Thế giới Thế giới Chỉ một nửa trường học trên thế giới học trực tiếp hoàn toàn trở lại

Cập nhật trên web COVID-19 Global Education Recovery Tracker, thông tin chỉ ra rằng 19 tháng sau khi đại dịch COVID-19 khiến các trường học trên thế giới bắt buộc phải đóng cửa, chỉ khoảng một nửa số trường học trên toàn cầu đã tiếp tục dạy và học trực tiếp trở lại, trong khi khoảng 34% trường học đang theo đuổi chương trình giảng dạy kết hợp cả trực tuyến và trực tiếp.

Nhiều trường vẫn chưa triển khai dạy và học trực tiếp trở lại sau tác động của dịch COVID-19. Ảnh minh họa: Công an Nhân dân Online

Theo đó, trang web đã được Đại học Johns Hopkins, Ngân hàng Thế giới (WB) và Quỹ Nhi đồng Liên Hiệp quốc (UNICEF) cùng tạo ra để hỗ trợ các quốc gia ra quyết định bằng cách theo dõi nỗ lực lập kế hoạch mở cửa trở lại và phục hồi sau ảnh hưởng của đại dịch COVID-19 tại hơn 200 nước khác nhau.

Theo dữ liệu theo dõi, 80% trường học trên thế giới đang triển khai học trực tiếp tại lớp học như giai đoạn trước đại dịch. Trong số đó, 54% hoàn toàn dạy tại trường học, 34% phụ thuộc vào các hoạt động giảng dạy trực tiếp và trực tuyến, trong khi 10% vẫn học từ xa và 2% hiện vẫn chưa có kế hoạch tiếp tục giảng dạy ở bất kỳ hình thức nào như các trường khác.

Trong khi dữ liệu chỉ ra rằng chỉ có 53% trong tổng số 200 nước đang ưu tiên tiêm chủng cho giáo viên, Ngân hàng Thế giới (WB) đã khuyến cáo rằng các quốc gia không nên tiếp tục chờ đợi để dân số, hoặc nhân viên của trường được tiêm chủng trước khi mở cửa lại trường học.

Báo cáo của Nhóm Giáo dục của WB cho biết: “Để thúc đẩy khôi phục giáo dục, giáo viên nên được ưu tiên tiêm chủng nếu có thể, đồng thời vẫn có những cách thức để mở cửa trường học trở lại một cách an toàn mà không cần tiêm chủng thông qua các biện pháp an toàn phù hợp nhất”.

Cụ thể, báo cáo của nhóm cho biết các trường học đã mở cửa trên toàn thế giới có thể hạn chế sự lây nhiễm trong quy mô trường học nhờ các chiến lược kiềm chế có hiệu quả và đơn giản như đeo khẩu trang, tạo và giữ không gian thông thoáng, giữ khoảng cách. Trong khi đó, tuy việc tiêm chủng rộng rãi ở hầu hết các quốc gia đã không đạt được mức mong đợi trong nhiều tháng, việc đóng cửa trường học cho đến khi tất cả nhân viên có thể được tiêm chủng vẫn đem lại rất ít lợi ích về hạn chế nguy cơ lây nhiễm. Song điều này lại gây ra nhiều tổn thất đáng kể cho trẻ em.

Nhận định được đưa ra khi ở những quốc gia có tỷ lệ bệnh nhân nhập viện vì COVID-19 thấp hơn từ 36-44 ca/1 vạn trường hợp trước khi các trường được mở cửa trở lại, việc học sinh quay trở lại trường học được nghiên cứu là không làm cho tỷ lệ nhập viện tăng lên.

Được biết, năm ngoái, đại dịch COVID-19 đã dẫn đến việc trường học ở 188 quốc gia phải đóng cửa. Điều này khiến 1,6 tỷ trẻ em – 75% học sinh nhập học phải nghỉ học. Khi đại dịch COVID-19 lây lan rộng ở trong và hầu khắp các quốc gia vào đầu năm 2020, chúng ta biết rất ít về các loại virus như con đường virus lây lan, đối tượng nào sẽ chịu ảnh hưởng nhiều nhất và cách điều trị bệnh. Do đó, vào thời điểm này, để bảo vệ trẻ em và làm chậm sự lây lan của dịch bệnh, hầu hết các chính phủ đã phản ứng bằng cách đóng cửa các trường học.

Tuy nhiên, 1 năm sau, những thông tin được cập nhật, bổ sung nhiều hơn. Cách thức kiềm chế dịch bệnh lây lan cũng đa dạng hơn, đơn cử như WHO khuyến nghị đóng cửa trường học chỉ là biện pháp cuối cùng. Trong một thông tin có liên quan, trích dẫn bằng chứng về khả năng lây truyền COVID-19 thấp ở trẻ em, Ngân hàng Thế giới cho biết, dữ liệu từ các nghiên cứu giám sát dân số và truy vết tiếp xúc cho thấy, so với người lớn và thanh thiếu niên, trẻ nhỏ, đặc biệt là trẻ dưới 10 tuổi ít nhạy cảm hơn đối với nguy cơ nhiễm bệnh và ít có khả năng truyền bệnh hơn. Cùng lúc, trong số những trẻ nhiễm COVID-19, các trường hợp trở nặng hoặc tử vong là rất hiếm và thường xảy ra ở những em đã mắc các bệnh tiềm ẩn khác.

Đan Lê (Lược dịch từ Devdiscourse)

Nguồn Thừa Thiên Huế: https://baothuathienhue.vn/chi-mot-nua-truong-hoc-tren-the-gioi-hoc-truc-tiep-hoan-toan-tro-lai-a105481.html