Thế kẹt của Tổng thống Hàn Quốc trong cuộc khủng hoảng Triều Tiên

Mỹ đang gây sức ép buộc Tổng thống Hàn Quốc hành động quyết liệt với Triều Tiên trong khi con đường ông muốn đi lại là đối thoại hòa giải.

Tổng thống Hàn Quốc Moon Jae-in và người đồng cấp Mỹ Donald Trump. Ảnh: AP.

Nếu Tổng thống Hàn Quốc Moon Jae-in có một điểm chung với người đồng cấp Mỹ Donald Trump thì đó là cả hai đều không mong muốn họ phải ở vào hoàn cảnh như hiện nay, theo CNN.

Ông Moon bước chân vào Nhà Xanh, phủ tổng thống Hàn Quốc, hồi tháng 5 sau một cuộc bầu cử nhanh chóng vì người tiền nhiệm Park Geun-hye bị phế truất và bắt giữ do vướng bê bối chính trị.

Từ khi đảm nhận cương vị mới, ông Moon, một cựu luật sư nhân quyền ủng hộ đàm phán với Triều Tiên, đã nỗ lực hiện thực hóa mục tiêu này. Nhưng những cố gắng của ông liên tục gặp trở ngại bởi những hành động khiêu khích từ Bình Nhưỡng.

"Triều Tiên tiếp tục đưa ra những quyết định sai lầm. Tôi rất tức giận và đau lòng khi chứng kiến điều đó", ông Moon hôm qua nói với CNN. "Đấy là một lựa chọn liều lĩnh. Nó không giúp ích gì cho bản thân Triều Tiên cũng như mối quan hệ liên Triều, đồng thời đe dọa hòa bình thế giới".

Triều Tiên sáng nay phóng tên lửa bay qua Hokkaido, phía bắc Nhật Bản, hướng về Thái Bình Dương, đánh dấu lần thứ hai nước này phóng tên lửa qua lãnh thổ Nhật Bản trong vòng chưa đầy 30 ngày. Hồi đầu tháng, Triều Tiên còn tiến hành vụ thử hạt nhân lần 6, mạnh nhất từ trước tới nay. Hành động trên lập tức vấp phải sự chỉ trích từ cộng đồng quốc tế.

Trái với ông Moon, Tổng thống Mỹ Donald Trump lại theo đuổi một chiến lược cứng rắn hơn trước vấn đề Triều Tiên, thường xuyên đề cập đến việc Washington và Seoul đang ngày càng khác biệt trong cách tiếp cận vấn đề Triều Tiên.

Tổng thống Mỹ cáo buộc người đồng cấp Hàn Quốc tìm cách "xoa dịu" Triều Tiên dù Seoul những tuần gần đây có xu hướng ngả về phía Washington nhiều hơn khi cho phép triển khai hệ thống phòng thủ tên lửa gây tranh cãi của Mỹ ở Hàn Quốc và tuyên bố rằng hiện tại không phải thời điểm để đàm phán với Triều Tiên.

"Ông ấy đang ở vào tình thế 'không thể thắng', cũng giống như những người tiền nhiệm", Kim Hyung-A, chuyên gia về chính trị Hàn Quốc tại Đại học Quốc gia Australia, nhận định. "Dù họ nói gì, khi Mỹ gây áp lực một cách nghiêm túc, Hàn Quốc khó có con đường nào khác ngoài làm theo điều Mỹ muốn".

Đi trên dây

Ông Moon trong cuộc phỏng vấn với CNN hôm 14/9. Ảnh: CNN.

Trong thời gian tranh cử, ông Moon tuyên bố sẽ dành nỗ lực ngoại giao lớn hơn để chấm dứt cuộc khủng hoảng Triều Tiên và kêu gọi mở rộng mối quan hệ kinh tế giữa hai miền.

Quan điểm của ông có không ít điểm tương đồng với cái gọi là "Chính sách Ánh dương" mà Hàn Quốc áp dụng từ năm 1998 đến 2008, đề cao mục tiêu đàm phán giúp dẫn tới hòa giải với Triều Tiên. Tuy nhiên, chính sách này vẫn không thể ngăn Triều Tiên phát triển hạt nhân và tên lửa.

Chính quyền Tổng thống Moon từng đình chỉ quá trình triển khai hệ thống phòng thủ tên lửa tầm cao giai đoạn cuối (THAAD) của Mỹ tại Hàn Quốc, đồng thời gợi ý về việc mở các cuộc đối thoại giữa Seoul và Bình Nhưỡng. Song thiện chí không được đáp lại.

Ông Moon Chung-in, cố vấn cấp cao cho Tổng thống Moon, cho biết áp lực từ cả Bình Nhưỡng và Washington khiến chính quyền Hàn Quốc phải thay đổi quan điểm.

"Tổng thống Moon từng phản đối THAAD", ông cho hay. "Cùng lúc, ông ấy ủng hộ mạnh mẽ đối thoại với Triều Tiên. Nhưng... Triều Tiên vẫn tiếp tục thể hiện những hành vi khiêu khích và ngang ngược".

Theo nhà nghiên cứu Markus Bell và Marco Milani, trong nỗ lực "đi trên dây" nhằm cân bằng giữa cách tiếp cận cứng rắn của Washington và cách tiếp cận hòa hoãn mà ông theo đuổi, Tổng thống Moon có thể sẽ "mất trắng".

"Chính sách 'nước đôi' của ông Moon, vừa tìm cách giải trừ vũ khí hạt nhân trên bán đảo Triều Tiên vừa kêu gọi đối thoại, đang mâu thuẫn và ngăn cản tiến bộ", Bell và Milani hồi tháng trước viết.

Bên cạnh đó, đến giờ, không có dấu hiệu nào cho thấy Triều Tiên sẵn sàng đáp ứng những kỳ vọng từ Tổng thống Moon, giáo sư John Delury từ Đại học Yonsei, Hàn Quốc, đánh giá.

"Đối với ông Kim Jong-un và hệ thống ở Triều Tiên, một chính phủ Hàn Quốc tự do, thân thiện còn nguy hiểm hơn một chính phủ Hàn Quốc bảo thủ, đối địch", ông Delury bình luận. "Chính quyền Tổng thống Moon đã đưa ra những trái bóng bay thiện chí nhưng Bình Nhưỡng lại chọc thủng từng trái một".

Theo Vũ Hoàng/VnExpress

Nguồn PNNews: http://phununews.vn/tin-tuc/the-ket-cua-tong-thong-han-quoc-trong-cuoc-khung-hoang-trieu-tien-228159/