Thêm tàu ngầm hạt nhân, Ấn Độ vẫn lép vế trước TQ?

Hải quân Ấn Độ đã biên chế tàu ngầm hạt nhân quốc nội đầu tiên nhưng lực lượng tàu ngầm nước này vẫn lép về so với các đối thủ chính.

Ấn Độ biên chế tàu ngầm hạt nhân đầu tiên

Các phương tiện truyền thông Ấn Độ và thế giới đưa tin rằng, hải quân Ấn Độ đã chính thức đưa vào vận hành tàu ngầm hạt nhân tên lửa đạn đạo đầu tiên của nước này là S-73 INS Arihant.

Lãnh đạo Ấn Độ tuyên bố, việc chính thức biên chế tàu ngầm hạt nhân tên lửa đạn đạo đầu tiên đã giúp quân đội nước này hoàn thiện thêm một yếu tố cấu thành của “Bộ 3 răn đe hạt nhân chiến lược” là tên lửa chiến lược (tên lửa đạn đạo mang đầu đạn hạt nhân phóng trên mặt đất), tàu ngầm hạt nhân chiến lược (mang tên lửa đạn đạo hạt nhân phóng từ dưới nước) và máy bay ném bom chiến lược (mang tên lửa hành trình tấn công hạt nhân tầm xa).

Từ trước đến nay, trong lực lượng hạt nhân của Ấn Độ chỉ có tên lửa đạn đạo phóng từ mặt đất thế hệ "Agni". Một khi đưa vào sử dụng tàu ngầm “INS Arihant S-73”, nước này sẽ có phương thức răn đe hạt nhân thứ 2 với độ tin cậy, sức mạnh và khả năng răn đe hạt nhân mạnh hơn.

INS Arihant là chiếc đầu tiên trong số 6 tàu ngầm hạt nhân tên lửa đạn đạo lớp Arihant mà Ấn Độ dự kiến đóng trong kế hoạch phát triển hạm đội tàu ngầm lên tới 30 chiếc vào năm 2030. Tàu ngầm mang số hiệu S-73 được hạ thủy hồi tháng 7-2009 và bắt đầu giai đoạn chạy thử từ tháng 2-2010.

Tàu ngầm INS Arihant có chiều dài 110m, lượng giãn nước 6.000 tấn (tối đa là 7.000 tấn). Biên chế chính thức INS Arihant gồm 95 thủy thủ. Lò phản ứng hạt nhân với công suất 85MW giúp tàu đạt tới vận tốc 54km/h.

Hiện Ấn Độ đang chế tạo chiếc thứ 2 và thứ 3 thuộc lớp tàu ngầm Arihant. Tàu ngầm thứ 2 là INS Arhidaiman bắt đầu đóng mới từ năm 2011 với nhiều cải tiến so tàu ngầm đầu tiên cùng lớp. Dự kiến, Arhidaiman sẽ được chuyển giao cho hải quân Ấn Độ vào năm 2017.

Tàu ngầm hạt nhân tên lửa đạn đạo đầu tiên của Ấn Độ S-73 INS Arihant chỉ có khả năng mang tên lửa đạn đạo tầm bắn thấp

Tàu được trang bị 6 ống phóng ngư lôi cỡ 533mm, có thể phóng 30 đơn nguyên vũ khí bao gồm ngư lôi, thủy lôi, tên lửa hành trình tấn công mặt đất Nirbhay và tên lửa hành trình chống hạm BrahMos, phiên bản phóng từ tàu ngầm.

Ngoài ra, tàu còn có 12 ống phóng thẳng đứng chứa 12 quả tên lửa đạn đạo tầm ngắn sử dụng động cơ nhiên liệu rắn mang tên K-15 (BO-5), tầm phóng 700km, có khả năng mang theo đầu đạn hạt nhân nặng 1 tấn.

Tên lửa đạn đạo K-15 có chiều dài 6,5m, trọng lượng 7 tấn, độ sai lệch mục tiêu chỉ có 25m. Theo số liệu kỹ thuật, trong giai đoạn đầu K-15 sẽ bay trên độ cao khoảng 7km, đến giai đoạn thứ 2 nó vượt hẳn lên độ cao 20km và bay với vận tốc Mach7 (tương đương khoảng 9.000 km/h).

Ngoài ra nó còn được trang bị tên lửa đạn đạo tầm trung, có khả năng mang đầu đạn hạt nhân K-5, có tầm bắn 1.500km. K-5 đã thử nghiệm lần đầu thành công ngày 27-01-2013. K-5 sẽ được phóng thử khoảng vài lần nữa, trước khi được biên chế trên các tàu ngầm hạt nhân Ấn Độ.

Điểm yếu lớn nhất của tàu ngầm hạt nhân Ấn Độ là lượng giãn nước thấp, lại chưa được trang bị tên lửa đạn đạo có tầm bắn xa, làm hạn chế khả năng tấn công của nó. Chỉ khi nào nước này trang bị được các tên lửa đạn đạo liên lục địa phóng từ tàu ngầm (SLBM) thì tàu ngầm hạt nhân nước này mới có khả năng răn đe mạnh mẽ trên toàn cầu.

Ấn Độ đang đẩy mạnh phát triển tên lửa đạn đạo tầm xa phóng từ tàu ngầm

Hiện nay, Tổ chức nghiên cứu và phát triển quốc phòng Ấn Độ (DRDO) đang tập trung nghiên cứu, chế tạo một phiên bản tên lửa đạn đạo 2 tầng, có khả năng mang đầu đạn hạt nhân, tầm phóng tới 3500km, phát triển dựa trên cơ sở tên lửa đạn đạo phóng từ mặt đất Agni-3.

Tên lửa đạn đạo tầm trung phóng từ tàu ngầm K-4 Mark I đã phóng thử thành công ngày 24-3-2014. Thử nghiệm được tiến hành tại vịnh Bengal, ngoài khơi khu vực Visakhapatnam. Tên lửa đã phóng vượt qua khoảng cách hơn 3000km và tấn công trúng mục tiêu ở Ấn Độ Dương.

Phiên bản kế tiếp của nó được định danh là K-4 Mark II được cho là chế tạo trên cơ sở Agni V với tầm phóng lên tới 5000km, được xếp vào loại tên lửa đạn đạo tầm xa phóng từ tàu ngầm.

Ấn Độ cũng đang bắt tay phát triển phiên bản tên lửa liên lục địa phóng từ tàu ngầm với tầm phóng khoảng 6000km. Tuy nhiên, không có nhiều thông tin về kế hoạch phát triển dòng tên lửa này và chặng đường phát triển của nó sẽ còn rất dài.

Ấn Độ đang gặp khó trước các đối thủ chính

Tuy Thủ tướng Ấn Độ Narendra Modi không nói về ý nghĩa của việc hình thành năng lực răn đe hạt nhân chiến lược nhưng việc đưa vào vận hành chiếc tàu ngầm hạt nhân chiến lược đầu tiên của Ấn Độ sẽ ảnh hưởng đến tất cả các quốc gia có lợi ích ở vùng Ấn Độ Dương và dẫn đến những thay đổi trong cán cân quyền lực trên biển ở khu vực này.

Nguồn Đất Việt: http://baodatviet.vn/quoc-phong/binh-luan-quan-su/them-tau-ngam-hat-nhan-an-do-van-lep-ve-truoc-tq-3321563/