Thế giới tăng đầu tư phát triển năng lượng tái tạo

Theo báo cáo của Tập đoàn BP về thống kê năng lượng thế giới, đầu tư phát triển năng lượng tái tạo đang tăng mạnh trên toàn cầu với mức tăng trưởng kỷ lục 14,1% trong năm 2016. Một tín hiệu vui về giá thành của nguồn năng lượng mới này đang giảm nhanh hơn dự báo, đặc biệt là điện gió, điện mặt trời, mở ra triển vọng giảm bớt lượng khí thải gây hiệu ứng nhà kính.

Năng lượng gió dự báo sẽ chiếm 19% tổng sản lượng điện toàn cầu vào năm 2030.

Các chuyên gia cho rằng, việc phát triển năng lượng tái tạo từ nước, nắng, gió, sinh khối, địa nhiệt... đang trở thành xu thế toàn cầu vì đây là nguồn năng lượng sạch, giảm khí thải nhà kính, góp phần chống biến đổi khí hậu cũng như giúp các nước trên thế giới giảm khai thác và phụ thuộc vào nguồn nhiên liệu hóa thạch tự nhiên. Theo báo cáo của BP, sản lượng năng lượng tái tạo, không bao gồm thủy điện, trên toàn thế giới đã tăng kỷ lục trong năm 2016. Trong đó, Trung Quốc đã vượt Mỹ về sản lượng năng lượng tái tạo. Trong năm 2016, sản lượng thủy điện toàn cầu đã tăng trưởng 2,8% và Trung Quốc đóng góp 40% vào tổng mức tăng trưởng này. Cơ quan Năng lượng quốc tế (IEA) nhận định, năng lượng tái tạo sẽ phát triển nhanh trong 5 năm tới bởi chi phí thấp và các chính sách tạo điều kiện thúc đẩy phát triển nguồn năng lượng này. Báo cáo về năng lượng xanh của IEA công bố mới đây cho biết, đến năm 2021, sản lượng điện từ năng lượng tái tạo sẽ đạt khoảng 825 GW và sẽ chiếm 28% sản lượng điện toàn cầu.

Tại Mỹ, điện năng do các nhà máy điện sản xuất ra từ năng lượng tái tạo tăng 9% trong năm 2016 và đặt mục tiêu điện năng từ năng lượng tái tạo sẽ chiếm tỷ lệ 14% tổng sản lượng điện năng của nước này, trong đó lượng điện năng được tạo ra từ năng lượng gió và mặt trời sẽ lần lượt chiếm tỷ lệ 5.2% và 0.8%. Mỹ có thể cắt giảm 78% lượng khí các-bon mà ngành công nghiệp sản xuất điện thải ra vào năm 2030 bằng cách nâng cấp cơ sở hạ tầng để bắt kịp sự phát triển của hai lĩnh vực năng lượng gió và năng lượng mặt trời.

Tại Đông - Nam Á, kể từ khi Thỏa thuận Pa-ri về chống biến đổi khí hậu được phê chuẩn vào tháng 12-2015, cũng như Cam kết của các quốc gia về môi trường (INDC) được ký kết vào tháng 11-2016, các nước trong khu vực đã tập trung áp dụng các giải pháp chuyển đổi sang sử dụng nguồn năng lượng thải ra ít các-bon hơn. Các khoản đầu tư vào cơ sở hạ tầng cung cấp năng lượng sạch để đáp ứng các mục tiêu của INDC được dự báo sẽ tăng và đến năm 2030 các nước ASEAN sẽ cần đến 2.100 tỷ USD cho lĩnh vực này.

Để đẩy nhanh kế hoạch “Năng lượng sạch cho toàn châu Âu”, các nước thành viên Liên hiệp châu Âu (EU) vừa thông qua đề xuất của Ủy ban châu Âu (EC) về gói đầu tư trị giá 444 triệu ơ-rô cho 18 dự án lớn của EU về cơ sở hạ tầng năng lượng. Các dự án liên quan lĩnh vực năng lượng thông minh sẽ giúp liên kết và tăng cường an ninh cho mạng lưới năng lượng trên toàn châu Âu. Theo đó, các thành viên EU sẽ đẩy nhanh việc chuyển đổi sang nền kinh tế có mức độ thải khí các-bon thấp, an toàn và cạnh tranh. Theo thống kê, đầu tư vào năng lượng gió ngoài khơi ở châu Âu đã tăng gấp hai lần vào năm 2016, đạt kỷ lục 13,3 tỷ ơ-rô.

Tổ chức Năng lượng tái tạo toàn cầu cho biết, năm 2016 tổng mức đầu tư toàn cầu dành cho năng lượng tái tạo cao hơn hai lần mức đầu tư dành cho phát triển năng lượng từ than đá và khai thác khí đốt tự nhiên, đạt mức 286 tỷ USD. Trung Quốc là quốc gia chi nhiều nhất cho các dự án năng lượng tái tạo, chiếm hơn 30% mức đầu tư toàn cầu. Việc các quốc gia đầu tư hạ tầng, công nghệ để phát triển năng lượng tái tạo đang giúp giảm nhanh giá thành loại năng lượng mới này. Theo đánh giá của các chuyên gia năng lượng, hiện giá điện mặt trời đã cạnh tranh với giá điện sản xuất từ than ở Đức và Mỹ và tình hình sẽ diễn ra tương tự ở những thị trường tăng trưởng nhanh như Ấn Độ và Trung Quốc vào năm 2021. Giá điện sản xuất từ các tấm pin quang điện chỉ còn bằng 25% so mức giá vào năm 2009. Việc giá năng lượng tái tạo giảm mạnh không chỉ giúp phát triển nhanh loại năng lượng này mà còn mở ra triển vọng giảm bớt lượng khí thải gây hiệu ứng nhà kính trên quy mô toàn cầu.

Hà Lê

Nguồn Nhân Dân: http://nhandan.com.vn/thegioi/item/33783202-the-gioi-tang-dau-tu-phat-trien-nang-luong-tai-tao.html