Thế khó khi nhân viên coi công ty như gia đình

Phương Uyên coi sếp và đồng nghiệp như gia đình thứ hai. Cô ngần ngại khi xin nghỉ việc, cũng không dám đề xuất tăng lương.

Nhiều "cổ cồn trắng" xem công ty là gia đình thứ hai, song, điều này có thể khiến họ gặp nhiều trở ngại. Ảnh minh họa: Phương Lâm.

Phương Uyên (26 tuổi, quận Gò Vấp, TP.HCM) có 6 năm làm việc ở công ty hiện tại. Chứng kiến nhiều thế hệ nhân viên đến rồi đi, cô từng vài lần có ý định nhảy việc, thử sức mình ở môi trường mới.

Tuy nhiên, văn hóa hòa đồng, gắn kết tại văn phòng đã giữ cô ở lại. Thậm chí, cô từng một lần xin nghỉ việc song vẫn quay về, nhận mức lương cũ bởi quý mến những người đồng nghiệp.

"Tôi coi đây như gia đình thứ hai của mình", cô nói với Zing.

Theo HBR, hiện nay, nhiều công ty vẫn lựa chọn xây dựng văn hóa hoạt động kiểu "gia đình" để tạo ra các giá trị như tôn trọng, cảm thông, gắn bó, tận tụy giữa cấp trên và cấp dưới.

Với mô hình này, nhà quản lý đóng vai trò "trụ cột gia đình", nắm quyền quyết định và có trách nhiệm giúp đỡ các thành viên khác. Ngược lại, nhân viên cần phải tích cực thể hiện năng lực, có mối quan hệ thân thiết với đồng nghiệp và quản lý.

Nhưng khi nhầm lẫn mái nhà và công việc, nhiều người lại đối mặt với những tình huống khó xử như ngại từ chối, khó thăng tiến, không phân chia ranh giới giữa công việc, cuộc sống…

Công ty như gia đình

Phương Uyên cho biết công ty cô có khoảng 100 nhân sự. Ở nhiều độ tuổi khác nhau và lĩnh vực khác nhau, song phần lớn mọi người đều khá hòa đồng, xem nhau như anh chị em trong nhà.

"Mỗi tháng, chúng tôi đều đặn tổ chức sinh nhật bất ngờ cho các thành viên. Lâu lâu, cả văn phòng lại có những chuyến du lịch tự phát, không cần công ty tổ chức. Chúng tôi cũng rủ nhau ăn uống sau giờ làm hoặc tụ tập tại nhà một đồng nghiệp cùng chơi board game", cô hào hứng kể lại.

Phương Uyên rời đi rồi lại quay về công ty mình từng gắn bó 6 năm dù không được tăng lương.

Gắn bó với công ty từ năm 2 đại học cho đến hiện tại, cô khẳng định 80% thời gian đi làm của mình đều rất vui, không có nhiều áp lực hay những vấn đề tiêu cực trong công sở.

Tương tự Phương Uyên, Phương Thảo (27 tuổi, quận Thanh Xuân, Hà Nội) cũng gắn bó với công ty hiện tại trong 5 năm qua. Cô và đồng nghiệp xem nhau như chị em, chia sẻ cho nhau mọi thứ từ việc công đến cuộc sống riêng tư.

"Tôi rất quý đồng nghiệp của mình, thậm chí còn thân hơn cả bạn bè", cô nói.

2 tháng/lần, phòng ban gồm 9 người của Phương Thảo lại tự tổ chức những buổi đi chơi nhỏ, lẻ gần thành phố để xả stress. Mỗi khi có ai trong nhóm bị ốm, mọi người đều chăm sóc, hỗ trợ công việc.

"Tôi xem công ty như gia đình của mình, vì lẽ đó tôi luôn làm việc tận tụy, tử tế để có thể gắn bó lâu dài với mọi người", Thảo cho hay.

Thảo cũng khẳng định trong tương lai xa, cô không có dự định thay đổi công ty, trừ khi có những biến cố quá lớn.

Thái Bảo (27 tuổi, quận Bình Thạnh, TP.HCM), chuyên viên truyền thông, cũng thuộc nhóm nhân sự xem công ty là nhà.

Quản lý không yêu cầu nhân viên phải có mặt mỗi ngày tại công ty, song anh và đồng nghiệp vẫn đều đặn lên văn phòng mỗi ngày để gặp nhau, cùng ăn trưa, chơi game vào giờ nghỉ.

"Không riêng tôi, hầu hết đồng nghiệp xung quanh đều rất thích văn hóa gần gũi như gia đình tại công ty. Doanh nghiệp vài lần gặp khó khăn khiến lương, thưởng bị cắt giảm, nhưng chúng tôi không nghĩ đến chuyện nghỉ việc", anh bày tỏ.

Thế khó xử

Phương Uyên cho biết môi trường gần gũi, thoải mái tại công ty khiến cô làm việc hiệu quả, đầy cảm hứng. Tuy vậy, chính điều này cũng góp phần cản trở khi cô ý có định nhảy việc.

Trong 6 năm qua, cô thuyên chuyển nhiều vai trò khác nhau trong công ty nhưng chưa bao giờ có một bước tiến lớn.

"26 tuổi, hồ sơ của tôi khó nộp vào công ty khác bởi chỉ có kinh nghiệm làm ở một chỗ. Tôi bắt đầu làm việc tại đây với vị trí CTV, sau đó lên nhân viên chính thức và dừng tại đó", cô tâm sự.

Cuối năm 2022, Phương Uyên quyết định nghỉ việc, tìm một môi trường mới để học hỏi và thử sức nhiều hơn. Đi phỏng vấn nhiều công ty khác, cô vẫn chọn quay lại "mái nhà" cũ.

"Sếp liên tục nhắn tin động viên tôi suy nghĩ lại, nói rằng công ty luôn chào đón tôi quay về. Tôi cũng cần tiền để trang trải chi phí sinh hoạt, chưa tìm được việc với mức lương mong muốn nên tôi quyết định trở lại công ty cũ. Dù gì tôi cũng đã quen thân hết mọi người và hiểu rõ văn hóa làm việc của công ty", cô kể.

Đến hiện tại, mức lương của Phương Uyên vẫn không thay đổi so với thời điểm nghỉ việc. Uyên cho biết vì mới trở lại làm, cô ngại khi đề cập đến vấn đề tiền nong với sếp vì công ty đang kinh doanh khó khăn.

Phương Thảo coi đồng nghiệp như bạn bè thân thiết, thoải mái chia sẻ chuyện riêng tư.

Trong khi đó, Phương Thảo cho biết khó cân bằng, phân chia ranh giới rõ ràng khi xem công ty như gia đình. Dành phần lớn thời gian ở công ty, Thảo thường ôm đồm công việc và chỉ về nhà khi tối muộn.

"Tôi không còn thời gian cho bản thân và những mối quan hệ khác về nhà chỉ muốn lên giường đi ngủ để mai còn tiếp tục đi làm", cô nói.

Còn với Thái Bảo, anh cho rằng điều khó xử nhất của mình là phải từ chối mọi người. Nhiều năm qua, anh thừa nhận anh ít khi nào từ chối cấp trên hay đồng nghiệp, dù đó là những lời nhờ vả hay rủ rê tụ tập, trừ trường hợp bất khả kháng.

Nhiều lần, đồng nghiệp rủ đi du lịch nước ngoài. Dù kinh tế đang khó khăn, Thái Bảo vẫn cố tìm cách vay mượn để chung vui cùng mọi người. Nếu không thể tham gia, anh cố gây thiện cảm bằng lời hứa sẽ làm giúp mọi người phần việc đang tồn động để "bù đắp".

Thời gian công ty gặp khủng hoảng, anh cũng nhiều lần phải chứng minh với cấp trên về mức độ trung thành của mình. Trong các cuộc họp nội bộ, anh đều phải khẳng định mình không có dự định khác để tránh làm cấp trên lo lắng.

"Tôi xem công ty như là nhà, các thành viên trong nhà thì nên tạo niềm tin cho nhau. Lúc công ty gặp khó khăn mà nghỉ việc, tôi thấy mình không đúng", anh nói.

Tích cực nhưng có hạn chế

Trao đổi với Zing, chị Phạm Thị Hoài Linh - Giám đốc Nhân sự của Navigos Group, cho biết lời khuyên "xem công ty như gia đình" không thể nhận định là đúng hay sai vì phụ thuộc vào quan điểm, chiến lược của từng doanh nghiệp và sự lựa chọn của mỗi nhân sự.

Theo chị, về góc độ doanh nghiệp, một số nơi có chiến thuật quản trị riêng nên họ tìm kiếm những nhân viên có thể gắn bó lâu dài, sát sao với tình hình doanh nghiệp, tránh những sự biến động ảnh hưởng đến kết quả lâu dài.

Điều này tạo ra những ảnh hưởng tích cực và tiêu cực cho cả doanh nghiệp cùng người lao động.

Theo chuyên gia, cả doanh nghiệp lẫn nhân viên đều phải đối diện với những tác động khi xem nhau là gia đình. Ảnh minh họa: Phương Lâm.

Về mặt tốt, nhân viên có thể yên tâm làm việc trong một môi trường bền vững, tính đào thải không cao, có thể ổn định công việc trong thời gian dài. Khi nhân viên cảm thấy văn hóa doanh nghiệp phù hợp với bản thân, họ sẽ được làm việc trong sự hạnh phúc, vui vẻ, có nhiều người hỗ trợ và cảm thông.

Song, về mặt hạn chế, nhóm nhân sự này cũng đối mặt với việc khó thăng tiến trong thời gian ngắn, tăng lương hàng năm... vì đó không phải là những giá trị doanh nghiệp hướng đến.

"Tôi cho rằng người lao động cần xác định rõ mình và doanh nghiệp có cùng phù hợp với những định hướng, văn hóa hay không. Việc xem công ty như gia đình là do sự lựa chọn của mỗi người, không thể đổ lỗi cho doanh nghiệp, họ cần tự vạch ranh giới nếu cảm thấy thấy cần thiết", chuyên gia khẳng định.

Tuy nhiên, sự cảm thông, châm chước từ việc xem nhau như gia đình cũng là rào cản lớn khiến công ty và chính nhân sự khó đẩy mạnh năng suất, trình độ, gây ảnh hưởng đến sự phát triển mạnh mẽ của cả hai bên trong tương lai xa.

"Nhưng nếu họ cảm thấy điều đó phù hợp và chọn gắn bó với nhau thì đó không còn là vấn đề. Đây vốn dĩ là lựa chọn của từng cá nhân", chị nói thêm.

Mỹ Trinh

Nguồn Znews: https://zingnews.vn/the-kho-khi-nhan-vien-coi-cong-ty-nhu-gia-dinh-post1419225.html