanh nghiệp tận dụng hiệu quả mọi cơ hội.

Bên cạnh đó, doanh nghiệp cần được hỗ trợ trong quá trình tiêu thụ hàng hóa. Chẳng hạn như với xuất, nhập khẩu, doanh nghiệp cần được hỗ trợ tìm kiếm thị trường, tìm kiếm đơn hàng. Khi có thị trường và đơn hàng, doanh nghiệp sẽ đẩy mạnh sản xuất, kinh doanh. Còn tại thị trường trong nước, việc tiêu thụ hàng hóa trong thời gian qua tăng nhưng không đều, mức tăng chưa được như mong muốn, nên hàng tồn kho vẫn cao.

"Nếu doanh nghiệp được hỗ trợ đẩy mạnh tiêu dùng trong nước thông qua việc tổ chức các chương trình kích cầu, kết nối giao thương, kết nối cung cầu, hội chợ, triển lãm, hỗ trợ xây dựng thương hiệu, quảng bá sản phẩm, hàng tồn kho giảm, doanh nghiệp sẽ có vốn để quay vòng, thúc đẩy sản xuất, kinh doanh", ông Đinh Trọng Thịnh nêu.

Giáo sư, Tiến sĩ Hoàng Văn Cường - nguyên Phó Hiệu trưởng Trường Đại học Kinh tế quốc dân, đồng tình với quan điểm cần xem xét triển khai thêm các giải pháp hỗ trợ khác, như cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh, cải cách thủ tục hành chính… Những giải pháp trên giúp doanh nghiệp tiết kiệm nhiều thời gian, chi phí, từ đó hỗ trợ sản xuất, kinh doanh, góp phần gia tăng hiệu quả của chính sách giảm thuế, phí.

Nguồn Hà Nội Mới: https://hanoimoi.vn/them-tro-luc-cho-doanh-nghiep-vuot-kho-665338.html