Thêm niềm vui mới cho người có công

Ngày 21/7/2023, Chính phủ đã ban hành Nghị định số 55/2023/NĐ-CP về tăng mức chuẩn trợ cấp ưu đãi từ 1,624 triệu đồng lên mức 2,055 triệu đồng cho người có công đã góp phần nâng cao hơn nữa chất lượng cuộc sống cho người có công.

Người có công chơi thể thao khi thực hiện điều dưỡng tại Trung tâm Điều dưỡng người có công tỉnh.

Đón nhận thông tin về chính sách nâng mức trợ cấp đối với người có công sẽ có hiệu lực bắt đầu từ tháng 9 này, ông Bùi Hồng Lĩnh, con trai mẹ VNAH Nguyễn Thị Ngắn, ở xã Gia Thanh (huyện Gia Viễn) không giấu được niềm xúc động.

Ông Lĩnh cho biết: sau khi được nâng mức trợ cấp, số tiền mà mẹ tôi được hưởng đã tăng thêm gần 2 triệu đồng. Bản thân tôi là người nuôi dưỡng mẹ VNAH cũng được tăng thêm mức trợ cấp. Đây là khoản tiền có ý nghĩa, góp phần cải thiện cuộc sống và còn là nguồn động viên tinh thần để mẹ tôi có thêm sức khỏe, sống an yên trong tình yêu thương của con cháu.

Với tỷ lệ thương tật tới 85%, mỗi tháng, thương binh Trần Đình Chiểu ở xã Quang Thiện (huyện Kim Sơn) nhận mức trợ cấp ưu đãi 6.069 nghìn đồng. Nhưng từ tháng 9/2023, với việc tăng mức chuẩn trợ cấp ưu đãi theo Nghị định số 55 thì số tiền mà thương binh Trần Đình Chiểu được hưởng mỗi tháng đã tăng lên 7.714 nghìn đồng. Số tiền tăng thêm, thực sự mang lại niềm vui không nhỏ cho gia đình thương binh Chiểu.

Thương binh Trần Đình Chiểu cho biết: Trở về từ cuộc chiến, tôi bị mù, sức khỏe chỉ còn 15%. Giờ tuổi cao, sức khỏe kém đi nhiều, bản thân còn mắc thêm nhiều bệnh khác nên tôi thường xuyên phải đi bệnh viện. Gần 2 triệu đồng được tăng thêm sau khi Nhà nước thực hiện chính sách điều chỉnh mức trợ cấp thực sự có ý nghĩa lớn đối với gia đình tôi, giúp gia đình tôi nâng cao chất lượng cuộc sống. Sự quan tâm của Đảng, Nhà nước, của tỉnh trong những năm qua thông qua những chính sách đậm nghĩa tình đã bù đắp phần nào nỗi đau do chiến tranh để lại.

Hiện nay, trên địa bàn huyện Kim Sơn có 2.749 người được hưởng trợ cấp ưu đãi người có công, với tổng số tiền chi trả là trên 5,1 tỷ đồng/tháng. Sau khi thực hiện nâng mức chuẩn trợ cấp, tổng số tiền chi trả cho các đối tượng tăng lên trên 6,4 tỷ đồng.

Bà Trần Thị Thu Hằng, Trưởng phòng Lao động, Thương binh và Xã hội huyện Kim Sơn cho biết: Nghị định số 55/2023/NĐ-CP ngày 21/7/2023 (Gọi tắt là Nghị định số 55) của Chính phủ sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 75/2021/NĐ-CP ngày 24/7/2021 quy định mức hưởng trợ cấp, phụ cấp và các chế độ ưu đãi người có công với cách mạng.

Theo đó, Nghị định số 55 quy định mức chuẩn trợ cấp làm căn cứ để tính mức hưởng trợ cấp, phụ cấp và các chế độ ưu đãi đối với người có công với cách mạng và thân nhân người có công với cách mạng. Nghị định cũng sửa đổi mức hưởng trợ cấp, phụ cấp ưu đãi hàng tháng đối với người có công với cách mạng và thân nhân người có công với cách mạng; mức hưởng trợ cấp ưu đãi hàng tháng đối với thương binh, người hưởng chính sách như thương binh; mức hưởng trợ cấp hàng tháng đối với thương binh loại B; mức hưởng trợ cấp ưu đãi một lần đối với người có công với cách mạng.

Mức chuẩn trợ cấp ưu đãi tăng từ 1,624 triệu đồng lên mức 2,055 triệu đồng. Nghị định có hiệu lực thi hành từ ngày 5/9/2023. Với việc nâng mức trợ cấp, cuộc sống của người có công chắc chắn được cải thiện đáng kể.

Trong những năm qua Đảng và Nhà nước rất quan tâm đến công tác "Đền ơn đáp nghĩa" đối với người có công với cách mạng. Các chính sách ngày càng được mở rộng và nâng cao. Mới đây nhất, cuối tháng 5/2022, Nghị định số 131/2021/NĐ-CP ngày 30/12/2021 của Chính phủ về quy định chi tiết và biện pháp thi hành Pháp lệnh Ưu đãi người có công với cách mạng có hiệu lực thi hành.

Theo đó, trong Điều 43, Nghị định này quy định hồ sơ, thủ tục giải quyết hưởng thêm một chế độ trợ cấp đối với thương binh đồng thời là bệnh binh. Như vậy, thay vì chỉ được hưởng một chế độ trợ cấp cao nhất như trước đây, thì các thương, bệnh binh đã được nhận đồng thời cả hai chế độ trợ cấp nếu là đối tượng thụ hưởng theo quy định tại Nghị định số 131.

Hiện nay, toàn tỉnh có trên 21.000 người có công với cách mạng được hưởng trợ cấp ưu đãi hàng tháng. Những năm qua, bên cạnh việc thực hiện đúng, đủ, kịp thời các chế độ, chính sách của Đảng, Nhà nước đối với người có công, tỉnh ta còn luôn dành sự quan tâm đặc biệt đến công tác "Đền ơn đáp nghĩa", chăm lo toàn diện cho đời sống người có công với cách mạng.

Theo đó, bên cạnh các chính sách của Trung ương, tỉnh ta còn ban hành nhiều chính sách hỗ trợ cho người có công, điển hình là chính sách đặc thù để xóa hộ nghèo là người có công với cách mạng; chính sách hỗ trợ điều dưỡng phục hồi sức khỏe tập trung cho người có công với cách mạng và thân nhân liệt sỹ trên địa bàn tỉnh; đóng góp xây dựng Quỹ "Đền ơn đáp nghĩa và An sinh xã hội" để tạo nguồn lực, chăm lo chu đáo, toàn diện đời sống của gia đình người có công...

Hằng năm, vào các ngày lễ, Tết, từ tỉnh đến cơ sở đều duy trì tốt việc thăm hỏi, tặng quà cho người có công với cách mạng và gia đình liệt sĩ. Tính riêng trong tháng 7/2023, nhân kỷ niệm 76 năm ngày Thương binh liệt sỹ, tỉnh ta đã tổ chức thăm, tặng 95.371 suất quà, trị giá trên 25 tỷ đồng cho người có công và thân nhân người có công với cách mạng; đưa đón người có công đi dự Hội nghị biểu dương người có công với cách mạng tiêu biểu toàn quốc năm 2023 tại tỉnh Thừa Thiên Huế; thăm và tặng quà 4 trung tâm đang nuôi dưỡng thương, bệnh binh là con em Ninh Bình tại các tỉnh Bắc Ninh, Bắc Giang, Hà Nam…

Ngoài ra, nhiều chính sách khác cũng được cấp ủy, chính quyền từ tỉnh đến cơ sở quan tâm thực hiện như: Vay vốn để phát triển sản xuất, ưu tiên và tạo điều kiện cho con em người có công trong giáo dục, đào tạo, học nghề, việc làm...vì thế đời sống của người có công và gia đình người có công trên địa bàn tỉnh Ninh Bình đã được cải thiện cả về vật chất và tinh thần.

Bài, ảnh: Đào Hằng

Nguồn Ninh Bình: https://baoninhbinh.org.vn/them-niem-vui-moi-cho-nguoi-co-cong/d20230914075834819.htm