Thêm ổ dịch dại xuất hiện ở Đồng Nai

Theo báo cáo của Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh (CDC Đồng Nai), huyện Định Quán vừa phát hiện trường hợp chó dương tính với virus dại.

Người dân cần tiêm vaccine phòng dại cho chó theo quy định của pháp luật. Ảnh: CDC Đồng Nai.

Chủ sở hữu con chó là bà T.T.L. (ngụ ấp Mít Nài, xã La Ngà, huyện Định Quán). Bà L. có nuôi 2 con chó, trong đó có một con chó becgie đã nuôi gần 2 năm nay, cân nặng 25 kg và chưa được tiêm phòng dại.

Chó được nuôi trong nhà, không rọ mõm nhưng vẫn thả rông ra ngoài. Trong một tuần trở lại đây, con chó lai becgie có dấu hiệu ăn uống ít, lừ dừ; con còn lại bình thường.

Sáng 31/12/2023, bà T.T.K.L. bị con chó cắn vùng chân khi đi bộ ngang qua nhà bà L. Cùng ngày, bà được đưa đến Trung tâm y tế xã La Ngà để sơ cứu, sau đó tiêm vaccine phòng dại tại Bệnh viện Đa khoa Khu vực Định Quán.

Cũng trong ngày 31/12/2023, bà L.T.Đ. cũng bị con chó này chạy ra cắn vào tay khi ngang qua nhà bà L. Bà được đưa đến Bệnh viện Đa khoa Đồng Nai sơ cấp cứu, phẫu thuật và điều trị.

Cả 2 người trên đều đã tiêm vaccine phòng dại nhưng chưa tiêm huyết thanh kháng dại.

Cùng ngày xảy ra 2 vụ việc, bà L. phát hiện con chó chết và báo lên chính quyền. Trạm thú y và chăn nuôi đã lấy mẫu xét nghiệm, kết quả con chó becgie dương tính với virus dại.

Kết quả điều tra vẫn chưa đánh giá được nguồn lây mầm bệnh dại. Tỷ lệ mầm bệnh dại tồn tại trong đàn chó ở khu vực tương đối cao do tiếp xúc với con chó dại trên. Theo khảo sát, phần lớn chó mèo trong khu vực xung quanh chưa được tiêm phòng dại và thả rông.

Trước tình hình đó, CDC Đồng Nai kiến nghị Chi cục Chăn nuôi và Thú y tỉnh, UBND huyện Định Quán, UBND xã La Ngà triển khai các biện pháp phòng ngừa dịch bệnh dại khẩn cấp theo kế hoạch của UBND tỉnh. Trạm Chăn nuôi - Thú Y huyện Định Quán tiến hành các biện pháp quản lý đàn chó mèo, nâng tỷ lệ tiêm phòng dại cho chó, mèo.

Trung tâm Y tế xã La Ngà phối hợp với UBND xã tăng cường truyền thông để người dân không chủ quan với dịch bệnh dại lây truyền từ động vật sang người.

Khi bị chó, mèo cào, cắn, mọi người cần đến cơ sở y tế gần nhất để được tư vấn và tiêm vaccine phòng bệnh. Khi phát hiện chó, mèo có biểu hiện lạ nghi bệnh dại, người dân cần báo ngay chính quyền địa phương để được hỗ trợ giải quyết.

Đối với gia đình bà L., cơ quan chức năng đề nghị bà nhốt, xích và rọ mõm con chó còn lại, theo dõi con vật có tiếp xúc với con vật lên cơn dại trong 14 ngày và thông báo với địa phương khi có dấu hiệu bất thường.

Linh Thùy

Nguồn Znews: https://znews.vn/them-o-dich-dai-xuat-hien-o-dong-nai-post1452799.html